Tổng sản phẩm trong nước tăng cao
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III/2022 tăng khá cao, khoảng 13,67% so với cùng kỳ năm trước. GDP 9 tháng năm 2022 tăng 8,83% so với cùng kỳ năm trước, đây cũng là mức tăng trưởng cao nhất của 9 tháng trong giai đoạn 2011 – 2022.
Theo số liệu được Tổng cục Thống kê công bố, trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế 9 tháng năm 2022, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,99%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,44%; đặc biệt ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 10,69%, chỉ thấp hơn tốc độ tăng của cùng kỳ các năm 2011, 2017 và 2018.
Về lĩnh vực dịch vụ, mức tăng trưởng đạt 10,57%, trong đó một số ngành dịch vụ thị trường tăng khá cao như: Bán buôn, bán lẻ tăng 10,24%; vận tải kho bãi tăng 14,2%; dịch vụ ăn uống tăng 41,7%; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 9,05%.
Về cơ cấu nền kinh tế từ quý I đến quý III/2022, khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản chiếm tỷ trọng 11,27%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 38,69%; khu vực dịch vụ chiếm 41,31%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 8,73%.
Về đóng góp GDP trong đó tiêu dùng tăng 7,26% so với cùng kỳ năm 2021, tỷ lệ chiếm 44,46% vào tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế; tích luỹ tài sản tăng 5,59% tỷ lê 18,46%; xuất khẩu hàng hoá và dịch vụ tăng 8,94%; nhập khẩu hàng hoá và dịch vụ tăng 4,74%.
Nhìn chung các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp dần lấy lại đà tăng trưởng với nhiều giải pháp như: thiết lập tái cơ cấu tổ chức, đầu tư trang thiết bị máy móc, mở rộng thị trường, bên cạnh đó là các chính sách kịp thời từ phía Chính phủ đã giúp phục hồi và phát triển cho hoạt động trong nhiều lĩnh vực của các doanh nghiệp.
Sản xuất công nghiệp dần hồi phục
Sản xuất công nghiệp quý III/2022 tăng trưởng mạnh do hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp được duy trì và dần phục hồi, tốc độ tăng giá trị tăng thêm ngành công nghiệp đạt 12,12% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng năm 2022, giá trị tăng thêm ở ngành này đạt 9,63% so với năm 2021, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,69%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 7,71%; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,03% và ngành khai khoáng tăng 4,42%.
Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 9 tháng năm 2022 tăng 9,7% so với cùng kỳ năm 2021, chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính tăng 13,4%.
Cũng theo Tổng cục Thống kê, kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp chế biến, chế tạo trong quý III/2022 cho thấy, có 38,6% số doanh nghiệp đánh giá tốt hơn so với quý II/2022; 36% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định và 25,4% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn.
Dự kiến quý IV/2022, có 48,7% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên so với quý III/2022; 33,9% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định và 17,4% số doanh nghiệp dự báo sẽ khó khăn hơn.
Doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng gần 32%
Tính chung 9 tháng năm 2022, cả nước có 112,8 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 1.272,3 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 758,1 nghìn lao động, tăng 31,9% về số doanh nghiệp, tăng 6,4% về vốn đăng ký và tăng 16,8% về số lao động so với cùng kỳ năm 2021.
Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong 9 tháng năm 2022 đạt 11,3 tỷ đồng, giảm 19,4% so với cùng kỳ năm trước. Nếu tính cả 2.635,9 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của 38,7 nghìn lượt doanh nghiệp thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 9 tháng năm 2022 đạt 3.908,2 nghìn tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, có 50,5 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 56,1% so với 9 tháng của năm 2021, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 9 tháng lên 163,3 nghìn doanh nghiệp, tăng 38,6% so với cùng kỳ năm 2021. Bình quân một tháng có 18,1 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.
Trong khi đó, cũng trong 9 tháng năm 2022, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 62,5 nghìn doanh nghiệp, tăng 38,7%; 36,3 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 12,1%; 13,8 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2021. Tính bình quân một tháng có 12,5 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Tổng thu ngân sách Nhà nước đạt hơn 1.327 nghìn tỷ đồng
Theo Bộ Tài chính, tổng thu ngân sách Nhà nước 9 tháng năm 2022 đạt 1.327,3 nghìn tỷ đồng, bằng 94% dự toán năm và tăng 22% so với cùng kỳ năm trước.
Trong số thu 9 tháng, thu nội địa đạt 1.045,8 nghìn tỷ đồng, bằng 88,9% và tăng 18,8%; thu từ dầu thô đạt 60,1 nghìn tỷ đồng, gấp 2,1 lần và tăng 103,5%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu đạt 216,5 nghìn tỷ đồng, bằng 108,8% và tăng 22,1%.
Tổng chi ngân sách Nhà nước 9 tháng năm 2022 ước đạt 1.086,3 nghìn tỷ đồng, bằng 60,9% dự toán năm và tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó: chi thường xuyên 9 tháng năm 2022 đạt 758,8 nghìn tỷ đồng, bằng 48,1% và tăng 15,8%; chi trả nợ lãi 72,6 nghìn tỷ đồng, bằng 70% và giả, 9.1%.
Lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết, nguyên nhân của số thu tăng trong quý III/2022 là do Bộ Tài chính đã bám sát chủ trương của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ và các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Từ đó Bộ đã chủ động năm bắt tình hình, ban hành và trình cấp thẩm quyền, đồng bộ các giải pháp chính sách tài khoá, hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, góp phần kiểm soát và kìm chế lạm phát.
Mặc dù kinh tế – xã hội 9 tháng năm 2022 của nước ta đang diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới rất khó khăn khi xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine vẫn đang hết sức phức tạp và tác động đến nền kinh tế toàn cầu.
Chính vì vậy, kinh tế Việt Nam cũng không tránh khỏi hệ luỵ. Bởi cả Nga và Ukraine đều là những đối tác thương mại và truyền thống quan trọng của Việt Nam tại khu vực.
Với quyết tâm phục hồi và phát triển kinh tế, tạo đà hoàn thành mục tiêu kinh tế – xã hội năm 2022 và giai đoạn 2021 -2025 theo Nghị quyết Đại hội Đảng XIII, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ, ngành, địa phương triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết số 01/NQ-CP, Nghị quyết số 02/NQ-CP, Nghị quyết số 11/NQ về Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội, tiếp tục duy trì ổn định, kiểm soát lạm phát, chính sách tiền tệ, tài khoá được điều hành chủ động, linh hoạt và hiệu quả.