Sáng ngày 27/5, Quốc hội nghe tờ trình, thẩm tra Dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Dự thảo luật gồm 7 chương, 74 điều. Trên cơ sở kế thừa các quy định còn phù hợp của pháp lệnh và các nghị định, dự thảo luật có nhiều điểm mới về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn, trong cơ quan, đơn vị và tại doanh nghiệp.
Dự thảo mở rộng dân chủ trực tiếp tại cấp xã theo hướng bổ sung các vấn đề nhân dân bàn và quyết định trực tiếp.
Cụ thể, là bàn và quyết định chủ trương và mức đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình phúc lợi công cộng trong phạm vi cấp xã, thôn, tổ dân phố do cộng đồng dân cư đóng góp toàn bộ hoặc một phần kinh phí; lập, thu, chi các loại quỹ xã hội, quỹ từ thiện và các khoản khác từ nguồn đóng góp của cộng đồng dân cư.
Nhân dân cũng bàn và quyết định bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố; bầu, bãi nhiệm thành viên ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư của cộng đồng…
Cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình là công dân Việt Nam đăng ký thường trú hoặc tạm trú trên địa bàn thôn, tổ dân phố, từ đủ mười tám tuổi trở lên tính đến ngày lập danh sách cử tri, có đầy đủ năng lực hành vi dân sự, có quyền bàn và quyết định các nội dung.
Thẩm tra nội dung này, Ủy ban Pháp luật đề nghị quy định cụ thể trường hợp nào thì toàn thể cử tri, trường hợp nào thì chỉ có các cử tri đại diện hộ gia đình được tham gia bàn và quyết định các vấn đề của địa phương.
Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị bổ sung quy định về cơ chế thực hiện để bảo đảm các nội dung cộng đồng dân cư quyết định phải được đưa ra bàn bạc, thảo luận trước đó, trường hợp không tổ chức họp thì ý kiến của người dân cũng cần được thu thập bằng các hình thức linh hoạt khác nhau.
Điểm mới nữa, dự thảo dành 1 chương riêng quy định về thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp.
Trong đó, quy định chung về công khai thông tin tại doanh nghiệp; về người lao động tham gia ý kiến, quyết định và kiểm tra, giám sát trong mọi loại hình doanh nghiệp như được quyết định mức đóng các loại quỹ xã hội, quỹ từ thiện tại doanh nghiệp. Đồng thời, bổ sung một số quy định đặc thù áp dụng với doanh nghiệp nhà nước
Theo ông Hoàng Thanh Tùng, vấn đề này nhận được sự tán thành của đa số ý kiến trong Ủy ban Pháp luật vì sẽ tạo cơ chế, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ trong hoạt động của doanh nghiệp, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng nguồn lực đầu tư của Nhà nước, kiểm soát tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.
Tuy nhiên, Ủy ban Pháp luật đề nghị tiếp tục nghiên cứu, rà soát, bổ sung vào dự thảo luật các quy định chi tiết, cụ thể hơn thể hiện rõ đặc thù trong việc thực hiện dân chủ ở doanh nghiệp Nhà nước, nhất là về các nội dung người lao động được tham gia ý kiến, được bàn bạc, quyết định và kiểm tra.