Bà Dương Thị Vân, Chủ tịch Hội Người khuyết tật TP. Hà Nội.
Tại tọa đàm "Đối thoại chính sách về hướng nghiệp, đào tạo nghề và việc làm cho người khuyết tật" do Hội Người khuyết tật (NKT) TP. Hà Nội tổ chức sáng nay (13/4), bà Dương Thị Vân, Chủ tịch Hội Người khuyết tật TP. Hà Nội cho hay, công tác dạy nghề, tạo việc làm và hỗ trợ NKT tiếp cận nguồn vốn vay giải quyết việc làm là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Hội NKT thành phố Hà Nội từ nhiều năm nay.
Việc làm này nhằm giúp NKT có cơ hội được hòa nhập vào thị trường lao động, tiếp cận việc làm, tự tạo việc làm như: kinh doanh, chăn nuôi, trồng trọt, mở các dịch vụ: may đo, sửa chữa điện tử, điện lạnh, photocopy… để NKT khắc phục khó khăn, phấn đấu vươn lên, tự lực trong cuộc sống, tăng thu nhập và ngày càng được hòa nhập bình đẳng vào cộng đồng.
Mặc dù chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, trăn trở với những khó khăn của NKT làm sao có thể tự lập và tham gia hoạt động Hội, Hội NKT Hà Nội đã khuyến khích những NKT tham gia vào thị trường lao động chung.
Hội Người khuyết tật Hà Nội tặng quà cho những người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: Quang Hoàn Kiếm.
Ông Trịnh Xuân Dũng, Phó Chủ tịch Hội NKT Hà Nội, Trưởng Ban việc làm Hội NKT TP. Hà Nội cho biết, đến nay, trên 70% xã, phường chưa thành lập hội NKT, vì vậy gặp nhiều khó khăn khi hội viên tiếp cận vốn vay tại các hội, đoàn thể, xã, phường; Một số hội đoàn thể tại địa phương còn e ngại rằng, NKT không có khả năng trả gốc khi đáo hạn.
Theo thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, hiện, cả nước có hơn 6,2 triệu người khuyết tật nhưng chỉ có 31,7% trong số này nằm trong lực lượng lao động. Tỷ lệ có việc làm đối với người khuyết tật từ 15 tuổi trở lên là 36%, trong khi tỷ lệ này ở người không khuyết tật là 60%. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, người khuyết tật là đối tượng yếu thế chịu ảnh hưởng nhiều nhất khi mất việc làm.
Mỗi năm khi tổ vay vốn thay đổi người phụ trách cũng ảnh hưởng rất nhiều đến việc xét duyệt vốn vay cho NKT và không nắm được chính sách hỗ trợ NKT vay vốn. Bên cạnh đó, hàng năm, các hội đoàn thể tại địa phương không được phân bổ nguồn vốn ưu tiên cho NKT là bao nhiêu tiền, do đó, NKT càng khó khăn hơn trong việc tiếp cận vốn vay.
“Đề nghị sở LĐ-TB&XH, Ngân hàng Chính sách xã hội, UBND và các hội đoàn thể quan tâm nhiều hơn nữa để NKT tiếp cận nguồn vốn vay thuận lợi hơn; Có chỉ tiêu phân bổ nguồn vốn vay hàng năm từ Ngân hàng Chính sách xã hội đến hội đoàn thể tại địa phương dành riêng cho NKT”, ông Trịnh Xuân Dũng kiến nghị.
Để bảo đảm sự bình đẳng về việc làm cho người khuyết tật, nhiều chính sách ưu đãi về vốn, học nghề cho người khuyết tật đã được triển khai. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác trợ giúp người khuyết tật, nhất là việc tạo việc làm bền vững cho người khuyết tật vẫn là một thách thức lớn.
Để người khuyết tật có việc làm bền vững, nhiều ý kiến cho rằng, cần đưa chính sách hỗ trợ việc làm cho người khuyết tật vào trong các chiến lược và kế hoạch quốc gia cũng như các chính sách địa phương. Bên cạnh đó, cần có cơ chế thực hiện có hiệu quả các khuyến khích tài chính đối với việc làm của người khuyết tật. Đồng thời, bổ sung quy định về các phương pháp tiếp cận trong đánh giá kỹ năng nghề quốc gia.