Ngày càng có nhiều câu lạc bộ bóng đá tên tuổi tung ra tiền mã hóa của riêng mình, gọi là "fan token", cho phép người hâm mộ ủng hộ cho các câu lạc bộ. Làn sóng này diễn ra khi các câu lạc bộ đối mặt với những khó khăn tài chính do sụt giảm doanh thu khi dịch COVID-19 hoành hành.
Tranh cãi xung quanh việc phát hành “fan token”
Theo tờ Reuters, với việc sử dụng “fan token” do các câu lạc bộ phát hành, người hâm mộ có thể góp phần đưa ra một số quyết định nhỏ cho câu lạc bộ. Tuy nhiên, động thái mới nhất của các câu lạc bộ tạo ra hai luồng ý kiến trái chiều.
Một bên ủng hộ vì muốn tương tác nhiều hơn với đội bóng yêu thích, thậm chí muốn đưa ra những quyết định nhỏ cho câu lạc bộ như đề xuất bài hát được phát tại các trận đấu khi cầu thủ ghi bàn, hoặc lựa chọn hình ảnh đại diện câu lạc bộ trên mạng xã hội. Số khác lại cho rằng đây là “chiêu trò” mới để các câu lạc bộ "bào tiền" từ người hâm mộ.
Trong số các câu lạc bộ tung ra tiền số có thể kể đến như Manchester City, AC Milan, Barcelona, AS Roma, Atletico Madrid, Juventus,... Ở cấp độ đội tuyển quốc gia, đại diện tuyển Tây Ban Nha cho biết họ đang có kế hoạch tung ra tiền mã hóa riêng. Argentina cũng đã có mã tiền số cho riêng mình từ tuần trước.
Các câu lạc bộ thường hợp tác với một công ty công nghệ về tiền điện tử để phát hành token mới, sau đó nhận được một phần doanh thu từ lần bán hàng đầu tiên khi niêm yết trên sàn giao dịch. Giá cả khác nhau, nhưng mức giá thường vào khoảng 2 USD mỗi đồng khi được niêm yết.
Người sở hữu có thể giao dịch “fan token” như bao loại tiền mã hóa khác. Đồng tiền số này cũng đang dần bắt đầu thu hút sự chú ý của các nhà giao dịch bán lẻ và nhà đầu tư. Giá cả có xu hướng dao động mạnh và có thể bị thành tích trên sân của các đội bóng ảnh hưởng. Một số “fan token” của các câu lạc bộ tên tuổi đã mất khoảng 2/3 giá trị trở lên trong vài tuần gần đây, phản ánh đà lao dốc nói chung của thị trường tiền số.
Malcolm Clarke, Chủ tịch Hiệp hội những người ủng hộ bóng đá (FSA), đại diện cho người hâm mộ ở Anh và xứ Wales, cho biết các câu lạc bộ đang cố gắng kiếm tiền từ người hâm mộ bằng cách cho phép họ quyết định một số hoạt động trong câu lạc bộ. Tuy nhiên, ông cho rằng cách làm này là không cần thiết và "không đẹp mắt".
Trong bối cảnh dịch bệnh, các trận đấu diễn ra mà không có khán giả trên khán đài, “fan token” trở thành ý tưởng hấp dẫn với các câu lạc bộ. Theo công ty tư vấn Deloitte LLP, doanh số bán hàng của 20 câu lạc bộ có doanh thu hàng đầu châu Âu giảm 12% còn 8,2 tỉ euro (9,9 tỉ USD) trong năm 2020.
Lãnh đạo các câu lạc bộ cho biết, “fan token” giúp tăng cường sự tương tác của họ với những người hâm mộ trên thế giới. Theo phát ngôn viên của AC Milan, việc phát hành tiền số là chiến lược nhằm tăng cường sự hiện diện của câu lạc bộ trên môi trường Internet và giúp họ "ở gần hơn" với 500 triệu người hâm mộ trên toàn cầu.
Giorgio Ricci, đại diện Juventus cho rằng, tiền số như một cách để tương tác với người hâm mộ trong thời gian giãn cách, đồng thời đánh giá nó "có lợi cho cả câu lạc bộ lẫn người hâm mộ".
Katia Gigliotti, một người hâm mộ câu lạc bộ AS Roma, cho biết ban đầu cô do dự về việc đầu tư vào mã tiền của câu lạc bộ mình yêu thích, nhưng sau đó đã quyết định chi. Cô đánh giá cao sự tương tác của đội bóng với những người hâm mộ trong thời gian giãn cách xã hội thông qua môi trường tiền điện tử.
"Việc không thể đến xem các trận đấu yêu thích là tổn thương của những người như chúng tôi. Nó cũng khiến các câu lạc bộ gặp khó khăn. Tiền điện tử là cách để chúng tôi tiếp tục ủng hộ đội bóng mình yêu thích", Gigliotti nói.
Bên cạnh sự ủng hộ, không ít người hâm mộ phản đối với việc phát hành “fan token” của các câu lạc bộ. Sue Watson, chủ tịch hiệp hội người hâm mộ của West Ham United đặt câu hỏi, "Tại sao bạn phải trả tiền để có tiếng nói trong câu lạc bộ?". Cô cho rằng việc mua “fan token” làm tăng chi phí ủng hộ cho một đội bóng, dù trước đó người hâm mộ đã trả tiền mua vé xem mùa giải và áo đội tuyển.
Trước đó, câu lạc bộ Borussia Dortmund cũng vấp phải làn sóng chỉ trích từ người hâm mộ. Câu lạc bộ này tiết lộ với Reuters rằng đã phải thay đổi kế hoạch ra mắt “fan token” vào tháng 3, nhưng không cung cấp thêm thông tin.
Tạo cơn sốt trong kỳ EURO 2021
Ngay trước khi EURO 2021 - kỳ bóng đá đặc biệt nhất của châu Âu chính thức khởi tranh, một loạt các đồng tiền ảo của các câu lạc bộ bóng đá đã tăng từ 20 - 50% so với một ngày trước đó.
Trong nhóm tăng mạnh nhất phải kể đến những cái tên quen thuộc như Barcelona (20%), AS Roma (50%), Atletico Madrid (42%), Juventus (25%)...
Tuy nhiên đà tăng bị thổi bay chỉ sau một ngày cùng với thị trường tiền ảo. Phiên đỏ sàn hai ngày cuối tuần kéo Bitcoin xuống 35.000 USD, gián tiếp khiến các đồng tiền ảo thay thế (altcoin) cũng giảm theo.
Dù vậy, giới chuyên gia cho rằng, các đồng tiền ảo hệ bóng đá vẫn được đặt nhiều kỳ vọng cho đà tăng trở lại khi EURO 2021 bước vào vòng loại trực tiếp (knock-out). Đó là chưa kể Copa America 2021 khởi tranh từ 13/6 cũng hứa hẹn giúp tạo ra cơn sốt tiền số bóng đá không chỉ ở châu Âu mà còn trên khắp hành tinh.