Quy mô gói kích thích đủ lớn
Trong bối cảnh doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề làn sóng dịch bệnh Covid-19 lần thứ 4, nước ta cần gói hỗ trợ đủ mạnh từ Nhà nước giúp doanh nghiệp, người dân gặp khó khăn vì đại dịch. Vì vậy, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế sau dịch Covid-19 khoảng 800 nghìn tỷ đồng, tức gần 10% GDP (gần 35 tỷ USD), gấp 3,5 lần gói hỗ trợ năm 2021 của Chính phủ mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra là cần thiết. Các quốc gia chịu tác động của đại dịch ít tổn hại hơn Việt Nam vẫn hỗ trợ ở quy mô này hoặc lớn hơn để thực hiện mục tiêu phục hồi kinh tế. Việt Nam cũng rất cần có gói kích thích đủ lớn để xử lý các vấn đề như an sinh xã hội, cấp bù lãi suất, giảm miễn các loại thuế phí, kể cả giảm thuế VAT, các khoản dành cho các chương trình khác như hỗ trợ tái cơ cấu, các gói liên quan đến hỗ trợ nhà ở cho công nhân, nhà ở xã hội... gói hỗ trợ này được kéo dài trong 2 năm 2022 – 2023 có những phần sẽ sử dụng tiền mặt, phần quan trọng đến từ việc miễn, giảm thuế phí... giống như năm 2021.
Ngân hàng là cứu cánh doanh nghiệp. Ảnh : Trọng Triết.
Các nguồn lực huy động cho Chương trình, bao gồm: ngân sách nhà nước, chủ yếu là nguồn tiết kiệm chi thường xuyên; nguồn phát hành trái phiếu chính phủ; các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách và quỹ dự trữ ngoại hối trong trường hợp cần thiết; nguồn vay các định chế tài chính quốc tế như WB, IMF, ADB...
Qua phân tích số liệu vĩ mô cho thấy, Việt Nam có thể tiết giảm chi tiêu, phát hành trái phiếu chính phủ trong nước để tận dụng mức lãi suất đang thấp. Đồng thời, đẩy nhanh thoái vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp, nếu năm nay thoái vốn, cổ phần hóa mà làm tốt thì có thể thu về 40 nghìn tỷ đồng như kế hoạch.
Ngoài ra, các dự án bất động sản nếu được tháo gỡ rào cản để thi công sẽ giúp giải tỏa thêm nguồn lực đáng kể. Vay nước ngoài cũng đang là nguồn tiềm năng, các tổ chức tài chính quốc tế sẵn sàng cho Việt Nam vay với điều kiện không quá khắt khe. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay là tăng vay quốc tế có cần thiết phải nới trần nợ công? Quan sát dữ liệu trần nợ công không có gì vướng mắc, nếu đẩy chi tiêu ngân sách lên thì thâm hụt ngân sách và nợ công vẫn trong tầm kiểm soát.
Theo dự toán ngân sách nhà nước năm 2022, dự kiến bội chi ở mức 4% GDP (khoảng 373 nghìn tỷ đồng). Trình bày trước Quốc hội về tình hình nợ công năm 2021 và dự kiến năm 2022 của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc thông tin, tỷ lệ nợ công của Việt Nam giảm mạnh từ mức 63,7% GDP cuối năm 2016 xuống khoảng 55,2% GDP cuối năm 2020.
Theo mục tiêu Nghị quyết 23/2021/QH15 về kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021 – 2025 được Quốc hội thông qua tháng 7/2021, trần nợ công hằng năm không quá 60% GDP. Như vậy, nợ công hiện tại vẫn trong ngưỡng cho phép.
Cơ chế thực thi gói hỗ trợ?
Việc thực hiện gói hỗ trợ 800 nghìn tỷ đồng phải có mục tiêu, không cào bằng, gắn với tái cơ cấu, chuyển đổi số, đổi mới công nghệ… Sau đại dịch Covid-19 có 3 nhóm doanh nghiệp.
Nhóm thứ nhất, là doanh nghiệp buộc phải ngưng hoạt động do Nhà nước chống dịch. Bây giờ mở cửa lại, họ tự hoạt động tốt và có sức khỏe tốt. Số này không ít, trong đó có các doanh nghiệp ở khu công nghiệp. Đối với nhóm này, hỗ trợ lớn, quan trọng nhất là cần tháo gỡ tất cả điểm nghẽn về thể chế, thủ tục giúp họ phát triển. Hiện đây là nhóm đi đầu để đẩy mạnh phục hồi.
Nhóm thứ hai, là các doanh nghiệp đang khó khăn về nguồn vốn nhưng có tiêu chuẩn, điều kiện để tiếp tục vay, họ có thể tham gia các gói hỗ trợ tín dụng của Nhà nước. Số này cần dòng tiền, cần gói hỗ trợ tín dụng.
Nhóm thứ ba, là các doanh nghiệp khó khăn, không có tiền nhưng nợ chồng chất, không vay được, cần thực hiện mô hình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp.
Trong gói hỗ trợ 800 nghìn tỷ đồng có nhiều khoản, có những phần không tạo dòng tiền mới như miễn, giảm thuế phí, có phần có dòng tiền mới. Khi phân bổ những phần có dòng tiền mới để hỗ trợ doanh nghiệp, cần chú trọng nhiều vấn đề. Chẳng hạn, khi thực hiện cơ chế bù lãi suất cần tránh lặp lại tình trạng như ở giai đoạn 10 năm trước là hỗ trợ cào bằng. Theo đó, phải xác định doanh nghiệp nào cần được cấp bù, hỗ trợ bù lãi suất phải gắn với tái cơ cấu, chuyển đổi số, đổi mới công nghệ. Chính phủ phải đưa ra quy định chung, từ đó phân cấp cho địa phương chủ động nắm lại lực lượng. Riêng hỗ trợ doanh nghiệp, phải có vai trò của các hiệp hội, ngành nghề có liên quan về các đối tượng.
Liên quan đến nợ công, Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch tài chính quốc gia về vay, trả nợ công giai đoạn 2021 – 2025 giới hạn nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ (không bao gồm cho vay lại) không quá 25% tổng thu ngân sách nhà nước. Để đảm bảo nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ không vượt trần, cần tìm kiếm những khoản vay lãi suất thấp và dài hạn, nghĩa vụ trả nợ trải đều qua nhiều năm.
Việc hỗ trợ trực tiếp bằng tiền giống như liều thuốc giảm triệu chứng trước mắt cho doanh nghiệp và người dân chịu tác động của dịch bệnh. Biện pháp này không thể kéo dài, muốn sự hỗ trợ bền vững cần đẩy mạnh chính sách tài khóa, tiền tệ, đầu tư công và quan trọng nhất là để người thụ hưởng dễ dàng tiếp cận, sử dụng có hiệu quả.
Vấn đề quan trọng nhất là cách thức, phương thức hỗ trợ để nguồn lực được hấp thu một cách hiệu quả nhất, tạo ra sự lan tỏa và bật dậy của doanh nghiệp và nền kinh tế. Nếu được như vậy thì khả năng trả nợ không đáng lo. Nguồn tín dụng từ chính sách tiền tệ hỗ trợ doanh nghiệp phải gắn với đầu tư công – vốn mồi của Nhà nước, để thu hút đầu tư xã hội.
https://hoanhap.vn/chi-tiet/goi-kich-cau-800-nghin-ty-dong-de-phuc-hoi-nen-kinh-te1638072226.html