Minh họa (nguồn: Internet).
Hàng tỷ USD huy động từ trái phiếu đi về đâu ?
Vụ Tân Hoàng Minh bị hủy lô trái phiếu và lãnh đạo tập đoàn này bị bắt liên quan đến trái phiếu khiến 7.000 nhà đầu tư mua trái phiếu ngậm “trái đắng”. Đến thời điểm hiện nay, sau hơn 6 tháng, nhà đầu tư vẫn mất ăn, mất ngủ vì không biết bao giờ mới nhận lại được tiền gốc.
Vụ việc Tân Hoàng Minh chưa lắng xuống, mới đây, Công ty An Đông phát hành trái phiếu sai trái khiến lãnh đạo DN bị khởi tố lại làm vấn đề bùng lên, khiến nhà đầu tư bất an, chuyên gia kinh tế lo lắng về hàng tỷ USD được huy động từ kênh trái phiếu đi về đâu, khi lãnh đạo doanh nghiệp phát hành bị khởi tố ?
Bà Trương Mỹ Lan - Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát bị bắt và khởi tố do liên quan đến hoạt động chứng khoán (nguồn: Internet).
Ngân hàng Nhà nước nêu rõ chủ trương giám sát chặt chẽ tín dụng đặc biệt là tín dụng bất động sản, thông qua việc ban hành các quy định, thông tư mới. Cụ thể, quy định về hệ số rủi ro của các khoản phải đòi để kinh doanh bất động sản theo hướng tăng lên 200% từ 01/01/2017 (từ mức 150%) theo Thông tư 06/2016/TT-NHNN, giảm tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn - Thông tư 08/2020/TTNHNN. Do đó, tốc độ tăng trưởng tín dụng bất động sản giảm dần từ trên 26% năm 2018 xuống khoảng 12% năm 2021.
Do ngân hàng giám sát chặt cho vay, nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản không đáp ứng đủ điều kiện vay vốn từ ngân hàng, nên đã chọn giải pháp huy động vốn thông qua kênh phát hành TPDN với lãi suất cao, thậm chí còn không có tài sản đảm bảo và chịu giám sát hoạt động giải ngân tiền như đi vay ngân hàng.
Theo số liệu thống kê cho thấy, tính đến cuối năm 2021, tổng dư nợ trái phiếu DN đang lưu hành trên thị trường đã lên tới gần mốc 1,2 triệu tỷ đồng, tương đương 52 tỷ USD. Thế nhưng, đường đi của dòng tiền này vẫn là một bí ẩn, bởi không cơ quan, tổ chức nào có thể giám sát.
Theo số liệu báo cáo của Bộ Tài chính hồi tháng 6/2022 cho thấy, riêng năm 2021 có tới 20 doanh nghiệp BĐS huy động vốn qua kênh trái phiếu doanh nghiệp với tổng số nợ vay hơn 100.000 tỷ đồng, với lãi suất huy động TPDN của các doanh nghiệp này từ 8%/năm đến 12,9%/năm. Dẫn đầu là nhóm 5 doanh nghiệp gồm: Công ty CP đầu tư và xây dựng Vạn Trường Phát, Công ty CP Osaka Garden, Công ty TNHH kinh doanh bất động sản Mediterranena Revival Villas.... năm 2021 đã huy động gần 7.000 tỉ đồng nợ vay TPDN để làm dự án bất động sản.
Tập đoàn Vset Group từng bị xử lý do phát hành trái phiếu chui (ảnh: nguồn internet).
Trong 8 tháng đầu năm 2022, nhóm DN bất động sản huy động vốn qua kênh trái phiếu đạt giá trị hơn 47.000 tỷ đồng, chiếm 21,3% tổng giá trị trái phiếu phát hành, xếp thứ hai sau lĩnh vực ngân hàng (với lãi suất trung bình khoảng 10,2%). Cụ thể, Cty TNHH Đầu tư và Kinh doanh địa ốc Mỹ Phú phát hành 700 tỷ đồng trái phiếu DN riêng lẻ vào ngày 17/5/2022; Công ty Hội An Invest cũng phát hành một số đợt riêng lẻ trong tháng 5, huy động 300 tỷ đồng…
Cảnh báo bảo vệ nhà đầu tư và doanh nghiệp chân chính
Thông qua kênh trái phiếu hoặc các dạng hợp đồng hợp tác, hợp đồng chuyển nhượng cổ phần, hợp đồng trái phiếu....hàng vạn nhà đầu tư đã “tích cực” bơm tiền cho doanh nghiệp, thể nhưng họ lại không thể biết tài sản của mình đang được DN sử dụng vào mục đích gì. Đến khi lãnh đạo doanh nghiệp bị bắt, lúc này nhà đầu tư mới tá hỏa tìm giải pháp để giảm thiểu rủi ro với những khoản đầu tư.
Ví như trường hợp của nhà đầu tư T.H (ở chung cư Phương Đông Green Park, số 1 Trần Thủ Độ, quận Hoàng Mai, Hà Nội) phản ánh tới cơ quan báo chí, chị cho biết, chị đại diện cho 5 nhà đầu tư (gồm bạn bè và người thân cùng gia đình) đã ký kết 10 văn bản gọi là “Thỏa thuận hợp tác chiến lược” với một doanh nghiệp con của một tập đoàn có địa chỉ tại tầng 2, nhà 25T1 lô đất N05 KĐT Đông Nam đường Trần Duy Hưng (phường Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội).
Theo thỏa thuận, nhà đầu tư đã bỏ ra một khoản tiền lớn là 2.277.650.000 đồng (hai tỷ, hai trăm bảy bảy triệu, sáu trăm năm mươi nghìn đồng chẵn) để nhận chuyển nhượng một lượng lớn cổ phần của tập đoàn mẹ. Thời gian ký kết thỏa thuận là các ngày 11/10/2021; 05/01/2022; 12/01/2022; 13/01/2022; 07/02/2022; 18/02/2022; 22/02/2022.
Tuy nhiên khi đến ngày tất toán, chị T.H cùng 5 nhà đầu tư khác đã đến doanh nghiệp yêu cầu được nhận lại vốn và một phần lãi như thỏa thuận đã ký kết trước đó. Thế nhưng doanh nghiệp lại tỏ rõ dấu hiệu “bất tín” khi đưa ra lý do công ty hiện đang khó khăn, không thể trả tiền gốc cho nhà đầu tư… Không những vậy, doanh nghiệp còn ép nhóm nhà đầu tư này chỉ có thể nhận lãi cho những hợp đồng tái ký....
Mặc dù bị nhiều nhà đầu tư tố là “xù nợ”, nhưng đầu năm 2022, doanh nghiệp này đã thông qua kênh trái phiếu để huy động số vốn khủng 630 tỷ đồng với kỳ hạn 5 năm.
Giống cảnh ngộ như chị T.H ở chung cư Trần Thủ Độ (Hà Nội); nhiều nhà đầu tư khác khi đầu tư “cấp vốn” cho Tập đoàn VSet Group cũng đang phải khóc ròng khi bị VSet Group “bội tín”?
Mặc dù UBCKNN đã yêu cầu VsetGroup phải thanh toán cho chủ đầu tư mua trái phiếu sai quy định từ cuối năm 2021 nhưng đến nay VsetGruop vẫn không thanh toán cho khách hàng, nhiều lần gửi công văn trì hoãn dẫn tới khách hàng tố cáo doanh nghiệp này có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. (nguồn Tạp chí Tài chính Doanh nghiệp).
Theo UBCKNN kết quả kiểm tra cho thấy hoạt động phát hành trái phiếu của VsetGroup có dấu hiệu bất thường, tiềm ẩn rủi ro cho nhà đầu tư. VsetGroup báo cáo đã ký 678 hợp đồng mua bán trái phiếu từ ngày 1/1/2020 đến 27/10/2021, với tổng giá trị hơn 208,6 tỷ đồng nhưng không cung cấp các hợp đồng đã ký theo yêu cầu của đoàn kiểm tra.
Cùng với đó, VsetGroup báo cáo việc phát hành trái phiếu để tài trợ vốn lưu động phục vụ sản xuất kinh doanh nhưng không cung cấp được hồ sơ, tài liệu liên quan đến sử dụng số tiền thu được phát hành trái phiếu.
Đặc biệt, VsetGroup không theo dõi, hạch toán, trình bày trên Báo cáo tài chính tại thời điểm ngày 31/12/2020 và báo cáo tài chính tại thời điểm ngày 30/6/2021 của công ty đối với các khoản tiền thu được từ phát hành trái phiếu, trả lãi vay trái phiếu, trả gốc vay trái phiếu đến hạn. “Không những thế, các khoản tiền thu được từ phát hành trái phiếu được các cá nhân trong công ty rút ra khỏi tài khoản của công ty và không được nhập quỹ đầy đủ, không được theo dõi trên sổ sách kế toán của công ty”, đại diện UBCKNN cho biết.
Ông Trần Hoàng Vũ, Tổng Giám đốc Tập Đoàn Vset Group (nguồn: Internet).
Qua những hành vi của VsetGroup, dư luận hoàn toàn có quyền đặt câu hỏi về tính mập mờ, thiếu minh bạch của doanh nghiệp này; đồng thời, cũng phần nào cho thấy độ rủi ro ở mức rất cao đối với các nhà đầu tư đã lỡ mua và nắm giữ lượng trái phiếu của doanh nghiệp này phát hành.
Được biết Công ty CP tập đoàn Vset Group cùng với Công ty CP tập đoàn APEC Group và Công ty TNHH Ngôi Sao Việt, Công ty CP Cung điện mùa đông phát hành trái phiếu của Tập đoàn Tân Hoàng Minh và bị cơ quan chức năng xử phạt và hủy đối với trái phiếu phát hành do có hành vi phát hành “chui” trái phiếu.
Đây là những con số rất khiêm tốn trong hàng triệu tỷ đồng mà các doanh nghiệp đã huy động vốn thông qua các kênh chứng khoán khác nhau, đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản huy động vốn thông qua kênh trái phiếu, nhưng nhà đầu tư không thể giám sát được tài sản được doanh nghiệp sử dụng có hiệu quả?
Ngay cả trong giai đoạn xảy ra đại dịch Covid -19 (năm 2020 -2021), doanh nghiệp bất động sản vẫn phát hành lượng trái phiếu với số lượng lớn để huy động vốn, mặc dù trong thời điểm này số lượng dự án bất động sản được cấp phép mới chỉ đếm trên đầu ngón tay. Theo số liệu thống kê, chỉ tính riêng năm 2021, lượng trái phiếu mà các DN bất động sản phát hành lên tới 9 tỷ USD, cao gấp 3 lần lượng huy động được năm trước đó.
Sang năm 2022, từ câu chuyện trái phiếu của Tân Hoàng Minh, các DN đã thu hẹp con đường huy động vốn từ phát hành trái phiếu. Một lãnh đạo DN địa ốc Hà Nội đang làm dự án tại Gia Lâm cho biết, bản chất trái phiếu DN không sai nhưng trong bối cảnh thị trường khát vốn, ngân hàng hạn chế cho vay, chủ đầu tư tìm đủ mọi cách huy động vốn. Đây là một kênh huy động tốt nhưng thị trường thì trắng đen lẫn lộn vì không ai quản lý.
“Các DN bất động sản có rất nhiều bài học từ những dự án chủ đầu tư huy động vốn. Có những DN phát hành trái phiếu huy động vốn xong rồi đem tiền đi đâu và làm gì thì không ai biết. Khi DN không thể trả lãi, bàn giao nhà cho nhà đầu tư, mọi việc mới vỡ lẽ. Từ câu chuyện của các DN vừa bị “sàng lọc” có thể coi đây cũng là tín hiệu tốt cho thị trường và nhà đầu tư phải trả bằng một bài học đắt giá”, vị này nói.
Giải pháp
Trao đổi với báo chí chuyên gia kinh tế, TS. Vũ Đình Ánh cho biết, thị trường trái phiếu đã xuất hiện những “bom nợ” trái phiếu với những DN phát hành trước đây. Nghị định 65 ra đời không hấp dẫn chủ đầu tư phát hành trong bối cảnh niềm tin của nhà đầu tư với thị trường giảm sút.
Theo ông Ánh, cơ quan quản lý giờ phải tìm lối thoát cho DN đã phát hành trái phiếu, đặc biệt là với những DN có trái phiếu sắp đến thời kỳ đáo hạn. “Phải đảm bảo khả năng trả nợ cho nhà đầu tư nếu không thị trường trái phiếu sẽ sụp đổ. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến nhà đầu tư mà nó còn tác động đến cả thị trường chứng khoán”, ông Ánh nói.
Ông Ánh cho biết, nhiều người nghĩ rằng, DN phát hành trái phiếu trên thị trường đều có vấn đề sau hàng loạt những vụ việc xảy ra. Vì vậy, nếu DN phát hành thêm trái phiếu sẽ không hấp dẫn nhà đầu tư. “DN sai phạm sẽ bị xử lý nhưng cần khéo léo tránh ảnh hưởng đến toàn bộ thị trường. Giờ cần tìm lối thoát cho DN, đặc biệt là DN đến thời kỳ đáo hạn từ nay đến cuối năm, thậm chí đến quý 1 năm sau khi số tiền đáo hạn khá lớn, lên đến hàng trăm nghìn tỷ đồng”, ông Ánh nói.
Theo ông Ánh, giải pháp trước mắt là gia hạn, tức là cho phép DN thay đổi kỳ hạn trái phiếu đã phát hành, chẳng hạn từ 3 năm lên 5 năm. Gia hạn để DN chống chịu, vượt qua được khó khăn để có thể trả nợ. Tất nhiên, việc này phải được sự thống nhất của các trái chủ và được tiến hành công khai, minh bạch qua thương thảo giữa nhà phát hành và trái chủ.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu (nguồn: Internet).
Theo chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu nhận xét việc các doanh nghiệp bất động sản ồ ạt phát hành trái phiếu, đưa ra lãi suất cao để thu hút người dân tham gia mà không cung cấp thông tin đầy đủ, không có sự giám sát, quản lý của cơ quan chức năng sẽ dễ dẫn đến tình trạng đảo nợ và tiềm ẩn nguy cơ “bong bóng” trên thị trường.
Tiến sỹ Đinh Thế Hiển phân tích việc Ngân hàng Nhà nước ban hành quy định về kiểm soát phát hành trái phiếu doanh nghiệp không phải chỉ nhắm vào doanh nghiệp bất động sản mà để đảm bảo an toàn hệ thống tín dụng. Bởi trên thực tế, tín dụng bất động sản thời gian qua có "biến tướng" trong phát hành trái phiếu doanh nghiệp, nở rộ nhất là vào năm 2020 và 2021. Tín dụng đang nghiêng về bất động sản nên nếu xảy ra rủi ro trong thị trường bất động sản thì hệ thống tài chính cũng theo dây chuyền bị "vạ lây".
Theo Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh chia sẻ, chuyện phát hành trái phiếu là phải có điều kiện theo đúng quy định của pháp luật. Hơn nữa, cần công khai minh bạch về tài chính cũng như là có các tài sản làm bảo chắc chắn. Thời gian qua đã có rất nhiều doanh nghiệp phát hành trái phiếu 3 không (không tài sản đảm bảo, không xếp hạng tín nhiệm, không bảo lãnh thanh toán). Doanh nghiệp phát hành ồ ạt không có đảm bảo, không công khai minh bạch trong hoạt động này.
Từ những bất cập trên, ông Thịnh chia sẻ ông rất lo trái phiếu doanh nghiệp có thể trở thành thị trường rủi ro rất lớn. Từ đó, gây nguy hại đến một phương thức huy động vốn rất quan trọng trong nền kinh tế quốc dân. Vì thế, việc siết chặt quản lý là điều cần thiết.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (nguồn: Internet).
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng đã đến lúc cần có sự quan tâm đúng mức đến thị trường để trái phiếu doanh nghiệp không chỉ phát triển nhanh mà còn bền vững, an toàn. Điều này cũng giúp hạn chế việc chúng ta phải “đuổi theo” xử lý hậu quả của các doanh nghiệp phát hành trái phiếu sai quy định.
Từ những bất cập trong công tác quản lý, phát hành trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua, để thị trường đi đúng hướng và trái phiếu là kênh huy động vốn hiệu quả của doanh nghiệp, tổ chức cũng như nhà đầu tư được bảo vệ, thời gian qua Bộ Tài chính đã tham mưu xây dựng và Quốc hội ban hành Luật Chứng khoán (sửa đổi), làm cơ sở để ban hành Nghị định số 153/2020/NĐ-CP, ngày 31/12/2020 (gọi tắt là Nghị định 153) nhằm tạo khung pháp lý phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), tạo thêm kênh huy động vốn trung, dài hạn cho nền kinh tế.
Để lành mạnh hóa thị trường trái phiếu doanh nghiệp, mới đây Bộ Tài chính đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 65/2022/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 16/9/2022 (gọi tắt là Nghị định 65) thay thế cho Nghị định 153 trước đó.
Nghị định 65 có hiệu lực là khung pháp lý quan trọng để dẫn dắt thị trường trái phiếu doanh nghiệp đi đúng hướng, thanh lọc nhà phát hành trái phiếu và bảo vệ nhà đầu tư, nhưng vẫn có cơ hội lựa chọn kênh đầu tư và tạo điều kiện cho sự phát triển của thị trường.