Việc rút tiền ồ ạt khiến ngân hàng không thể cùng một lúc chi trả, dẫn đến chậm trễ trong thanh khoản, lại càng khiến người gửi tiền hoang mang. Do không hiểu rõ về các quy định, chính sách tiền tệ và quản lý rủi ro nên việc rút tiền ồ ạt như những ngày vừa qua vừa khiến người gửi tiền bị thiệt hại (rút tiền trước thời hạn mất lãi) vừa có thể gây những bất ổn đến chính sách tiền tệ chung.
Để có góc nhìn đúng về ngân hàng, hoanhap.vn xin gửi tới bạn đọc những ý kiến phát biểu của ThS. Trần Trọng Triết, Thanh tra viên Ngân hàng xung quanh vấn đề này.
Theo Thanh tra viên Trần Trọng Triết: Ngân hàng là ngành hoạt động trong lĩnh vực tiền tệ, tín dụng - hoạt động kinh doanh đặc biệt, với những quy định nghiêm ngặt của pháp luật nhằm bảo đảm an toàn và hiệu quả trong hoạt động cũng như bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp, của người dân – khách hàng của ngân hàng.
Vì vậy, gửi tiền vào ngân hàng không chỉ là kênh đầu tư an toàn nhất, ít rủi ro nhất để hưởng lãi suất mà người gửi tiền còn được sử dụng dịch vụ tiện ích tối đa, cũng như được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp trong mọi trường hợp. Đây là sự bảo đảm không chỉ về mặt pháp lý mà còn là thương hiệu, là uy tín của ngành Ngân hàng Việt Nam, ngành thực hiện nhiệm vụ quan trọng của Đảng và Nhà nước giao cho về ổn định giá trị tiền đồng, ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhiệm vụ ngành Ngân hàng đã và đang làm tốt trong suốt hơn 35 năm đổi mới và phát triển của nền kinh tế đất nước.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Nguyễn Thị Hồng đã khẳng định, ở Việt Nam từ trước đến nay, những khoản tiền gửi của người dân tại ngân hàng đều được Nhà nước đảm bảo trong mọi trường hợp.
Ngân hàng Nhà nước, với vai trò là cơ quan quản lý hoạt động ngân hàng, khi xây dựng, hoạch định chính sách tiền tệ cũng như các chính sách quản lý ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước luôn đặt mục tiêu là kiên định với việc điều hành để góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tiền tệ và đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng.
Điều này cũng đã được chứng minh cụ thể, khi sau hơn 4 ngày biến động, hiện tại, các khách hàng có tiền gửi tại Ngân hàng SCB hoàn toàn có thể rút tiền hoặc giao dịch chuyển khoản. Lượng người đến rút tiền tại các quầy giao dịch của ngân hàng trên khắp cả nước cũng giảm nhiều.
Tại Việt Nam, khách hàng gửi tiền được pháp luật quy định với mức độ ưu tiên đảm bảo an toàn, bảo đảm khả năng chi trả hoàn toàn căn cứ vào những quy định của pháp luật. Đó là các luật, như: Luật Bảo hiểm tiền gửi, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Ngân hàng Nhà nước, Luật Phá sản và các luật khác. Đơn cử như Luật Các tổ chức tín dụng, Điều 146 quy định như sau: Khi ngân hàng đang thực hiện phương án cơ cấu lại mà có nguy cơ mất khả năng chi trả, đe dọa sự ổn định của hệ thống thì sẽ được Ngân hàng Nhà nước, Bảo hiểm tiền gửi (tổ chức của Nhà nước) và các ngân hàng thương mại khác cho vay đặc biệt để hỗ trợ thanh khoản. Khoản vay đặc biệt này được ưu tiên hoàn trả trước tất cả các khoản nợ khác, kể cả các khoản nợ có tài sản bảo đảm của các ngân hàng. Như vậy, các ngân hàng thương mại hoàn toàn yên tâm cho vay để hỗ trợ.
Quy định này giúp các ngân hàng đều có trách nhiệm chia sẻ, với sự bảo đảm của pháp luật, cùng giải quyết khó khăn chung. Đây là lợi thế tại Việt Nam, nên người dân có thể yên tâm, dựa trên các cơ sở từ quy định pháp lý cho đến cơ chế chính trị, người gửi tiền ngân hàng vẫn được bảo đảm.
Thậm chí, trong trường hợp ngân hàng thương mại không chi trả được hết cho người gửi tiền thì Bảo hiểm tiền gửi sẽ chi trả tiền bảo hiểm theo Luật Bảo hiểm tiền gửi. Luật này được ban hành, áp dụng và đang được vận hành để bảo đảm an toàn và giữ vững sự ổn định của cả hệ thống ngân hàng. Ngoài ra, cũng còn nhiều giải pháp khác để Ngân hàng Nhà nước quản lý, điều hành và giữ cho các ngân hàng thương mại hoạt động bình thường, đảm bảo an toàn cho người dân trong mọi tình huống.
https://hoanhap.vn/chi-tiet/goc-nhin-hieu-dung-ve-ngan-hang1666144408.html