Nhằm đẩy mạnh việc thực hiện các giải pháp ứng dụng công nghệ, triển khai các nhiệm vụ Kế hoạch Chuyển đổi số ngành ngân hàng, góp phần thực hiện hiệu quả chương trình chuyển đổi số quốc gia, qua đó góp phần lan tỏa tinh thần, chuyển đổi nhận thức của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài ngành ngân hàng, ngày 04/8/2022, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức sự kiện Ngày chuyển đổi số ngành ngân hàng. Sự kiện “Ngày chuyển đổi số” ngành ngân hàng được kết nối trực tuyến đến 63 chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới dự sự kiện Chuyển đổi số ngành ngân hàng - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Chia sẻ tại sự kiện này, Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng cho biết, thời gian qua, các dịch vụ ngân hàng trên nền tảng số phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là dịch vụ thanh toán điện tử có tốc độ số hóa, tăng trưởng nhanh.
Theo đó, trong 6 tháng đầu năm 2022, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 77,2% về số lượng và 29,8% về giá trị; qua Internet tăng tương ứng 63,2% và 32,3%; qua điện thoại di động tăng tương ứng 98,3 và 84,3%; qua QR code tăng 86% và 127% (so với cùng kỳ năm 2021).
Hiện đã có tới 68% người Việt Nam trưởng thành có tài khoản ngân hàng; 5,5 triệu tài khoản và khoảng 8,9 triệu thẻ ngân hàng được mở bằng phương thức điện tử (eKYC) (tính đến tháng 6/2022); 1,77 triệu tài khoản Mobile-money đã được mở, trong đó hơn 67% được mở tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa...
Đáng chú ý, Phó Thống đốc cũng cho biết, nhiều ngân hàng Việt Nam chuyển đổi số ở top đầu hiện đã đạt 90% giao dịch khách hàng thực hiện trên kênh số, vượt sớm và xa mục tiêu đặt ra tại Quyết định 810/QĐ-NHNN ngày 11/5/2021 của Thống đốc NHNN là 70% năm 2025.
Ngoài ra, nhiều tổ chức tín dụng có hiệu quả hoạt động tốt nhờ tích cực chuyển đổi số, giảm tỉ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) xuống ngưỡng 30%, tiệm cận tỉ lệ mà nhiều ngân hàng khu vực, quốc tế đang chuyển đổi số nỗ lực hướng tới.
Theo Phó Thống đốc, kết quả trên có được chủ yếu nhờ NHNN chủ động nghiên cứu và ban hành quy định kịp thời, phù hợp nhằm tạo điều kiện cho các hoạt động chuyển đổi số như hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, trung gian thanh toán, mở tài khoản và nhận biết khách hàng bằng phương thức điện tử eKYC, cung ứng dịch vụ ngân hàng điện tử, ban hành các tiêu chuẩn kỹ thuật (QR, thẻ chip...) tăng cường chuẩn hóa, tăng tính liên thông trong ngành Ngân hàng và giữa ngành ngân hàng với các ngành, lĩnh vực khác.
Bên cạnh đó, NHNN cũng tích cực phối hợp với các bộ, ngành khác chủ động rà soát thường xuyên khuôn khổ pháp lí nhằm tạo thuận lợi, thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển hoạt động ngân hàng số. Đồng thời, NHNN thường xuyên quan tâm đến việc nâng cấp, xây dựng hạ tầng phục vụ hoạt động chuyển đổi số.
Về phía các tổ chức tín dụng, với tiếp cận “chuyển đổi số để tăng tốc và phát triển bền vững”, nhiều ngân hàng xem chuyển đổi số và việc phát triển mô hình, hoạt động ngân hàng số là một mục tiêu trong chiến lược kinh doanh và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Hoạt động đầu tư cho chuyển đổi số được chú trọng.
Để triển khai thực hiện các Chương trình, Đề án của Chính phủ, Kế hoạch chuyển đổi số, Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng cho biết, ngành ngân hàng đã đặt ra các mục tiêu rất cụ thể đến năm 2025 như 50% các nghiệp vụ ngân hàng được số hóa; 70% giao dịch khách hàng thực hiện trên kênh số; 50% khoản vay nhỏ lẻ, vay tiêu dùng khách hàng cá nhân được số hóa, tự động..
Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái tham quan gian hàng Ngân hàng TMCP Kiên Long (KienlongBank), nghe giới thiệu những ẩn phẩm mới của doanh nghiệp - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Theo đó, thời gian tới, NHNN sẽ tập trung hoàn thiện khuôn khổ pháp lí tạo thuận lợi cho hoạt động chuyển đổi số ngân hàng; Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an và các bộ, ngành liên quan đẩy nhanh tiến độ triển khai Quyết định số 06/QĐ-TTg 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Đồng thời, tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng công nghệ và tăng cường đảm bảo an ninh, an toàn và hoạt động liên tục hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng, các hệ thống thông tin quan trọng của NHNN./.
https://hoanhap.vn/chi-tiet/hieu-qua-chuyen-doi-so-nganh-ngan-hang-nhanh-nhat1659951613.html