Ngân hàng Nhà nước ngày 18/11 đã đề nghị các ngân hàng thương mại cung ứng vốn, giảm lãi suất cho những doanh nghiệp bình ổn giá cuối năm. Thực tế, cuộc chạy đua lãi suất đầu vào được khởi động cả tháng nay đã khiến lãi vay tăng chóng mặt.
Lãi suất cho vay tăng
Sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tăng một loạt lãi suất điều hành, các ngân hàng (NH) đã đồng loạt tăng lãi suất huy động thêm 0,5 - 1,5%/năm. Lãi suất huy động tiết kiệm tiền đồng của NH lên mức cao nhất hiện nay là 9,75%/năm. Đối với những kỳ hạn huy động dưới 6 tháng, lãi suất đã lên đến 6%/năm, từ kỳ hạn 6 tháng trở lên, các NH đua tăng lãi suất khá nhanh mạnh từ 8 - 9,35%/năm. Mức lãi suất này trở về trước thời điểm cách đây mấy năm, khi dịch Covid-19 xảy ra. Vốn huy động tiết kiệm của các nhà băng đã không còn rẻ. Ngay cả không kỳ hạn, lãi suất từ mức 0,1 - 0,2%/năm tăng lên 1%/năm khiến các doanh nghiệp (DN) có thể vay được vốn lúc này cũng khốn khổ. Đặc biệt, những hợp đồng vay cũ đội giá đang trở thành gánh nặng trong bối cảnh khó khăn hiện nay.
Cần có nguồn vốn cho vay lãi suất thấp để bình ổn thị trường.
Bên cạnh điều chỉnh lãi suất huy động, một số NH cũng đã thay đổi lãi suất cơ sở thời gian gần đây từ 0,5 - 1%/năm nhằm tăng lãi vay. Eximbank tăng lãi suất cơ sở đối với hợp đồng có thời hạn vay tối đa 1 năm là 8,3%/năm, từ 1 - 5 năm từ 9,25 - 9,45%/năm và trên 5 năm từ 9,4 - 9,6%/năm; ACB tăng lãi suất cơ sở lên 8,5%... TPBank lãi suất cơ sở khách hàng cá nhân, trong đó, lãi suất cơ sở kỳ hạn 1 tháng là 9,1%/năm, kỳ hạn 3 tháng là 10,1%/năm, kỳ hạn 6 tháng là 10,2%/năm và kỳ hạn 12 tháng là 10,6%/năm. Đối với mức lãi suất cơ sở này cộng thêm cho biên độ từ 3,5 - 5%, lãi suất cho vay lên 10 - 15%/năm.
Với mức lãi suất 12 - 15%/năm, một số DN cho hay với lãi vay như thế này thì việc sản xuất kinh doanh sẽ rất khó. Lãi vay ở mức 12 - 15%/năm thì mức sinh lời của vốn vay phải đạt trên 30%, bởi ngoài trả chi phí lãi vay, DN còn phải tính toán các chi phí khác. Lãi vay cá nhân còn cao hơn, tới 16 - 17%. Trong khi đó, chi phí nguyên vật liệu thời điểm cuối năm gia tăng, cộng thêm chi phí vốn tăng lên sẽ gây áp lực nhiều đến giá cả hàng hóa.
Theo PGS.TS. Phạm Thế Anh, giảng viên Đại học Kinh tế quốc dân (Hà Nội), khi NH tăng lãi suất đầu vào, dẫn đến đầu ra cũng sẽ nâng lên ở một mức độ nhất định. Tăng lãi suất cũng sẽ ảnh hưởng đến đà phục hồi kinh tế bởi các hộ gia đình có thể sẽ tiết kiệm nhiều hơn, giảm bớt chi tiêu, ảnh hưởng đến tổng cung. Về phía DN, chi phí tiếp cận vốn cũng sẽ tăng lên, khả năng tiếp cận vốn của DN sẽ ngày càng khó khăn hơn. Việc này cũng sẽ có một số tác động nhất định đến việc phát triển kinh tế.
Đề nghị giảm lãi suất cho vay bình ổn giá
Trước tình hình trên, NHNN chi nhánh TP.HCM có văn bản gửi tổng giám đốc các tổ chức tín dụng trên địa bàn yêu cầu tiếp tục cho vay và xem xét giảm lãi suất đối với các DN tham gia bình ổn thị trường vào dịp cuối năm, đặc biệt là Tết Nguyên đán Quý Mão và năm 2023.
Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM, cho biết theo thông báo từ một số DN trên địa bàn, Vietcombank cách đây vài ngày đã giảm lãi suất cho vay 1% đối với DN thực hiện bình ổn giá tại TP.HCM vào thời điểm cuối năm.
Tính đến tháng 10.2022, doanh số cho vay lũy kế đối với 31 DN tham gia chương trình bình ổn là 1.077 tỉ đồng, dư nợ đạt 691.23 tỉ đồng. Tổng số gói đăng ký đầu năm của các NH là 5.390 tỉ đồng. Lãi suất cho vay của các món còn dư nợ thấp nhất khoảng 4%/năm và cao nhất là 7,8%/năm, mức lãi suất phổ biến khoảng 5,5 - 6,5%/năm. Lãi suất cho vay đối với chương trình bình ổn giá trên thị trường, NH hiện nay đang cho vay ngắn hạn 3 tháng và 6 tháng.
Ông Lệnh nhấn mạnh trong bối cảnh lãi suất điều hành tăng, các NH cần khai thác sử dụng vốn có hiệu quả để tạo điều kiện ổn định lãi suất cho vay và xem xét giảm lãi suất cho DN để giữ ổn định giá thành, giá bán, góp phần ổn định thị trường hàng tiêu dùng thiết yếu cuối năm. Các NH tạo điều kiện thuận lợi cho DN giao dịch dịp cuối năm, trong đó hỗ trợ DN lập kế hoạch kinh doanh, dự tính dòng tiền trong năm 2023 để tạo tiền đề phát triển bền vững. Trong bối cảnh lãi suất đang tăng, các NH cố gắng không tăng lãi suất đối với những DN bình ổn giá thị trường, trường hợp có điều kiện thì giảm thêm lãi suất cho những DN này.
Nhưng không chỉ DN bình ổn giá cần vốn rẻ hơn, cộng đồng DN nói chung đều khát vốn và cần vốn với giá hợp lý trong bối cảnh quá khó khăn hiện nay. Đáng nói là theo ông Lê Đạt Chí, Phó trưởng khoa Tài chính Trường Đại học Kinh tế TP.HCM, khi mặt bằng huy động tiết kiệm đã tăng lên thì khó có giải pháp có thể giảm lãi suất cho vay. Tuy nhiên, để hạn chế tốc độ tăng lãi vay quá nhanh, NHNN cần đẩy mạnh thanh tra giám sát việc thực hiện lãi suất trên thị trường.
Trong thời gian qua, các NH đẩy mạnh cho vay, nay quay ngược lại tăng cường chạy đua huy động vốn cho bằng được. Vấn đề là lãi suất huy động tăng lên, vốn từ NH này chạy qua NH khác, càng làm cho thị trường hỗn loạn, méo mó, đó là chưa kể chuyện “đi đêm” huy động lãi suất. Đối với những mặt hàng thiết yếu, cần có nguồn tín dụng với lãi suất ưu đãi thấp để giữ được mặt bằng giá cả ổn định, đặc biệt vào thời điểm cuối năm. Điều này cũng góp phần kiểm soát lạm phát.
https://hoanhap.vn/chi-tiet/giam-lai-vay-de-on-dinh-mat-bang-gia-ca1668878647.html