Các đại biểu dâng hương tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ "Đoàn tàu không số". (Ảnh: TTXVN)
Tri ân các thế hệ cán bộ, chiến sĩ 'Đoàn tàu không số'
Ngày 20/10, tại Bia di tích Đường Hồ Chí Minh trên biển - Bến Lộc An, xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu), Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân và đại diện lãnh đạo chính quyền địa phương, các cựu chiến binh Hội truyền thống Tàu không số đã tổ chức Lễ dâng hương nhân kỷ niệm 60 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển (23/10/1961 - 23/10/2021).
Tại Lễ dâng hương, Đại tá Phạm Minh Chiến, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Lữ đoàn 125 (thuộc Vùng 2 Hải quân), cùng các đại biểu thành kính ôn lại những chiến công vẻ vang của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ “Đoàn tàu không số”, quân và dân các địa phương ở những điểm tiếp nhận vũ khí của “Đoàn tàu không số” vận chuyển từ miền Bắc vào Nam Bộ, trong đó có bến Lộc An. Chiến công oanh liệt của cán bộ, chiến sĩ “Đoàn tàu không số” đã góp phần tô thắm, làm rạng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng, biểu tượng của ý chí và khát vọng “Không gì quý hơn độc lập tự do” của nhân dân Việt Nam.
Đường Hồ Chí Minh trên biển đã trở thành một trong 8 chiến công tiêu biểu của Hải quân Nhân dân Việt Nam anh hùng. Với những truyền thống vẻ vang của các thế hệ, Lữ đoàn 125 đã vinh dự được Đảng, Nhà nước hai lần tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, 6 Huân chương Quân công, 12 Huân chương Chiến công và 13 tập thể, 22 cá nhân được tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Vào các năm 1963, 1964 và 1965 bến Lộc An này đã tiếp nhận 3 chuyến của “Đoàn tàu không số” (đơn vị tiền thân của Lữ đoàn 125 ngày nay) với 109 tấn vũ khí để trang bị cho quân và dân các tỉnh miền Đông tổ chức các chiến dịch, góp phần làm nên những thắng lợi vang dội như: Bình Giã, Đồng Xoài, Dầu Tiếng, Bàu Bàng làm kẻ địch khiếp sợ và làm thất bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ.
Thiếu tá Nguyễn Văn Đức, nguyên Tham mưu phó Lữ đoàn 125, Chủ tịch Hội truyền thống Tàu không số tại TP Hồ Chí Minh cho biết, bến Lộc An là nơi xuất phát của một trong 5 chuyến thuyền vượt biển đầu tiên ra miền Bắc theo Chỉ thị của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương để chuyên chở vũ khí vào Nam nhằm trang bị cho bộ đội ta ở Đồng bằng sông Cửu Long và miền Đông Nam Bộ. Tại đây có 6 người cùng 1 chiếc thuyền câu mực đã vượt biển ra Bắc và đến năm 1963, chuyến tàu gỗ đầu tiên chở theo vũ khí tử miền Bắc vào đã cập bến.
Cũng trong dịp này, Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân đã trao tặng cho Ban Quản lý Khu di tích Bến Lộc An mô hình tàu không số mật hiệu C41 của "Đoàn tàu không số", đồng thời, cùng lãnh đạo huyện Xuyên Mộc tặng 5 phần quà cho các gia đình chính sách ở huyện Xuyên Mộc và huyện Đất Đỏ, mỗi phần quà trị giá 3 triệu đồng.
Miễn, giảm nhiều khoản thuế cho người dân, doanh nghiệp
Quốc hội quyết nghị miễn, giảm thuế cho người dân, doanh nghiệp chịu tác động của COVID-19
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ vừa ký ban hành nghị quyết về một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp (DN), người dân chịu tác động của dịch COVID-19.
Theo đó, Quốc hội quyết nghị giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2021 đối với trường hợp người nộp thuế theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp có doanh thu năm 2021 không quá 200 tỷ đồng và doanh thu năm 2021 giảm so với doanh thu năm 2019.
Không áp dụng tiêu chí doanh thu năm 2021 giảm so với doanh thu năm 2019 đối với trường hợp người nộp thuế mới thành lập, hợp nhất, sáp nhập, chia, tách trong kỳ tính thuế năm 2020, năm 2021.
Miễn thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng và các loại thuế khác phải nộp phát sinh từ hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tháng trong quý III và quý IV năm 2021 đối với hộ, cá nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh tại các địa bàn cấp huyện chịu tác động của dịch Covid - 19 trong năm 2021 do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định.
Không áp dụng việc miễn thuế đối với các khoản thu nhập, doanh thu từ cung cấp sản phẩm và dịch vụ phần mềm; sản phẩm và dịch vụ nội dung thông tin số về giải trí, trò chơi điện tử, phim số, ảnh số, nhạc số; quảng cáo số.
Giảm thuế giá trị gia tăng kể từ ngày 1/11/2021 đến hết ngày 31/12/2021 đối với các hàng hóa, dịch vụ: vận tải (vận tải đường sắt, vận tải đường thủy, vận tải hàng không, vận tải đường bộ khác); dịch vụ lưu trú; dịch vụ ăn uống; dịch vụ của các đại lý du lịch, kinh doanh tua du lịch và các dịch vụ hỗ trợ, liên quan đến quảng bá và tổ chức tua du lịch.
Giảm thuế giá trị gia tăng từ ngày 1/11/2021 đến hết ngày 31/12/2021 với sản phẩm và dịch vụ xuất bản; dịch vụ điện ảnh, sản xuất chương trình truyền hình, ghi âm và xuất bản âm nhạc; tác phẩm nghệ thuật và dịch vụ sáng tác, nghệ thuật, giải trí; dịch vụ của thư viện, lưu trữ, bảo tàng và các hoạt động văn hóa khác; dịch vụ thể thao, vui chơi và giải trí. Hàng hóa, dịch vụ trong nhóm này không bao gồm phần mềm xuất bản và các hàng hóa, dịch vụ sản xuất, kinh doanh theo hình thức trực tuyến.
Doanh nghiệp, tổ chức tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ quy định tại khoản này được giảm 30% mức thuế suất thuế giá trị gia tăng. Doanh nghiệp, tổ chức tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp tỷ lệ % trên doanh thu sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ quy định tại khoản này được giảm 30% mức tỷ lệ % để tính thuế giá trị gia tăng.
Miễn tiền chậm nộp phát sinh trong năm 2020 và năm 2021 của các khoản nợ tiền thuế, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với doanh nghiệp, tổ chức (bao gồm cả đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh) phát sinh lỗ trong năm 2020. Không áp dụng quy định tại khoản này đối với các trường hợp đã nộp tiền chậm nộp.
Theo nghị quyết, Chính phủ có trách nhiệm triển khai để người tiêu dùng được thụ hưởng lợi ích từ việc giảm thuế giá trị gia tăng quy định tại khoản 3 Điều 1 của nghị quyết này.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giao Chính phủ tiếp tục rà soát, thực hiện các giải pháp theo thẩm quyền để hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức giảm chi phí đầu vào; nghiên cứu phương án hỗ trợ thuế thu nhập doanh nghiệp dựa trên chi phí lao động, phương án sử dụng ngân sách cấp bù lãi suất tiền vay cho doanh nghiệp, tổ chức bị ảnh hưởng nặng bởi dịch COVID-19 để phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Gần 2.100 trẻ em mồ côi vì Covid-19
Bà Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội, trình bày báo cáo thẩm tra công tác phòng, chống Covid-19 sáng 20/10. (Ảnh: Hoàng Phong)
Báo cáo của Ủy ban Xã hội tại phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội, sáng 20/10, thông tin trong số 2.093 trẻ em mồ côi này, riêng TP HCM có hơn 1.500 em.
Đại dịch Covid-19 đã khiến 2.093 trẻ em mồ côi và sẽ gây ra những tác động lâu dài, theo Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh.
"Việc này có thể gây ra những tác động lâu dài như khó khăn về vật chất, khủng hoảng về tinh thần, gián đoạn học tập, nguy cơ cao bị bạo lực, xâm hại... ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện, đảm bảo an sinh của trẻ em", báo cáo nêu.
Chủ nhiệm Nguyễn Thúy Anh cho hay Chính phủ đã triển khai các biện pháp nhằm đảm bảo an sinh xã hội, tổ chức huy động sức mạnh đại đoàn kết và các nguồn lực xã hội trong nước, nước ngoài cho hoạt động phòng, chống dịch.
Tuy nhiên, tác động về mặt xã hội của đại dịch rất lớn và chưa được đánh giá đầy đủ; có tình trạng lao động tự do phản ánh chưa tiếp cận được chính sách hỗ trợ của Nhà nước; có lúc, có nơi đã xuất hiện tình trạng đói và thiếu đói trong số những người dân "mắc kẹt" tại các địa bàn phong tỏa, giãn cách....
Cũng theo Ủy ban Xã hội, Chính phủ đã kịp thời ban hành trên 100 văn bản chỉ đạo, điều hành để đáp ứng yêu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch. Nhưng thời gian qua, văn bản hướng dẫn, trả lời của các Bộ, ngành để giải quyết các vấn đề, vướng mắc, phát sinh ở địa phương đôi khi còn chậm, có văn bản chưa phù hợp với tình hình thực tiễn.
Báo cáo của Ủy ban nêu vẫn có tình trạng văn bản hướng dẫn tại một vài địa phương phải đính chính, thu hồi, sửa đổi, bổ sung nhiều lần; một số trường hợp làm phát sinh thủ tục hành chính mới, chưa phù hợp với quy định pháp luật. Cơ quan này đơn cử tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu liên tục ban hành các văn bản thay đổi, thu hồi các công văn, quyết định liên quan đến việc phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu mua sắm test kháng nguyên chỉ trong vòng một ngày; Hà Nội liên tục thay đổi cơ chế cấp giấy đi đường...
Bà Nguyễn Thúy Anh nói việc ứng phó với đợt dịch thứ 4 bộc lộ nhiều hạn chế, nhất là về hạn chế của hệ thống y tế, đặc biệt là y tế cơ sở, y tế dự phòng... Về bố trí nguồn lực, nhu cầu kinh phí cho phòng, chống dịch trong thời gian tới dự báo là lớn, song nguồn huy động từ xã hội giảm dần. Vì vậy, bà Thúy Anh nêu rõ ngân sách nhà nước vẫn sẽ vẫn là nguồn lực chính.
Ủy ban Xã hội đề nghị thời gian tới, Chính phủ khẩn trương ban hành chiến lược tổng thể về phòng chống Covid - 19, phục hồi kinh tế để thích ứng an toàn với mọi diễn biến dịch bệnh...
Ủy ban cũng đề cập đến việc nghiên cứu phương án cho học sinh, sinh viên trở lại trường học kịp thời, an toàn; tăng cường các hoạt động truyền thông, giáo dục, tư vấn cho cha, mẹ, gia đình, người chăm sóc trẻ em và trẻ em về chăm sóc sức khỏe, thể chất, tinh thần và bảo vệ trẻ em.
Phú Yên: Hỗ trợ người khuyết tật vượt qua đại dịch
Người khuyết tật mưu sinh bằng công việc bán vé số.
Toàn tỉnh có gần 27.000 người khuyết tật (NKT). Các hoạt động chăm sóc, trợ giúp, tạo điều kiện cho NKT hòa nhập và vươn lên trong cuộc sống luôn được tỉnh chú trọng đẩy mạnh. Đặc biệt, tỉnh đã ban hành đề án Trợ giúp NKT tỉnh giai đoạn 2021-2030 với mục tiêu chung là: cải thiện chất lượng cuộc sống của NKT; hỗ trợ NKT phát huy khả năng của mình để đáp ứng nhu cầu bản thân; tạo điều kiện để NKT tham gia bình đẳng vào các hoạt động của xã hội; xây dựng môi trường không rào cản bảo đảm quyền lợi hợp pháp của NKT.
Theo Ông Đinh Viết Hậu, Trưởng Phòng Bảo trợ xã hội (Sở LĐ-TB-XH), cho biết nhiều chính sách hỗ trợ NKT ổn định cuộc sống, xóa bỏ mặc cảm và tự ti, vươn lên hòa nhập cộng đồng, giảm bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội đã được tỉnh triển khai như: trợ giúp y tế, giáo dục, tư pháp; trợ giúp việc làm, tiếp cận và sử dụng các công trình xây dựng, tham gia giao thông, sử dụng công nghệ thông tin truyền thông, bảo trợ xã hội... Nhờ đó, đời sống của NKT trên địa bàn tỉnh tạm ổn định. Tuy nhiên, trước tình hình dịch bệnh COVID-19 kéo dài, đời sống người dân gặp rất nhiều khó khăn. Phần lớn NKT thuộc các gia đình nghèo, ở khu vực nông thôn, thiếu vốn, điều kiện đi lại khó khăn nên khó tìm được việc làm phù hợp, thu nhập bấp bênh, đa số phải sống nhờ vào sự cưu mang của gia đình và người thân.
Anh Nguyễn Ngọc Hậu, một NKT ở khu phố Định Thọ, thị trấn Phú Hòa, huyện Phú Hòa, chia sẻ: “Tôi năm nay gần 50 tuổi, bị khuyết tật đôi chân từ lúc nhỏ, nhưng chưa bao giờ “đầu hàng” số phận. Gần 20 năm nay, tôi vào TP Hồ Chí Minh mưu sinh bằng nghề bán vé số dạo trên chiếc xe lắc, mỗi ngày kiếm cũng được vài trăm ngàn đồng, dành dụm gởi về quê để vợ nuôi 2 đứa con ăn học. Hai năm nay, dịch bệnh COVID-19 kéo dài, tôi cũng cố gắng bám trụ ở miền Nam, nhưng dịch bệnh bùng phát mạnh quá đành phải quay về quê. Mấy tháng nay, cả gia đình tằn tiện sống qua ngày. Sau khi chính quyền “mở cửa” trở lại, hằng ngày tôi chạy xe 3 bánh xuống TP Tuy Hòa bán vé số kiếm được đồng nào hay đồng đó, chưa dám vào lại miền Nam. Nếu dịch bệnh còn kéo dài, gia đình tôi sẽ khó khăn chồng chất”.
Còn chị Trần Thị Thảo ở xã Hòa An, huyện Phú Hòa, mắc bệnh hiểm nghèo từ nhỏ, tuy không thể nói được nhưng chị vẫn nhanh nhẹn, làm việc gọn gàng. Năm 2020, chị được học nghề may tại cơ sở tư nhân gần nhà do Nhà nước hỗ trợ và vừa học vừa làm. Những tháng qua, ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, chị phải nghỉ ở nhà, giờ muốn quay lại may thì không có khách. Chị Thảo chia sẻ: Cuộc sống NKT đã khó khăn, giờ đây còn khó khăn gấp bội. Tôi đã học nghề để tự kiếm sống, không phải dựa dẫm vào người thân nhưng sao khó quá.
Để hỗ trợ NKT có cơ hội vươn lên trong cuộc sống, Sở LĐ-TB-XH đang từng bước nhân rộng mô hình hỗ trợ sinh kế đối với NKT tỉnh triển khai xây dựng các mô hình hỗ trợ NKT khởi nghiệp, đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm đối với NKT, hợp tác xã có NKT tham gia chuỗi giá trị sản phẩm. Đồng thời tăng cường thực hiện hoạt động trợ giúp pháp lý tại xã, phường, thị trấn nơi nhiều NKT khó khăn về tài chính có nhu cầu trợ giúp pháp lý; tại các cơ sở bảo trợ xã hội, trường học, cơ sở kinh doanh và các tổ chức khác của NKT. Vận động nguồn lực hỗ trợ nâng cấp một số cơ sở sản xuất, cung cấp các trang thiết bị, dụng cụ trợ giúp đối với NKT; hỗ trợ xe lăn, xe lắc, khung tập đi, gậy, máy trợ thính, chân giả, tay giả và các thiết bị cần thiết; hỗ trợ NKT trong hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch. Xây dựng và nhân rộng mô hình “cây gậy trắng” chỉ dẫn thông minh đối với người khiếm thị; mô hình sống độc lập và hòa nhập cộng đồng…
Dừng hoạt động của các chốt kiểm soát tại các cửa ngõ Hà Nội
Chiều 20/10, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh ký ban hành Công điện số 22/CĐ-UBND về việc triển khai các biện pháp tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” trên địa bàn thành phố.
Theo đó, UBND thành phố Hà Nội giao Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan, căn cứ tình hình thực tế tại địa phương để tổng hợp, tham mưu, báo cáo thành phố để tổ chức hoạt động vận tải của 5 lĩnh vực (đường bộ, đường thủy nội địa, hàng hải, đường sắt, hàng không) bảo đảm “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”.
Công an thành phố được giao chủ trì, phối hợp các lực lượng chức năng bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội và an ninh mạng, nhất là tại cơ sở và tại các địa bàn, khu vực cách ly y tế, tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm, đặc biệt là hành vi chống lại lực lượng chức năng tham gia phòng, chống dịch COVID-19.
Công an thành phố tiếp tục triển khai việc ứng dụng Cơ sở dữ liệu dân cư trong quản lý xã hội, phòng, chống dịch COVID-19 và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố. Đặc biệt, Công an thành phố được giao dừng hoạt động của các chốt kiểm soát tại các cửa ngõ ra, vào thành phố; chủ trì phối hợp Sở Y tế, các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương giám sát, kiểm soát y tế bảo đảm việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch tại các sân bay, nhà ga, bến xe và các tuyến giao thông cửa ngõ trên địa bàn thành phố theo quy định, đặc biệt đối với người và phương tiện trở về từ vùng dịch…
Bên cạnh đó, công điện cũng nhấn mạnh một số nội dung liên quan đến công tác phòng, chống dịch như: xây dựng kế hoạch tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em dưới 18 tuổi; dừng hoạt động của các chốt kiểm soát tại các cửa ngõ thành phố; tổ chức triển khai các hoạt động giáo dục tương ứng cấp độ dịch.
Bình Thuận mở cửa đón du khách đến nghỉ dưỡng
Du khách nghỉ dưỡng tại bãi biển Hàm Tiến, TP Phan Thiết, Bình Thuận trước dịch (Ảnh: tuoitre)
Tối 20-10, Sở Văn hóa - thể thao và du lịch tỉnh Bình Thuận đã ban hành hướng dẫn tạm thời cho các cơ sở lưu trú, tham quan, dịch vụ ăn uống… hoạt động trong trạng thái bình thường mới.
Theo đó, các cơ sở trên được phép hoạt động khi đảm bảo các yêu cầu mà địa phương ban hành và phụ thuộc từng vùng (cấp độ dịch). Tất cả du khách khi đến du lịch tại địa phương phải đáp ứng điều kiện tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh COVID-19.
Các cơ sở phải tổ chức xét nghiệm cho khách vào ngày thứ 1 và ngày thứ 7 kể từ khi đến lưu trú, đồng thời bố trí các hoạt động vui chơi, ăn uống, nghỉ dưỡng, hội thảo… đảm bảo công tác phòng chống dịch.
Ngoài ra, các cơ sở phải bố trí ít nhất 1 phòng cách ly và 1 phòng chờ theo quy định của ngành y tế và có trang bị một số đồ bảo hộ cá nhân dự phòng cho nhân viên để sử dụng trong trường hợp cần thiết.
Người quản lý và người lao động trực tiếp tiếp xúc khách du lịch đã được tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh COVID-19. Người lao động tại các bộ phận khác trong cơ sở phải được tiêm ít nhất 1 liều vắc xin. Người lao động chưa được tiêm vắc xin chỉ được làm việc trực tuyến.
Đối với những cơ sở nằm trong vùng xanh thì không hạn chế công suất phòng và một số dịch vụ đi kèm. Riêng những cơ sở ở vùng cấp độ vàng và cam phải hạn chế một số hoạt động và công suất. Còn vùng đỏ hạn chế phần lớn dịch vụ, chủ yếu làm dịch vụ cách ly tập trung.
Ngoài dịch vụ du lịch, địa phương đã cho tổ chức lại các hoạt động đám cưới, hiếu, hỷ… nếu các cơ sở kinh doanh đáp ứng đủ điều kiện.