Khẩu vị rủi ro và thông tin vỡ nợ trái phiếu!
Thông tin từ Công ty CP chứng khoán SSI công bố, lượng tín dụng “bơm” mới vào thị trường trong 9 tháng năm 2022 đạt hơn 1 triệu tỉ đồng, trong khi chỉ có 440.000 tỉ đồng được huy động thêm từ dân cư và các tổ chức kinh tế.
Biểu đồ trái phiếu doanh nghiệp quý 2/2022
Tính đến ngày 2/9/2022, tín dụng tăng 10,54% so với cuối năm 2021, huy động vốn tăng 4,04% (so với 4,24% năm 2021) và cung tiền M2 tăng 2,49% (so với 4,95% vào 2021). Điều này rõ ràng tạo áp lực đáng kể lên mặt bằng lãi suất huy động trong thời gian qua. Chênh lệch huy động - tín dụng vốn đã rơi vào trạng thái âm kể từ tháng 7 và chưa có nhiều sự cải thiện tại thời điểm hiện tại.
Hiện nay, tiền đang bị kẹt ở tài sản. Trong 9 tháng, tăng trưởng tín dụng hơn 10%, nhưng tốc độ tăng trưởng tín dụng đối với BĐS nhanh hơn, khoảng 12%. Cách đây 1 - 2 năm, dòng tiền của người dân còn “đổ” vào chứng khoán, TPDN khá mạnh. Trong đó các DN BĐS phát hành TP huy động vốn qua kênh trái phiếu đứng vị trí thứ 2 sau các ngân hàng (NH). Thị trường BĐS không thanh khoản cũng dẫn đến việc trả nợ chậm hơn. Thế nên, tiền nằm chủ yếu ở tài sản là BĐS.
Thị trường chứng khoán, BĐS, TPDN khoảng 1 - 2 năm trước đây sôi động. Nhà nhà, người người đi mua BĐS, chứng khoán, TP khi lãi suất tiền gửi NH sụt giảm sâu. Thế nhưng theo báo cáo của Hiệp hội Thị trường TP Việt Nam chỉ rõ so sánh với cùng kỳ năm ngoái, giá trị phát hành TP ra công chúng tính đến hết tháng 8/2022 giảm gần 20% và giá trị phát hành TP riêng lẻ tụt dốc đến 40%. Cụ thể, 8 tháng của năm 2022, có 18 đợt phát hành TPDN ra công chúng với giá trị 9.296 tỉ đồng, chiếm vỏn vẹn 4% tổng giá trị phát hành. Cùng với đó là 344 đợt phát hành riêng lẻ trị giá xấp xỉ 211.300 tỉ đồng, chiếm 96% tổng giá trị phát hành cùng 2 đợt phát hành ra quốc tế trị giá 625 triệu USD.
Thị trường bắt đầu rơi vào trầm lắng từ sau vụ việc hủy 9 đợt chào bán TP trái phép trị giá hơn 10.000 tỉ đồng của 3 công ty con thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh. Cùng với đó, nhiều “vết rạn” trên thị trường khiến cơ quan chức năng phải mạnh tay thanh tra, kiểm tra các tổ chức cung cấp dịch vụ, tổ chức phát hành TPDN riêng lẻ để kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm.
Số liệu từ Vụ Giám sát công ty đại chúng (UBCKNN) cho thấy, qua kiểm tra 9 DN phát hành thì phát hiện tới 8 công ty vi phạm quy định như không đảm bảo thông tin hồ sơ chào bán, thông tin không chính xác và công bố thông tin sai lệch, thông tin không đúng thời hạn… Hay 6/21 công ty chứng khoán có vi phạm liên quan đến việc cung cấp dịch vụ TPDN riêng lẻ. Một số công ty chứng khoán đã bị xử phạt là Chứng khoán Quốc tế, Thành công, Tiên phong.
Khái niệm “vỡ nợ TP”, “nợ xấu TP” mới xuất hiện gần đây, khung khổ pháp lý đối với những tình huống này chưa được quy định chi tiết. Bởi vậy, các chủ thể, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân chưa nhận thức hết mức độ rủi ro đối với đồng vốn mình bỏ ra...
Trước một số trường hợp TP đáo hạn nhưng DN chậm trả gốc, lãi khiến dư luận lo ngại về nguy cơ vỡ nợ TPDN trong thời gian gần đây là một vấn đề nhạy cảm vì TP là kênh huy động vốn mới của DN. Còn đối với hệ thống NH, vấn đề nợ xấu đã được đề cập vài chục năm nay nên thị trường đã có thời gian làm quen.
Đối với các NHTM, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ được công bố trên báo cáo tài chính thường khoảng 1,5% đến 2%. Vậy nên với TP, thị trường cũng phải chấp nhận thực tế nợ xấu kiểu như tín dụng NH… Do đó, các nhà đầu tư, cơ quan quản lý nên bình tĩnh trước thông tin về một số vụ việc chậm trả gốc, lãi khi đáo hạn TP. Cùng với đó, thị trường mong đợi cơ quan quản lý sớm đưa ra những quy định chi tiết về vỡ nợ TPDN. Khi nào nhà phát hành bị coi là vỡ nợ? Nhà phát hành có thể chậm thanh toán gốc/lãi TP trong bao lâu (chẳng hạn khi DN vay NH thì nợ quá hạn trên 90 ngày mới bị coi là nợ xấu)? Quy định về các thứ tự ưu tiên thanh toán cho các trái chủ khi DN phá sản?... Cùng với đó, là các tiêu chí phân hạng chất lượng tín dụng của TP, tương tự như hệ thống NH phân loại nợ xấu thành 5 nhóm. Những quy định này không chỉ bảo vệ nhà đầu tư mà cũng đảm bảo cho DN hoạt động ổn định. Trong nhiều tình huống, DN họ cũng chỉ mất thanh khoản tạm thời, không trả được lãi vài ngày mà đã lên báo chí rồi cả thị trường rút tiền thì gây ra xáo trộn mất an toàn tài chính.
Thông tin đầy đủ, minh bạch là một yếu tố rất quan trọng trong việc đầu tư. Khẩu vị rủi ro của mỗi nhà đầu tư là khác nhau nhưng họ đều cần thông tin tốt để dựa vào đó mà ra quyết định. Đặc biệt, thị trường và các chủ thể đều chờ đợi những quy định mới.
Nghị định 65: nâng chuẩn và “nắn” vốn
Một điểm mới tích cực trong Nghị định 65 là quy định về chuyên trang thông tin về TPDN tại Sở giao dịch chứng khoán. Đây là một trách nhiệm quan trọng của Sở giao dịch chứng khoán và cũng là một trong những cách bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư hiệu quả.
Khác với cổ phiếu, TP là một công cụ huy động vốn mà DN có thể phát hành nhiều loại, nhiều đợt khác nhau và khả năng trả nợ hay rủi ro bị vỡ nợ là điều mà nhà đầu tư TP quan tâm nhất. Khi nhà đầu tư có thể biết được hiện trạng về các chỉ số nợ, khả năng thanh toán nợ, chi tiết dư nợ vay TP thì họ mới kiểm soát được rủi ro của khoản đầu tư.
Bởi vì, TPDN là một khoản đầu tư trung, dài hạn và các chỉ số về tài chính hoàn toàn có thể thay đổi theo thời gian. Chẳng hạn ở thời điểm phát hành, các chỉ số đều đáp ứng được các yêu cầu của nhà đầu tư, nhưng sau đó một thời gian thì có những chỉ số sẽ thay đổi. Điều này cũng giống như việc các công ty niêm yết công bố báo cáo tài chính định kỳ để cập nhật thông tin cho nhà đầu tư.
Vì yếu tố thông tin bất cân xứng trên thị trường nên quyền lợi của nhà đầu tư được bảo vệ gắn liền với trách nhiệm của tổ chức tư vấn hồ sơ chào bán cũng như trách nhiệm của tổ chức đấu thầu, bảo lãnh, đại lý phát hành.
Hơn ai hết, tổ chức tư vấn chào bán là nơi nắm được được nhiều thông tin và phải rất hiểu DN phát hành. Do đó, nếu có vấn đề phát sinh sau này thì những đơn vị này phải có trách nhiệm liên đới. Áp lực trách nhiệm sẽ khiến cho các đơn vị tư vấn kỹ càng hơn trong việc lựa chọn hồ sơ tư vấn và đề xuất các giải pháp, tránh việc cố ý thông đồng với DN phát hành xâm phạm lợi ích của nhà đầu tư.
Trường hợp TP phát hành riêng lẻ dành cho các nhà đầu tư chuyên nghiệp, tức là những người đã phải thỏa mãn một số điều kiện nhất định như có kiến thức, am hiểu thị trường, vốn đầu tư tối thiểu, nhưng nhà đầu tư chuyên nghiệp cũng phải dựa trên các thông tin mà mình có được. Nếu thông tin bị giả tạo, không phản ánh đúng tình hình thực tế của DN thì chắc chắn lợi ích của nhà đầu tư sẽ bị xâm phạm.
Trách nhiệm của tổ chức đấu thầu, bảo lãnh, đại lý phát hành cũng rất quan trọng trong việc bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư. Thời gian qua, việc phân phối TPDN phát hành riêng lẻ chủ yếu qua các TCTD, các quỹ đầu tư hay công ty chứng khoán nhưng lại thiếu sự giám sát chặt chẽ, răn đe kịp thời của cơ quan quản lý nhà nước.
Theo quy định mới trong Nghị định 65, các bên trung gian phải cung cấp đầy đủ, chính xác các thông tin cho nhà đầu tư theo phương án phát hành TP đã được phê duyệt, đảm bảo không để nhà đầu tư nhầm lẫn giữa việc mua TPDN và gửi tiền TCTD, không gây hiểu lầm về TP cho nhà đầu tư như trường hợp mua TP thông qua hình thức hợp đồng góp vốn đầu tư.
Riêng với việc bảo lãnh phát hành thì phải cung cấp đầy đủ thông tin cho nhà đầu tư về phạm vi bảo lãnh phát hành, đảm bảo không có nội dung phải khiến cho nhà đầu tư nhầm lẫn giữa bảo lãnh phát hành và bảo lãnh thanh toán TP.
Biểu đồ tỷ trọng trái phiếu
Thị trường TPDN của Việt Nam so với nhiều nền kinh tế khác vẫn còn ở mức khá khiêm tốn. Nếu so theo quy mô của GDP thì đến cuối quý II/2022, TPDN ở Việt Nam chỉ chiếm 7,8% của GDP, trong khi tỷ lệ này ở Thái Lan, Trung Quốc, Malaysia, Hàn Quốc và các nước đang phát triển ở Đông Á lần lượt là 25,4%, 36,8%, 55,1%, 86,6% và 37,4%.
Như vậy, tiềm năng để TPDN trở thành một kênh huy động vốn quan trọng của nền kinh tế ở Việt Nam là khá lớn. Với những điểm mới của Nghị định 65 thì có nhiều hy vọng cho sự khởi sắc trở lại của thị trường TPDN. Tuy nhiên, cũng như các lĩnh vực khác, các quy định sẽ chỉ có hiệu quả khi nó có tính thực thi cao, nghĩa là các bên như DN phát hành, tổ chức đấu thầu, bảo lãnh, đại lý phát hành phải thực hiện nghiêm trách nhiệm của mình. Muốn vậy, không có cách nào khác là phải có những hình thức xử lý vi phạm có tính răn đe cao. Vì nếu lợi ích có được vẫn lớn hơn cái giá của sự vi phạm thì khó mà ngăn cản họ được./.
https://hoanhap.vn/chi-tiet/mo-loi-cho-thi-truong-vo-khai-thong-an-toan1665652824.html