Vừa qua, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chủ trì Hội nghị trực tuyến phổ biến, giải đáp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ.
Tham dự Hội nghị trực tuyến có Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú; Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Hà Thị Mỹ Dung cùng đại diện Lãnh đạo: Văn phòng Chính phủ, Bộ KH và ĐT, Bộ Xây dựng, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Thanh tra Chính phủ; Đại diện Lãnh đạo các đơn vị thuộc NHNN; Đại diện Lãnh đạo NHNN Chi nhánh các tỉnh/thành phố; Chủ tịch Hội đồng quản trị/Tổng Giám đốc các NHTM; Hiệp hội Ngân hàng…
Khó khăn trong triển khai hỗ trợ lãi suất 2% đang được ngành ngân hàng và bộ ngành chung tay tháo gỡ. Ảnh: MĐ
Do độ trễ của chính sách nên bước đầu kết quả triển khai chưa được nhiều. Tại hội nghị, một số NHTM cũng đã nêu bật những khó khăn trong quá trình triển khai.
Ông Nguyễn Trần Mạnh Trung, Phó Tổng Giám đốc Vietinbank cho biết, nhiều doanh nghiệp vay vốn ngân hàng kinh doanh đa ngành nghề, việc bóc tách lĩnh vực được hỗ trợ lãi suất cũng như chứng từ chứng minh đồng vốn vay được sử dụng cho lĩnh vực được hỗ trợ lãi suất là rất khó.
Trong khi đó, ông Đào Nguyên Vũ, Phó Tổng Giám đốc Sacombank đề nghị mở rộng đối tượng khách hàng. Bởi, ngoài 9 ngành nghề, phần lớn khách hàng hoạt động đa ngành. Nên có tỷ lệ quy định trong các hoạt động đa ngành thì 9 ngành được hỗ trợ chiếm tỉ trọng bao nhiêu để các NHTM yên tâm xem xét hỗ trợ lãi suất. Những ngành sản xuất trong đó có hoạt động thương mại thì nên có quy định để các ngân hàng yên tâm. Bởi, ngoài sản xuất, trong những ngành ưu tiên còn thương mại, bán buôn, bán lẻ.
Đối với hộ kinh doanh, đây là lĩnh vực cần hỗ trợ lãi suất nhiều nhất. Phần lớn các hộ cá thể kinh doanh không có đăng kí kinh doanh; những hộ sản xuất nông nghiệp, hộ kinh doanh ở các ngành, lĩnh vực nông thôn nên mở rộng điều kiện, đối tượng này xem xét, xác nhận tại địa phương để các ngân hàng mạnh dạn xem xét hỗ trợ lãi suất.
Tổng Giám đốc TPBank Nguyễn Hưng cho biết, đối tượng khách hàng được hỗ trợ giới hạn ở một số ngành, có đăng kí kinh doanh. Bên cạnh đó, theo tinh thần của Luật Dân sự, ngành Ngân hàng có Thông tư số 39 quy định có pháp nhân và cá nhân vay vốn chứ không có hộ kinh doanh. Nên bây giờ, trong Nghị định số 31 quy định về hộ kinh doanh thì ngân hàng sẽ rất khó, tự phân loại cá nhân và hộ kinh doanh. Vậy, nên cần tháo gỡ về đối tượng và đề nghị Bộ KH và ĐT có phân loại lại các đối tượng này.
Chia sẻ về những khó khăn tại hội nghị, ông Phạm Toàn Vượng, Phó Tổng Giám đốc Agribank cho biết, trong quá trình triển khai, theo phản ánh của khách hàng và các chi nhánh Agribank trên cả nước, nổi lên một số khó khăn vướng mắc. Đa số khách hàng của Agribank hoạt động trên địa bàn nông nghiệp, nông thôn là khách hàng cá nhân, chiếm 96%/tổng số lượng khách hàng. Để tạo điều kiện, đơn giản hóa thủ tục đối với khách hàng cá nhân vay vốn để thanh toán các chi phí hoạt động kinh doanh, Agribank có cơ chế cho vay theo hạn mức quy mô nhỏ tối đa không quá 300 triệu đồng/khách hàng, thời hạn duy trì hạn mức tối đa 3 năm kể từ ngày kí kết. Do đó, nhiều hợp đồng tín dụng đã kí kết với khách hàng trước thời điểm này 1/1/2022 không đủ điều kiện để được hỗ trợ.
Mặt khác, đối tượng khách hàng hộ kinh doanh không có Giấy chứng nhận đăng kí kinh doanh và khách hàng cá nhân vay vốn dưới 300 triệu đồng có ngành nghề được hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31 tại Agribank chiếm khoảng 40-50%/Dư nợ khách hàng cá nhân không được hỗ trợ theo quy định. Vì vậy, số lượng khách hàng thực tế đáp ứng đủ điều kiện được hỗ trợ lãi suất còn hạn chế.
Cũng theo Phó Tổng giám đốc Agribank, ngân hàng cũng gặp phải vướng mắc liên quan đến hồ sơ, chứng từ chứng minh mục đích sử dụng vốn vay. Điều này phần nào gây khó khăn, e ngại cho ngân hàng và khách hàng khi chứng minh mục đích sử dụng vốn với cơ quan thanh tra, kiểm toán. Một số hoạt động sản xuất, kinh doanh của khách hàng trong thực tế vừa có sự tương đồng nhưng cũng có sự khác biệt với các ngành nghề/lĩnh vực được quy định và không thể tách bạch chi tiết theo Phụ lục I Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg ngày 06/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ, các văn bản pháp luật hiện hành cần có hướng dẫn cụ thể hơn.
Chương trình hỗ trợ lãi suất được lấy kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước nên chi nhánh, khách hàng cũng thận trọng trong quá trình thực hiện. Nhiều khách hàng đang trong giai đoạn hoàn thiện đầy đủ hồ sơ, tài liệu để hỗ trợ lãi suất.
Còn theo ông Nguyễn Trần Mạnh Trung, Phó Tổng giám đốc VietinBank, việc đánh giá mức độ đáp ứng thực hiện hỗ trợ lãi suất được thực hiện tạo điều kiện cho việc giải ngân nhưng do yếu tố khách quan hay chủ quan, khách hàng phát sinh nợ xấu đến thời điểm cơ quan thanh tra, kiểm tra đánh giá khách hàng, làm khoản vay không đáp ứng thực hiện chương trình và thu hồi hỗ trợ lãi suất. Đây cũng là quan ngại của khách hàng.
Trên thực tế, có những khách hàng được VietinBank đánh giá có khả năng phát triển sau thời gian hỗ trợ lãi suất, hoạt động kinh doanh tăng trưởng, doanh thu có lãi, đóng góp thêm vào ngân sách… Nhưng khi được mời tham gia chương trình hỗ trợ lãi suất thì các khách hàng này e ngại việc kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, tốn nhiều thời gian (có thể kéo dài nhiều tháng).
Tại Hội nghị, NHNN cùng với các Bộ, ngành tiếp tục giải đáp các vướng mắc về đối tượng, điều kiện thụ hưởng đã được quy định tại Nghị quyết số 43, Nghị quyết số 11 và cụ thể tại Nghị định số 31 nhằm tạo sự thống nhất và tạo điều kiện cho NHTM và doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh được thụ hưởng chính sách.
Đại diện Bộ KH và ĐT cho rằng, nếu cần mở rộng đối tượng thụ hưởng chính sách cần phải đánh giá kỹ lưỡng tác động của chính sách khi mở rộng đối tượng, cân đối nguồn lực của Nhà nước trong khi nguồn lực còn có hạn, quan trọng nhất là phải có số liệu thực tế phản ánh tính chính xác, phân tích đầy đủ, trên cơ sở đó, sẽ phối hợp với NHNN kiến nghị lên cấp có thẩm quyền. Tiếp đến là câu chuyện về đánh giá một số tiêu chí mang tính định tính, ví như “có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi”. Bộ KH và ĐT sẽ phối hợp với NHNN xem xét có những hướng dẫn cụ thể đối với vấn đề này.
Nhấn mạnh chương trình hỗ trợ lãi suất là một trong hai giải pháp lớn trong gói hỗ trợ phục hồi kinh tế, điều này thể hiện tầm quan trọng của chương trình này trong quá trình phục hồi kinh tế, đại diện Thanh tra Chính phủ cho rằng, Thống đốc NHNN đã rất quan tâm và chỉ đạo triển khai tháo gỡ các khó khăn, đặc biệt lãnh đạo rất quan tâm đến công tác thanh tra, mặc dù Thanh tra Chính phủ không thuộc một trong các cơ quan thực hiện Chương trình này. Qua các ý kiến tại Hội nghị, chủ yếu là các vướng mắc trong quá trình thực hiện chính sách, chủ yếu liên quan đến quy định mang tính định tính, đại diện Thanh tra Chính phủ đề nghị NHNN và các bộ, ngành liên quan, khi triển khai chính sách có những cụm từ chưa rõ nghĩa hay chưa thống nhất thì cần làm rõ để tạo thuận lợi cho quá trình thanh tra, kiểm tra sau này.
Bà Hà Thị Mỹ Dung, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước chia sẻ: “Cuối năm, chúng tôi sẽ có báo cáo về Nghị quyết số 43. Chúng tôi sẵn sàng tổng hợp đầy đủ ý kiến của NHNN và sẽ báo cáo các cơ quan có thẩm quyền về các khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân để từ đó cùng NHNN đề xuất các giải pháp đối với các cấp có thẩm quyền”.