Chiều 4/6, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, theo quy định của luật, Bộ GD&ĐT tham mưu Chính phủ ban hành quy định về khung học phí. Trước đây chúng ta có Nghị định 86, hiệu lực đến hết năm học 2020-2021.
Theo ông Sơn, khung học phí đối với giáo dục phổ thông năm học 2022 - 2023 đã đưa cụ thể trong Nghị định 81.
Từ các năm sau trở đi, HĐND các địa phương căn cứ tình hình cụ thể về điều kiện kinh tế xã hội, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng, đặc điểm của địa phương, khả năng đóng góp thực tế của người dân…để quyết định khung học phí hoặc mức học áp dụng tại địa phương cho mầm non và giáo dục phổ thông; mức này quy định không quá 7,5%/năm.
Ảnh Internet
Theo lộ trình học phí, dự kiến đến năm 2025 mới tính đủ chi phí cho bậc đại học, còn với giáo dục mầm non và phổ thông đến năm 2030 tính đủ chi phí. Nghị định quy định khung học phí, mức trần, sàn, các địa phương quy định mức học phí theo khung học phí.
Bộ đã có công văn ngày 23/5 gửi các bộ, ngành, địa phương đề nghị chỉ đạo các cơ sở giáo dục trực thuộc xác định mức học phí cũng như lộ trình tăng học phí phù hợp với tình hình cụ thể tại địa phương, chia sẻ khó khăn với người dân, khả năng đóng góp của người dân. Bộ cũng tăng cường thanh tra kiểm tra khoản thu học phí của các cơ sở giáo dục để đảm bảo tuyệt đối không xảy ra lạm thu đầu năm học.
Trong cuộc họp Chính phủ sáng 4/6, Bộ cũng được giao tiếp tục nghiên cứu để xây dựng lộ trình điều chỉnh tăng học phí, đặc biệt nghiên cứu toàn diện tác động của việc tăng học phí tới các đối tượng khác nhau, nhất là đối với học sinh sinh viên, gia đình khó khăn. Trên cơ sở đó đề xuất Chính phủ có những biện pháp hỗ trợ cần thiết.