Thứ nhất, khi người bị nhiễm Covid-19 (là F0) nghỉ việc để điều trị mà vẫn còn phép năm, thời gian nghỉ việc này có thể được trừ vào ngày nghỉ phép năm do người sử dụng lao động chi trả. Do đó, người lao động vẫn được hưởng nguyên lương từ người sử dụng lao động.
Người lao động mắc Covid-19 được hưởng 4 chế độ theo quy định hiện hành.
Thứ hai, căn cứ vào Điều 25 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, người lao động bị mắc Covid-19 có xác nhận của cơ sở y tế sẽ được hưởng chế độ ốm đau. Trong thời gian nghỉ, người lao động sẽ được hưởng 75% mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc (khoản 1 Điều 28 Luật Bảo hiểm xã hội 2014).
Thứ ba, người lao động là F0 thuộc thành viên công đoàn sẽ được hỗ trợ tối đa 3 triệu đồng theo Quyết định 3749/QĐ-TLĐ ban hành ngày 15/12/2021 về việc chi hỗ trợ cho đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Thứ tư, khoản tiền dưỡng sức sau khi điều trị Covid-19. Sau khi điều trị Covid-19, trong vòng 30 ngày trở lại làm việc mà sức khỏe của người lao động vẫn chưa hồi phục, họ được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe 5 ngày theo quy định tại Điều 29 của Luật Bảo hiểm xã hội 2014.
Vaccine Pfizer chỉ hiệu quả 12-45% với trẻ 5-11 tuổi
Nora Gossett, 7 tuổi, được tiêm vaccine Pfizer-BioNTech tại Trung tâm Y tế Trẻ em Cohen, New York sau khi vaccine này được phê duyệt cho trẻ từ 5-11 tuổi - Ảnh: Gett Images
Các tác giả nghiên cứu cho biết, hiệu quả của vaccine Pfizer/BioNTech với trẻ 5-11 tuổi giảm đáng kể có thể do liều lượng tiêm thấp hơn so với nhóm thanh thiếu niên...
Theo một nghiên cứu mới công bố của Sở Y tế bang New York (Mỹ), tiêm hai mũi vaccine do hãng dược Pfizer và BioNTech đồng phát triển mang lại hiệu quả thấp đối với trẻ em từ 5-11 tuổi.
Cụ thể, nghiên cứu phát hiện rằng hiệu quả chống lây nhiễm Covid-19 đối với nhóm tuổi này của vaccine Pfizer/BioNTech đã giảm từ 68% xuống chỉ còn 12% trong giai đoạn bùng dịch do biến thể Omicron từ ngày 13/12/2021 đến 24/1/2022. Hiệu quả của vaccine trong việc ngăn chặn tình trạng bệnh nặng phải nhập viện cũng giảm từ 100% xuống còn 45% trong giai đoạn này.
Các nhà nghiên cứu cũng so sánh hiệu quả của vaccine với các trẻ 11 và 12 tuổi trong tuần từ 23-30/1/2022. Họ phát hiện rằng hiệu quả của vaccine với nhóm được tiêm liều lượng thấp hơn chỉ là 11%, trong khi tỷ lệ này ở nhóm tiêm liều lượng cao hơn là 67%.
Khoảng 200 người Việt tại Ukraine được hỗ trợ sơ tán khỏi vùng chiến sự
Người tị nạn Ukraine, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, đến Romania hôm 26-2. Ảnh: REUTERS
Ngày 1/3, trả lời câu hỏi của phóng viên về tình hình người Việt Nam tại Ukraine và công tác bảo hộ công dân, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nêu rõ thời gian vừa qua, Việt Nam rất quan tâm, theo dõi sát sao những diễn biến xung quanh tình hình tại Ukraine và tình hình người Việt Nam tại địa bàn. Hiện có khoảng 7.000 người Việt Nam sinh sống, làm việc và học tập tại Ukraine và chưa có thiệt hại.
Cho đến trưa 1/3, đã có khoảng 200 người Việt được Đại sứ quán và các hội đoàn tại Ukraine hướng dẫn và hỗ trợ sơ tán ra khỏi vùng chiến sự.
Hiện nay Đại sứ quán tiếp tục tập hợp nhu cầu của bà con để có thể triển khai phương án phù hợp.
Trước đó, ngay khi xuất hiện những diễn biến căng thẳng, Bộ Ngoại giao đã chủ động khẩn trương triển khai công tác bảo hộ công dân để dành ưu tiên bảo vệ an toàn cao nhất về tính mạng, tài sản, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân và pháp nhân Việt Nam ở Ukraine.
7 triệu liều vắc xin Covid-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi sắp về Việt Nam
Vắc xin Covid-19 do Pfizer sản xuất được dùng trong đợt tiêm trẻ em từ 12 đến 17 tuổi.
Chiều 1/3, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, dự kiến trong tuần sau, Bộ Y tế sẽ hoàn thành việc ký hợp đồng với hãng Pfizer mua 21,9 triệu liều vắc xin Covid-19 cho trẻ em từ 5-11 tuổi.
"Hiện nay chúng ta cơ bản đã thống nhất hết, chỉ còn là thủ tục. Dự kiến có 7 triệu liều được giao trước trong đợt 1", thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho hay.
Cụ thể, trong quý 1/2022, 7 triệu liều vắc xin Pfizer cho trẻ từ 5-11 tuổi sẽ về Việt Nam. Số còn lại (14,9 triệu liều) được giao trong quý 2. Bộ Y tế sẽ sớm triển khai tiêm chủng vắc xin Covid-19 cho nhóm trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi ngay khi có vắc xin phù hợp.
Giá xăng 6 lần tăng liên tiếp, chạm mốc 26.900 đồng/lít
Giá xăng dầu tiếp tục tăng mạnh trong kỳ điều chỉnh ngày 1.3. Ảnh: Phạm Dung
Ngày 1/3, liên Bộ Công Thương – Tài chính điều chỉnh tăng giá bán lẻ xăng dầu. Theo đó, từ 15h hôm nay, xăng E5 RON 92 có giá bán lẻ là 26.077 đồng/lít (tăng 545 đồng/lít); xăng RON 95 có giá 26.834 đồng/lít (tăng 547 đồng/lít), cao nhất từ trước đến nay.
Các loại dầu cũng tăng giá, trong đó giá dầu diesel tăng 509 đồng/lít lên 21.310 đồng/lít, dầu hỏa tăng 469 đồng/lít lên 19.978 đồng/lít, còn dầu mazut tăng 536 đồng/kg lên 18.468 đồng/kg.
Theo Bộ Công Thương, để có mức giá trên cơ quan điều hành chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đối với xăng E5RON92 ở mức 250 đồng/lít, xăng RON95 ở mức 220 đồng/lít, dầu diesel ở mức 300 đồng/lít, dầu hỏa và dầu mazut không chi. Đây là lần thứ 6 liên tiếp, giá xăng dầu tăng ở mức cao kỷ lục.
Cả nước ghi nhận gần 100 nghìn ca mắc Covid-19 trong ngày
Như vậy, từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 3.557.629 ca nhiễm, đứng thứ 30/225 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Theo Bộ Y tế, ngày 1/3, cả nước có thêm 98.762 ca mắc Covid-19, tăng 4.367 ca so với hôm qua. Hà Nội có số mắc cao nhất, Hà Giang bổ sung hơn 15.000 ca nhiễm.
Bộ Y tế cho biết, trong 24 giờ qua, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 98.762 ca mắc Covid-19 mới tại 63 tỉnh thành, tăng 4.367 ca so với hôm qua. Trong đó, có 19 ca nhập cảnh và 98.743 ca ghi nhận trong nước, có 66.861 ca trong cộng đồng.
Riêng đợt dịch thứ 4 từ ngày 27/4/2021 đến nay, cả nước có 3.550.249 ca mắc. Trong đó, các địa phương có số tích lũy cao gồm TP.HCM (536.115), Bình Dương (298.294), Hà Nội (285.273), Đồng Nai (101.399), Tây Ninh (90.932).
Về tình hình điều trị, trong ngày có 40.932 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh. Tổng số ca được điều trị khỏi là 2.479.883. Cả nước hiện đang điều trị cho 3.851 bệnh nhân nặng. Trong đó, 281 ca thở máy xâm lấn, 9 ca chạy ECMO.