Dịch Covid-19 khiến nhiều người lao động thất nghiệp, mất việc dẫn đến số người nhận hưởng BHXH tăng,. BHXH Việt Nam thống kê, đến hết tháng 11/2021, cả nước có hơn 791.300 người hưởng BHXH một lần, tăng gấp 1,5 lần so với 6 tháng đầu năm nay và tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước.
Riêng tại TP.HCM, trong thời gian giãn cách xã hội vào tháng 7, 8, 9, BHXH TPHCM giải quyết hơn 14.000 hồ sơ rút bảo hiểm một lần, bình quân mỗi tháng 4.700 hồ sơ. Tháng 10, có hơn 9.000 hồ sơ được giải quyết, tháng 11, có hơn 12.000 hồ sơ, tăng hơn 4.000 hồ sơ so với cùng kỳ.
Chia sẻ trên báo Dân trí ngày 9/12, Giám đốc BHXH TPHCM Phan Văn Mến cho biết, đơn vị đã có đề xuất gửi Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố về góp ý điều chỉnh Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội và Nghị quyết 93 về chính sách hưởng bảo hiểm xã hội một lần.
Theo đó, BHXH thành phố kiến nghị kéo dài thời gian quy định để người lao động được hưởng bảo hiểm xã hội một lần lên 2 - 3 năm (tùy trường hợp). Cụ thể, người lao động muốn rút bảo hiểm xã hội một lần, phải có thời gian nghỉ việc, không tham gia bảo hiểm xã hội 2 - 3 năm. Mục đích của quy định này giúp người lao động có động lực tìm việc mới hoặc có phương án tài chính thay thế để không quá trông chờ vào tiền bảo hiểm.
Theo Phó Giám đốc BHXH TPHCM Trần Dũng Hà, mục tiêu của BHXH là khi người lao động hết tuổi lao động thì sẽ được hưởng lương hưu, có nguồn thu nhập ổn định khi về già, không phải để giải quyết chính sách rút bảo hiểm xã hội một lần. Do đó, chọn hưởng BHXH một lần sẽ có rất nhiều thiệt thòi so với người hưởng lương hưu. Người hưởng lương hưu sẽ được nhà nước điều chỉnh về tiền lương hưu, cấp thẻ bảo hiểm y tế. Hết độ tuổi lao động, khi về già, có thẻ bảo hiểm sẽ tiết kiệm được chi phí khi khám, chữa bệnh.
Về vấn đề này, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam Ngọ Duy Hiểu đang kêu gọi người lao động nên cân nhắc kỹ việc hưởng BHXH một lần vì an sinh lâu dài và có lương hưu khi về già, đặc biệt khi dịch bệnh, khủng hoảng xã hội có thể diễn ra bất kể khi nào. Tổng Liên đoàn Lao động vừa có công văn gửi công đoàn các cấp về thực hiện một số giải pháp cấp bách nhằm giảm tỉ lệ người lao động hưởng BHXH một lần. Công đoàn các cấp được yêu cầu tập trung tuyên truyền để người lao động hiểu và tham gia BHXH, giảm rút BHXH một lần; chăm lo đời sống đoàn viên, vượt qua khó khăn, duy trì việc làm bền vững...
TS Nguyễn Ngọc Quỳnh - chuyên gia an sinh xã hội của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam cho rằng, để người lao động ở lại với lưới an sinh, chính sách BHXH phải có những điều chỉnh về thụ hưởng hay liên kết với các chương trình phúc lợi khác của Chính phủ.
Bộ LĐ-TB&XH cho biết cũng đang chủ trì soạn thảo luật sửa đổi Luật BHXH năm 2014, với một số đề xuất mới. Hướng sửa luật sẽ tăng quyền lợi người tham gia BHXH, như giảm thời gian đóng để hưởng lương hưu từ 20 năm hiện hành xuống 15 năm, tiến tới còn 10 năm. Ngoài ra, có thể điều chỉnh quy định về hưởng BHXH một lần. Tuy nhiên, việc quy định hưởng BHXH một lần ra sao không dễ, thực tế luật hiện hành có điều 60 quy định hạn chế hưởng BHXH một lần, nhưng đang phải dừng áp dụng vì bị NLĐ phản ứng.