Theo đó, báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) cho thấy Trung ương và các địa phương đã dành tổng kinh phí 71.482 tỷ đồng thực hiện các chính sách hỗ trợ gần 742 nghìn lượt người sử dụng lao động, trên 42,8 triệu lượt người lao động và các đối tượng khác. Để đạt được những điều này, lãnh đạo Trung ương Đảng và Chính phủ đã đưa ra nhiều Nghị quyết và Quyết định mang tính chiến lược, cấp bách.
Quyết sách chưa có tiền lệ
Từ giữa năm 2021, Thành phố Hồ Chí Minh bắt đầu bùng phát dịch Covid-19 dữ dội. TP. HCM đã phải giãn cách bằng áp dụng chỉ thị 16 kéo dài liên tục nhiều tháng. Ngày 1/10, sau gần 3 tháng áp dụng chỉ thị 16, TP. HCM mới bắt đầu mở cửa trở lại.
Vào ngày 29/7, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ra lời kêu gọi gửi đồng bào, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài về công tác phòng, chống đại dịch COVID-19. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 từ Trung ương tới cơ sở phải quyết liệt hơn nữa, ưu tiên mọi nguồn lực; linh hoạt, sáng tạo tổ chức thực hiện có hiệu quả công việc hệ trọng này.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Thực hiện nhanh chóng lời kêu gọi của Tổng Bí thư và cụ thể hóa Nghị quyết 30 của Quốc hội khóa XV, ngày 6/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính ký ban hành Nghị quyết 86 của Chính phủ về việc thực hiện các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Song song với những nhiệm vụ chống dịch, Thủ tướng yêu cầu Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, các bộ, ngành, địa phương về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.
LĐảng và Chính phủ đã đưa ra nhiều Nghị quyết và Quyết định mang tính chiến lược, cấp bách trong tình hình dịch Covi-19 bùng phát tại TP.HCM
Ngày 22/8/2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Công điện số 1099/CĐ-TTg về việc tăng cường giãn cách xã hội và các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. Trong đó, Thủ tướng nhấn mạnh việc bảo đảm an sinh xã hội là trọng yếu. Tại các địa bàn thực hiện giãn cách xã hội, phải bảo đảm lương thực, thực phẩm, các dịch vụ thiết yếu cho người dân, nhất là người nghèo, người già, phụ nữ và trẻ em, nhóm người yếu thế, người dễ bị tổn thương; không để bất cứ người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc.
Nghị quyết số 116/NQ-CP ngày 24/9/2021 về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp là chính sách chưa từng có tiền lệ, góp phần hỗ trợ người lao động khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống, chống đứt gãy chuỗi cung ứng lao động và thiếu hụt lao động.
Với Nghị quyết số 68/NQ-CP (sửa đổi bởi Nghị quyết số 126/NQ-CP) và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg (sửa đổi bởi Quyết định số 33/2021/QĐ-TTg) chỉ đạo cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính, việc hỗ trợ được tiến hành khẩn trương, thông thoáng, thuận tiện, người lao động và người sử dụng lao động nhận được sự hỗ trợ nhanh chóng, kịp thời.
Dấu ấn ngành lao động thương binh và xã hội
Vào sáng 29/12/2020, tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương để triển khai Nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, Bộ trưởng Bộ LĐ-TBXH Đào Ngọc Dung nhấn mạnh đề nghị: Trước hết tập trung phát triển toàn diện, bao trùm và bền vững an sinh xã hội với 3 nội dung cơ bản gồm kỹ năng lao động, việc làm thoả đáng và nhân mạnh an sinh xã hội bền vững bao gồm cả 3 khâu: Phòng, chống và khắc phục rủi ro.
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung
Việc triển khai chính sách an sinh xã hội đã đúng với chiến lược nhiệm vụ mà Đảng và Chính phủ đề ra trong năm 2021. Đến ngày 1/7, tại họp báo Chính phủ thường kỳ, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã thông tin nội dung nổi bật của Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 được Thủ tướng Chính phủ ký chiều cùng ngày. Đây là Nghị quyết được đông đảo người dân trông đợi bởi mục tiêu của Nghị quyết tập trung vào hỗ trợ 2 đối tượng: người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Tại cuộc họp trực tuyến Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 với 1.060 xã, phường, thị trấn tại 20 tỉnh, thành phố diễn ra sáng 29/8 do Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 chủ trì, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung đánh giá, tình hình dịch bệnh ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, đời sống của người dân và phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, tình trạng doanh nghiệp thiếu nhân lực, gặp nhiều khó khăn trong cung ứng nguyên liệu hàng hóa và đứt gãy sản xuất.
Để đảm bảo giãn cách thành công, công tác chăm lo an sinh, nhất là việc không để người dân thiếu ăn, là yếu tố đặc biệt quan trọng, là nhiệm vụ trọng yếu và thường xuyên. - Bộ trưởng Dung chia sẻ.
Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội trả lời chất vấn trước Quốc hội vào giữa tháng 11/2021
Vào thời điểm đó, việc triển khai các gói hỗ trợ cũng đã đạt được kết quả: cả nước đã có hơn 15 triệu người được thụ hưởng chính sách từ Nghị quyết 68, tiền đã chi hỗ trợ 8.400 tỷ đồng, 1,2 triệu lao động tự do với 2.180 tỷ đồng được nhận, 37 nghìn hộ sản xuất kinh doanh được hỗ trợ.
Chiều 8/11, phát biểu trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết việc triển khai ba gói hỗ trợ của Chính phủ đã cho thấy:
Gói hỗ trợ theo Nghị quyết 42/NQ-CP có trên 14 triệu đối tượng thụ hưởng. Gói hỗ trợ theo Nghị quyết 68/NQ-CP qua 4 tháng triển khai toàn quốc đã phê duyệt 25,9 nghìn tỷ đồng và hỗ trợ cho 26,71 triệu đối tượng hưởng. Gói hỗ trợ cho người lao động và sử dụng lao động từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp đã rà soát hỗ trợ 363 nghìn người sử dụng lao động với 20,644 nghìn tỷ đồng.
“Cùng với chính sách của nhà nước, các gói hỗ trợ của địa phương và vận động nguồn lực xã hội cũng như của nhân dân, đã góp phần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, mặc dù còn rất nhiều khó khăn thách thức nhất là trong bối cảnh diễn biến dịch bệnh phức tạp.”- Bộ trưởng Dung nhấn mạnh.
Ngày 11/11, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội giải đáp những vấn đề được các đại biểu quan tâm về khôi phục thị trường lao động, cơ cấu lại lực lượng lao động,… nhất là trong điều kiện bị tác động nặng nề do dịch COVID-19. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá: Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trong nhiệm kỳ thứ 2 của mình, nắm chắc thực trạng vấn đề thuộc lĩnh vực quản lý, trả lời đầy đủ, thẳng thắn và thỏa đáng các vấn đề, đề xuất nhiều giải pháp cho thời gian tới.
Phát biểu tại Hội nghị Hội đồng Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN lần thứ 26 vào cuối tháng 9, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội của Việt Nam đã chia sẻ những nỗ lực của Việt Nam để khắc phục và vượt qua đại dịch COVID-19, đặc biệt là việc Chính phủ chủ động ban hành và thực hiện nhiều chính sách về tài chính-tài khóa. Bộ trưởng đánh giá những giải pháp được đưa ra là hết sức thiết thực, đảm bảo được ổn định xã hội và góp phần vào phát triển kinh tế trong bối cảnh hiện nay.
Theo báo cáo của Sở LĐTBXH của 63 tỉnh, thành phố, tổng kinh phí thực hiện Nghị quyết 68, Quyết định 23 toàn quốc là trên 33.564 tỷ đồng, hỗ trợ gần 30,4 triệu lượt đối tượng.
Các chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 68, Quyết định 23 hướng tới 12 nhóm đối tượng. Trong đó, Đối với nhóm chính sách về bảo hiểm, cơ quan bảo hiểm xã hội đã rà soát và thông báo cho 375.000 đơn vị sử dụng lao động với 11.238.000 người lao động được giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp từ tháng 7/2021 đến hết tháng 6/2022 với tổng số tiền khoảng 4.322 tỷ đồng.
Nhóm chính sách hỗ trợ bằng tiền, tổng kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ bằng tiền là trên 25.810 tỷ đồng hỗ trợ trên 18 triệu đối tượng.