Sổ việc làm điện tử dành cho người lao động
Tổng cục Thống kê cho hay, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nước quý I.2022 ước tính là 51,2 triệu người, tăng 441,1 nghìn người so với quý trước và tăng 158,9 nghìn người so với cùng kỳ năm 2021.
Số lao động 15 tuổi trở lên có việc làm ước tính là 50 triệu người, tăng 132,2 nghìn người so với cùng kỳ năm trước, bao gồm 13,9 triệu người đang làm việc ở khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, chiếm 27,8% tổng số; khu vực công nghiệp và xây dựng 16,7 triệu người, chiếm 33,5%; khu vực dịch vụ 19,4 triệu người, chiếm 38,7%.
Dự kiến, mỗi lao động từ 15 tuổi trở lên khi tham gia thị trường lao động sẽ có mã định danh; có thẻ (hay sổ) lao động điện tử.
Người lao động khi làm việc ở đâu phải quét mã với người sử dụng lao động. Mọi dữ liệu sẽ được thu thập, quản lý thống nhất toàn quốc, kết nối với các cơ sở dữ liệu dân cư, kết nối cơ sở dữ liệu vay vốn việc làm...
Theo Cục Việc làm, việc làm thẻ (sổ) lao động điện tử, mã định danh sẽ giúp thông tin thị trường lao động được đồng bộ, hiện đại. Người lao động và doanh nghiệp sẽ minh bạch trong giao dịch việc làm, hợp đồng lao động, công tác dự báo cung cầu, cơ cấu lao động, nhu cầu đào tạo và phân tích nhân lực.
Cụ thể, thẻ (sổ) việc làm điện tử, mã định danh sẽ lưu toàn bộ quá trình làm việc, trình độ, sự dịch chuyển của tất cả lao động trong thị trường, được mã hóa QR Code. Chủ sử dụng lao động chỉ cần quét mã là sẽ có thể nắm toàn bộ thông tin về quá trình làm việc của người lao động.
Gia tăng học sinh nhập viện vì stress trong mùa thi
Trước áp lực của các kỳ thi đang cận kề, tới đây là kỳ thi vào THPT, nhiều học sinh lại rơi vào tình trạng căng thẳng. Phải đi khám tâm lý, thậm chí nhiều em còn phải nhập viện để điều trị các hội chứng lo âu trầm cảm.
Những triệu chứng của rối loạn lo âu quá mức thường gặp ở nhiều em. Nếu để tình trạng này kéo dài, dễ dẫn đến trầm cảm. Cứ gần tới kỳ thi, số trẻ đến viện với những vấn đề liên quan rối loạn tâm thần đều tăng từ 30 đến 40%.
Theo các bác sĩ, quá trình stress thường đã âm thầm diễn ra từ vài năm trước và nay, áp lực thi cử chỉ là giọt nước tràn ly. Diễn biến tâm lý, sự thay đổi tính cách của học sinh lại trùng với lứa tuổi dậy thì, khiến nhiều phụ huynh mặc nhiên chấp nhận sự thay đổi đó. Những áp lực tưởng chừng vô hình, lại đến từ những thứ hữu hình.
Thí điểm dịch vụ xe đạp công cộng tại Thủ đô từ quý IV/2022
Dự kiến vào quý IV/2022 tới đây, người dân Hà Nội sẽ được trải nghiệm dịch vụ cho thuê xe đạp công cộng với 2000 xe tại 200 điểm trạm thí điểm cho thuê xe, trải khắp 7 quận Tây Hồ, Ba Đình, Thanh Xuân, Đống Đa, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy.
Ông Đào Việt Long, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết dự án thí điểm sử dụng 100% vốn xã hội hóa, không sử dụng vốn ngân sách. Việc phát triển loại hình này nhằm hỗ trợ các loại hình khác như tàu điện, xe buýt, đa dạng hóa lĩnh vực vận tải hành khách công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Đại diện Sở GTVT cũng cho hay, các điểm bố trí xe được ưu tiên kết nối với các phương tiện công cộng khác như xe bus, metro hay những điểm tập trung đông người như trường học, bệnh viện, trung tâm thương mại… Tại 2 quận còn lại là Hà Đông và Hoàng Mai, Sở GTVT đang thống nhất với các bên liên quan để bố trí các điểm còn lại. Được biết, so với kế hoạch trước đó, quy mô dự án đã tăng gấp đôi, từ 1.000 xe lên thành 2.000 xe đạp. Địa bàn thực hiện cũng mở rộng hơn 4 quận, so với con số 5 quận trước đó.
Xe đạp được sử dụng cho dự án có 2 loại xe đạp truyền thống và xe điện 2 bánh. Dự kiến, chi phí cho mỗi lượt 30 phút là 5.000 đồng đối với xe đạp cơ và 10.000 đồng đối với xe đạp điện.
Người dân thuê xe cả ngày sẽ trả mức giá 60.000 đồng với xe đạp cơ và 120.000 đồng với xe đạp điện. Hệ thống vé có vé theo tháng, quý và năm; thanh toán bằng ứng dụng ngân hàng, ví điện tử.