Ngân hàng đua tăng phí SMS Banking
Mới đây, một số khách hàng của Vietcombank bất ngờ khi bị trừ khoản tiền lên tới 77.000 đồng một tháng cho phí dịch vụ biến động số dư qua tin nhắn SMS trong khi các tháng trước chỉ mất 11.000 đồng.
Khoản phí SMS Banking 77.000 đồng của Vietcombank là con số lớn nếu so với mức phí dao động từ 7.700 đồng đến 13.000 đồng mà phần lớn nhà băng khác đang áp dụng. Nếu tiếp tục sử dụng dịch vụ SMS Banking, chủ tài khoản Vietcombank thường xuyên giao dịch có thể mất tiền phí gần triệu đồng mỗi năm.
Ảnh minh hoạ
Không chỉ riêng "ông lớn" Vietcombank, chính sách thu phí thông báo biến động số dư qua tin nhắn cũng đang được hai nhà băng lớn khác là BIDV và Techcombank áp dụng.
Từ đầu năm nay, BIDV có động thái tương tự Vietcombank khi miễn toàn bộ phí giao dịch trên kênh ngân hàng điện tử nhưng tăng phí dịch vụ SMS Banking. Mức phí cao nhất mà BIDV thu là 77.000 đồng, áp dụng với cá nhân phát sinh tin nhắn thông báo biến động số dư, giao dịch thẻ... từ 101 tin nhắn trở lên mỗi tháng.
Tuỳ thuộc vào lượng tin nhắn, số tiền phí SMS Banking của chủ tài khoản BIDV phải đóng hàng tháng có thể rơi vào 9.900 đồng, 33.000 đồng, 60.500 đồng hoặc 77.000 đồng.
Còn tại Techcombank, phí dịch vụ biến động số dư tin nhắn với khách hàng thông thường đã được điều chỉnh từ tháng 9 năm 2020, dao động từ 13.200 đồng đến 82.500 đồng. Mức phí cao nhất là 82.500 đồng áp dụng cho người nhận từ 61 tin nhắn trở lên hàng tháng.
Ngoài ra, một nhà băng tư nhân khác là ACB cũng đã ngưng dịch vụ thông báo bằng SMS với giao dịch thẻ dưới 100.000 đồng và chuyển sang hình thức nhận bằng email.
Vì sao ngân hàng tăng phí dịch vụ tin nhắn SMS?
Chia sẻ về vấn đề này, Vietcombank cho biết chính sách thu phí dịch vụ nhận tin nhắn chủ động qua SMS nằm trong biểu phí dịch vụ tài khoản dành cho các khách hàng cá nhân đã được thay đổi từ 1/1/2022.
Trước đó, ngân hàng đã thông tin về những thay đổi này trên các kênh app banking, website và email tới tất cả khách hàng có tài khoản thanh toán mở tại Vietcombank.
Đồng thời, Vietcombank cũng cho biết căn cứ vào lịch sử giao dịch 3 tháng gần nhất (tháng 10-12/2021), ngân hàng đã gửi tin nhắn trực tiếp tới từng khách hàng có số lượng SMS nhận hàng tháng ở mức cao, thuộc trường hợp thay đổi cước phí để thông báo.
Nhà băng này cho biết việc thay đổi biểu phí là để phù hợp với nhu cầu giao dịch cho mỗi khách hàng. Tuy nhiên, nếu khách hàng không muốn sử dụng dịch vụ SMS chủ động có thể chuyển sang sử dụng dịch vụ thông báo số dư qua OTT (OTT Alert) trên app banking. Trong đó, dịch vụ OTT Alert được ngân hàng cung cấp miễn phí mà vẫn hỗ trợ đầy đủ các thông báo thay đổi số dư, giao dịch chi tiêu thẻ, nhắc lịch trả nợ…
Lãnh đạo một ngân hàng thương mại cho biết có 2 lý do khiến ngân hàng thay đổi cách tính phí dịch vụ thông báo biến động số dư qua SMS.
Thứ nhất, việc tăng phí có thể giúp ngân hàng giảm bù lỗ từ dịch vụ này. Từ trước đến nay, các ngân hàng vẫn thường xuyên bù lỗ với dịch vụ thông báo qua SMS khi phải trả cước phí khá cao cho các nhà mạng để thực hiện SMS brandname tới khách hàng.
Vị này cho biết với mỗi giao dịch, ngân hàng đều phải gửi ít nhất 2 SMS brandname để thông báo, cước phí này do ngân hàng thanh toán trực tiếp với nhà mạng theo biểu phí tin nhắn dịch vụ tài chính với giá cước cao gấp 3-4 lần SMS thông thường. Trong khi đó, mức phí ngân hàng thu phổ biến với dịch vụ này chỉ vào khoảng 8.000-9.000 đồng/tháng.
Yếu tố thứ 2 khiến các ngân hàng thay đổi chính sách với dịch vụ SMS là không muốn phụ thuộc vào bên thứ 3 - nhà mạng viễn thông - và hướng khách hàng vào việc sử dụng dịch vụ ngân hàng cung cấp trực tiếp qua app banking.
Theo đó, những nhà băng có phí dịch vụ SMS cao nhất hiện nay đều là nhóm miễn phí dịch vụ tương tự trên kênh ngân hàng điện tử.
Theo vị lãnh đạo nhà băng này, trước đây, khi các app banking chưa phát triển, ngân hàng phải phụ thuộc vào các nhà mạng để gửi thông báo, quảng cáo tới khách hàng. Tuy nhiên, sau giai đoạn đầu tư mạnh, app banking ghi nhận số lượng khách hàng sử dụng đủ lớn, các ngân hàng đều muốn chuyển hướng khách hàng vào việc sử dụng tối đa tiện ích trên app.
“Điều này cũng phù hợp với xu hướng quốc tế là giảm phụ thuộc vào bên thứ 3. So với việc nhận tin nhắn qua SMS có nhiều rủi ro giả mạo, việc nhận thông báo trực tiếp qua app sẽ giúp khách hàng và ngân hàng theo dõi tốt hơn thông tin giao dịch, mà lại giảm tải được chi phí liên quan”, vị này nói.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), cho biết trước đây ngân hàng thường thông qua SMS để thông báo biến động số dư cho khách hàng, tuy nhiên, qua rà soát, các ngân hàng đều thấy rằng chi phí để duy trì dịch vụ này quá cao.
Trong đó, cước phí tin nhắn dịch vụ ngân hàng hiện cao gấp 3 lần tin nhắn thông thường. Nếu ngân hàng thu phí dịch vụ SMS cao tương ứng sẽ nhận phản ứng tiêu cực, nhưng nếu miễn phí dịch vụ này, các nhà băng cũng không thể gánh được cước phí nhà mạng thu quá cao.
Nhà mạng khẳng định không tăng cước
Trong khi các ngân hàng cho biết buộc phải tăng phí SMS Banking vì nhà mạng thu cước tin nhắn cao, các nhà mạng đều khẳng định đã không tăng giá cước trong nhiều năm qua.
Trao đổi với Zing, một chuyên gia viễn thông tại Việt Nam nhận định việc các ngân hàng cho rằng nhà mạng thu phí dịch vụ SMS cao không phải do các nhà mạng tăng giá mà bản chất nằm ở việc các ngân hàng đang không thể cân đối giữa khoản thu từ khách hàng và chi phí cho dịch vụ SMS.
"Các ngân hàng đang thu đồng giá dịch vụ SMS banking với tất cả khách hàng, tuy nhiên có người sử dụng ít, có người lại sử dụng rất nhiều. Đặc biệt là trong giai đoạn các thành phố lớn thực hiện giãn cách xã hội, thương mại điện tử tăng trưởng mạnh khiến người dùng chuyển đổi mua sắm sang kênh online. Xu hướng này phát sinh nhiều giao dịch trực tuyến, từ mã OTP (mật khẩu 1 lần), biến động số dư, tin nhắn cảnh báo, dẫn tới lượng SMS mà chủ tài khoản ngân hàng sử dụng tăng mạnh", vị này nhận định.
Bên cạnh đó, vị chuyên gia cũng cho rằng việc các ngân hàng tăng phí SMS Banking còn nhằm chuyển dịch người dùng sang sử dụng các ứng dụng của ngân hàng để thực hiện giao dịch và nhận thông báo thay kênh SMS. "Việc này vừa giúp ngân hàng có thêm người dùng ứng dụng banking trên điện thoại thông minh, vừa tiết kiệm khoản ngân hàng phải chi cho SMS từ các nhà mạng.
Theo khảo sát của Zing, trong số 49 ngân hàng có vốn Nhà nước, ngân hàng thương mại cổ phần, ngân hàng liên doanh và ngân hàng 100% vốn nước ngoài, chỉ có 2 ngân hàng miễn phí dịch vụ SMS Banking cho khách hàng. Các ngân hàng còn lại hiện thu phí dao động quanh mức 5.000-10.000 đồng/tháng (chưa bao gồm VAT). Đặc biệt, tại một số nhà băng, mức phí duy trì dịch vụ này lên tới 15.000-20.000 đồng/tháng.
Theo thống kê của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, với số lượng tổ chức tín dụng, bao gồm cả chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang hoạt động lên tới cả trăm đơn vị, chi phí viễn thông cả hệ thống ngân hàng trả cho các nhà mạng lên tới vài nghìn tỷ/tháng. Nhiều ngân hàng thông báo đang phải gánh khoản lỗ từ dịch vụ SMS Banking và phải điều chỉnh tăng mức thu của khách hàng.
Người dùng đua nhau hủy dịch vụ SMS Banking
Sau khi bị thu phí ‘cắt cổ', tăng gấp 5-7 lần so với tháng trước, nhiều người dùng dịch vụ đua nhau hủy dịch vụ và chuyển sang dùng dịch vụ nhận tin nhắn qua app để khỏi phải trả phí.
Anh Tâm (TP Thủ Đức) cho hay đã nhắn tin hủy dịch vụ sau khi bị trừ 55.000 đồng phí tháng 1. Tuy nhiên, khả năng tháng 2 anh vẫn bị trừ 27.500 đồng vì trước khi hủy dịch vụ vẫn phát sinh 28 tin nhắn và theo quy định, nếu phát sinh từ 20 đến 50 tin nhắn sẽ bị trừ phí 27.500 đồng (đã bao gồm VAT).
Nhiều người cũng rơi vào trường hợp tương tự anh Tâm là đã hủy dịch vụ nhưng vẫn chưa thoát khỏi việc bị thu phí cao vì hiện nay đã gần cuối tháng 2, do vậy họ vẫn phải trả phí tin nhắn đã phát sinh trong 20 ngày qua vào kỳ thu phí tháng sau.
Chị Kim (Phú Nhuận) cho hay do kinh doanh nên vợ chồng chị đang sử dụng hai tài khoản và bị trừ phí tổng cộng 154.000 đồng trong tháng 1.
"Hôm nay, 21-2, tôi đã hủy luôn dịch vụ nhận tin nhắn để chuyển qua nhận thông báo qua app, nhưng khả năng tháng sau tôi vẫn phải mất cả trăm ngàn tiền phí nữa mới dứt", chị Kim than.