Cổ phiếu nhỏ bật cao
Quan sát khi thị trường đã “lướt” qua hầu hết các ngành thì dòng tiền sẽ tìm cơ hội ở những nhóm cổ phiếu nhỏ. Sóng cổ phiếu nhỏ có thể diễn ra trong 1 tuần, hoặc kéo dài cả tháng, chẳng hạn cổ phiếu SJF tăng 40% sau 6 phiên, cổ phiếu KHB tăng gấp 4 sau 11 phiên, cổ phiếu PGT tăng 3,2 lần sau 11 phiên, cổ phiếu DDV tăng 2,3 lần sau 1 tháng…
Cổ phiếu nhỏ bật cao.
Theo ông Đào Tuấn Trung, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, Công ty Chứng khoán VietinBank cho rằng, dòng tiền đổ vào nhóm cổ phiếu nhỏ là xu hướng tất yếu khi số lượng nhà đầu tư mới tham gia thị trường ngày càng tăng, trong khi thị giá nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn và trung bình ghi nhận mức tăng mạnh trong hơn một năm qua.
Trong khi đó, một số nhóm cổ phiếu có vai trò dẫn dắt thị trường như ngân hàng đối mặt với nhiều khó khăn do tác động của đợt dịch Covid-19 lần thứ 4, khiến xu hướng này càng trở nên phổ biến trong thời gian gần đây.
“Lưu ý, nhóm cổ phiếu nhỏ cũng đã ghi nhận mức tăng giá mạnh và đối diện với rủi ro điều chỉnh. Nhà đầu tư khi tham gia nhóm cổ phiếu này cần phân bổ tỷ trọng phù hợp với giá trị tài sản ròng và chuẩn bị sẵn sàng cho kịch bản điều chỉnh bất ngờ”, ông Trung khuyến nghị.
Trong bối cảnh dịch bệnh và khó khăn hiện nay, có những doanh nghiệp vừa và nhỏ được hưởng lợi, nhưng con số này không nhiều. Khi kết quả kinh doanh quý III dần hé lộ và dịch bệnh dần được kiểm soát, dòng tiền sẽ quay trở lại nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. Do đó, nhà đầu tư nắm giữ vị thế ngắn hạn ở nhóm cổ phiếu nhỏ cần cẩn trọng và thực hiện tái cơ cấu danh mục nhằm quản trị rủi ro.
Theo ông Võ Thế Vinh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Guotai Junan Việt Nam, quy mô dòng tiền trên thị trường hiện nay lớn, chỉ cần một phần nhỏ dòng tiền chốt lời tại các mã vốn hóa lớn tham gia vào nhóm vốn hóa nhỏ cũng có thể tạo ra đà tăng giá mạnh, thậm chí tính bằng lần.
Đặc biệt, đối với các cổ phiếu của doanh nghiệp hoạt động kinh doanh không có triển vọng rõ ràng, kịch bản tăng nóng sau đó giảm sâu rất phổ biến. Nhà đầu tư cần kiểm soát tâm lý sợ mất cơ hội (FOMO) do đà tăng giá đột biến tạo ra.
Thực tế, không ít cổ phiếu nhỏ gắn với câu chuyện về tính đầu cơ, bầy đàn và trục lợi. Đây là điều khó có thể tránh khỏi khi làn sóng nhà đầu tư mới tham gia thị trường mạnh mẽ, không chỉ ở Việt Nam, mà ngay cả các thị trường phát triển.
Tại thị trường chứng khoán Việt Nam, một số chuyên gia cảnh báo, cổ phiếu liên tiếp tăng giá trần có dấu hiệu đầu cơ, gây rủi ro cho thị trường và nhà đầu tư, chẳng hạn mã BII của Công ty cổ phần Louis Land.
Margin “nâng đỡ” thị trường?
Dư nợ cho vay giao dịch ký quỹ (margin) ngày càng gia tăng. Số liệu kể từ đầu năm 2021 cho thấy, trong quý I và quý II, cá nhân trong nước mua ròng lần lượt 21.000 tỷ đồng và 22.000 tỷ đồng. Trong khi đó, tổng lượng cho vay ký quỹ quý I tăng đúng bằng con số mua ròng của nhà đầu tư cá nhân, còn trong quý II có mức tăng hơn 35.000 tỷ đồng, vượt xa con số 22.000 tỷ đồng mà các cá nhân trong nước mua ròng.
Hiện tại, dư nợ margin tại nhiều công ty chứng khoán đều tăng so với cuối quý II/2021 và mối tương quan tiếp tục diễn ra khi lũy kế 8 tháng đầu năm 2021, nhà đầu tư cá nhân mua ròng hơn 57.000 tỷ đồng trên HOSE và HNX.
Nhìn vào giá trị giao dịch của nhà đầu tư trong nước qua từng quý và so sánh với số liệu dư nợ giao dịch ký quỹ gia tăng, có ý kiến cho rằng, thực tế tiền mới không chảy nhiều vào thị trường, mà cuộc chơi đầu cơ được nuôi lớn từ cho vay ký quỹ.
Hiện dư nợ margin tại Công ty Chứng khoán TP Hồ Chí Minh hiện đạt hơn 10.000 tỷ đồng, tăng khoảng 100 tỷ đồng so với cuối quý II/2021. Tại Công ty Chứng khoán VNDIRECT, dư nợ margin đạt hơn 9.000 tỷ đồng. Còn Dư nợ margin ở nhiều công ty khác như Chứng khoán MB, Chứng khoán ACB… cũng đang dần trở lại mức cao. Dư nợ margin cuối quý III/2021 được dự báo sẽ phá con số kỷ lục hơn 145.000 tỷ đồng cuối quý II/2021.
Theo Chứng khoán ACB cho biết, margin tại Công ty nói riêng và margin trên toàn thị trường nói chung có thể đang ở mức đỉnh lịch sử.
Câu chuyện margin là một chủ đề rộng và cuộc chơi margin có sự thay đổi theo thực tế thị trường. Khi lãi suất cho vay margin ngày càng cạnh tranh, dưới 10%/năm và việc thế chấp cổ phiếu để vay tiền tại công ty chứng khoán đơn giản và linh hoạt hơn nhiều so với vay ngân hàng, nhu cầu sử dụng đòn bẩy càng tăng.
Trong nhịp tăng điểm tháng 8, thanh khoản phiên 20/8 lên đến 40.000 tỷ đồng, nhưng chỉ số điều chỉnh giảm cho thấy thị trường gặp áp lực bán lớn. Để thị trường vượt qua vùng đỉnh tháng 8 và bước vào đợt sóng mới, không chỉ cần điểm số tăng, mà còn cần đến độ rộng và thanh khoản.
Giám đốc môi giới một công ty chứng khoán lớn cho hay, với tính thanh khoản cao trong quý III này, đặc biệt ở các phiên phân phối, mức độ quay vòng margin nhanh hơn quý II. Nhìn chung, mức độ quay vòng margin đang rất “khủng khiếp”.
“Từ đầu năm 2021 đến nay, tỷ số dư nợ margin/thanh khoản khớp lệnh trung bình của HOSE thường xuyên ở mức cao. Tỷ số này cao hơn nhiều vùng đỉnh năm 2018”, vị giám đốc môi giới nói và cho rằng, cuộc chơi margin có thể gây ra hệ lụy khi giá cổ phiếu chấm dứt đà tăng như giá cổ phiếu sử dụng margin giảm sâu, thanh khoản và vòng quay tiền trên thị trường suy giảm.
Việc tăng sử dụng đòn bẩy của nhà đầu tư có thể đến từ việc tận dụng nguồn vốn margin có lãi suất thấp, nhiều sản phẩm linh hoạt, hấp dẫn đối với hoạt động giao dịch ngắn hạn.
Không ít nhà đầu tư chia sẻ, giai đoạn giữa tháng 8/2021, cổ phiếu đang trong xu hướng tăng nhưng công ty chứng khoán không cho vay thêm, bởi công ty tạm thời hết hạn mức cho vay ký quỹ. Tình trạng này cho thấy tình hình cho vay margin rất “căng”.
Hiện tại, nhiều công ty chứng khoán đã huy động thêm vốn, giúp dư địa cho vay margin của thị trường lớn hơn và khả năng căng cứng do margin giảm đi nhiều.
Trước đó, các đợt phát hành năm 2018 phải mất 3 năm mới cạn margin, dù thanh khoản thị trường tăng vọt. Tuy nhiên, hiện nay, margin cần phải có sự cân đối với tiền thực, nếu margin tăng mạnh mà dòng tiền thực không tăng tương ứng, thị trường sẽ ở trạng thái rủi ro cao. Thị trường không thể được nuôi lớn mãi bởi margin.
Vừa qua, Hiệp hội Tư vấn Tài chính Việt Nam đề xuất nâng tỷ lệ cho vay margin từ 50% (5:5) lên 70% (7:3), với kỳ vọng giúp thị trường chứng khoán sôi động hơn và các công ty chứng khoán có lý do chính đáng để bung margin. Bởi lẽ, tỷ lệ margin tối đa theo quy định hiện hành là 5:5, nhưng có công ty “lách luật” cho vay với tỷ lệ 6:4, 7:3, thậm chí cao hơn đối với một số khách hàng “VIP”.
Có cung ắt có cầu, dù vậy, liên quan đến chính sách margin, mỗi công ty chứng khoán có chính sách và quan điểm về quản trị rủi ro khác nhau.
https://hoanhap.vn/chi-tiet/suc-bat-vuot-troi-cua-co-phieu-nho1632757098.html