Kiểm soát lạm phát tốt
Số liệu vừa được Tổng cục Thống kê chính thức công bố, CPI tháng 10/2022 tăng 0,15% so với tháng trước, tăng 4,16% so với tháng 12/2021 và tăng 4,3% so với cùng kì năm trước. Việc CPI tháng 10 tăng nhẹ, theo Tổng cục Thống kê chủ yếu là do giá thuê nhà tăng trở lại do nhu cầu của người dân tăng cao, một số địa phương tăng học phí năm học mới 2022 - 2023.
Trong 11 nhóm hàng hóa dịch vụ tiêu dùng chính, có 9 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng và 2 nhóm hàng có chỉ số giá giảm so với tháng trước. Trong nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, nhóm giáo dục tăng cao nhất với 2,35%, trong đó chỉ số giá dịch vụ giáo dục tăng 2,64% so với tháng trước. Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,69%, do sinh viên bắt đầu đi học nên nhu cầu thuê nhà tăng cao làm giá tiền thuê nhà ở tăng 8,85%.
Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,34%, do giá nguyên liệu sản xuất đồ uống và tỉ giá USD tăng cao. Nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,2%, do giá nguyên phụ liệu sản xuất, chi phí nhân công và nhu cầu mua sắm quần áo mùa đông tăng.
Còn Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,13%. Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,12%. Nhóm thuốc và dịch vụ y tế và Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch cùng tăng 0,06%. Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,23% tập trung chủ yếu ở mặt hàng đồ trang sức tăng 0,46%.
Trong khi đó, có hai nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giảm. Trong đó, Nhóm giao thông giảm tới 2,17%, chủ yếu do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá xăng dầu trong nước vào ngày 03/10/2022, 11/10/2022; 21/10/2022 và còn tiếp tục chịu ảnh hưởng từ các đợt điều chỉnh giảm trong tháng 9/2022.
Số liệu thống kê cho biết, lũy kế từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu đã qua 27 kì điều hành giá. Trong đó, xăng có 14 lần tăng, 12 lần giảm và 1 lần giữ ổn định; giá dầu diezen 0,05S có 16 lần tăng, 11 lần giảm; giá dầu hỏa có 15 lần tăng, 11 lần giảm, 01 lần giữ ổn định; giá dầu mazut có 10 lần tăng, 11 lần giảm và 6 lần giữ ổn định.
Sự tăng giảm của giá xăng dầu kể từ đầu năm tới nay đã tác động khá lớn đến mục tiêu kiểm soát lạm phát của Việt Nam
Hiện tại, giá xăng đã giảm khá nhiều so với thời điểm “đỉnh”. Nhờ vậy, đà tăng chỉ số giá tiêu dùng đã được kiểm soát.
Tính chung 10 tháng đầu năm 2022, CPI bình quân tăng 2,89% so với bình quân cùng kì năm 2021. Như vậy, lạm phát đang được kiểm soát tốt và với đà này, cả năm, sẽ ở mức dưới 4%.
Số liệu thống kê cho thấy, lạm phát cơ bản tháng 10/2022 tăng 0,45% so với tháng trước, tăng 4,47% so với cùng kì năm trước. Bình quân 10 tháng năm 2022, lạm phát cơ bản tăng 2,14% so với cùng kì năm 2021, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 2,89%). Điều này phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực và giá xăng dầu.
Báo cáo tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 10/2022, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng đã nhận định rằng, kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát.
Tuy nhiên, trong các giải pháp điều hành những tháng cuối năm, Bộ trưởng cho rằng vẫn cần theo dõi sát diễn biến, tình hình thế giới, đặc biệt những vấn đề mới nổi, lạm phát và việc điều chỉnh chính sách của các quốc gia, giá xăng dầu, khí đốt, vật tư chiến lược; để có phương án ứng phó kịp thời với những tình huống phát sinh, nhất là lạm phát và các cân đối lớn; điều tiết sản xuất, hàng hóa phù hợp, bảo đảm nguồn cung phục vụ Tết Nguyên đán 2023.
Sức ép tăng lạm phát
Từ nay đến cuối năm có những yếu tố sẽ tạo nên sức ép lạm phát:
Trước hết là giá nhiên liệu và năng lượng biến động phức tạp, bởi tác động của chiến sự Ukrainae – Nga, tác động mạnh mẽ đến giá xăng dầu trong nước.
Thứ hai, áp lực lạm phát toàn cầu sẽ tác động đến chuỗi cung ứng và hàng hóa thế giới, do đó sẽ gây áp lực tăng giá trong nước.
Thứ ba, ảnh hưởng thời tiết. Mưa lũ, thiên tai cuối năm phức tạp có thể gây tăng giá cục bộ một số hàng hóa thiết yếu, lương thực, thực phẩm tại một số địa phương.
Đáng chú ý, thực tế từ nay đến cuối năm, lạm phát tại Việt Nam vẫn đang trên đà tăng. Trong khi đó, trên thế giới về cơ bản lạm phát đã qua đỉnh từ tháng 7, tháng 8 và đang giảm nhiệt dần, ngoại trừ khu vực châu Âu chưa thoát khỏi cuộc khủng hoảng năng lượng khó lường nên lạm phát có thể đạt đỉnh trong 1 - 2 tháng tới.
Lạm phát tại nhiều nước trên thế giới vẫn còn giữ ở mức cao, tốc độ giảm rất chậm, buộc ngân hàng trung ương các nước phải đẩy nhanh và mạnh tốc độ tăng lãi suất. Năm 2023, do còn nhiều biến số khó lường, nên tăng trưởng của Việt Nam có thể chậm hơn năm 2022, ước 6 - 6,5% và lạm phát có thể cao hơn. Do năm 2021, Việt Nam phục hồi kinh tế chậm hơn còn kinh tế thế giới phục hồi nhanh hơn kì vọng, còn năm nay Việt Nam phục hồi mạnh thì thế giới lại giảm tốc; thế giới lạm phát cao nhưng Việt Nam kiểm soát được. Rõ ràng là có độ trễ.
Ngoài ra, ảnh hưởng từ lượng cung tiền tung ra, cùng với đó, giải ngân đầu tư công từ nay đến cuối năm được đẩy mạnh hơn và năm 2023 sẽ giải ngân cao hơn. Hơn nữa, giá cả nhiều dịch vụ trong năm tới đang trong lộ trình tăng và khó có thể kiềm chế, ghìm cương thêm như giá điện, tiền lương...
Bên cạnh đó, với kế hoạch tiếp tục tăng lãi suất của Fed trong thời gian tới, kéo dài ít nhất đến giữa năm 2023, sẽ kéo đồng USD tiếp tục tăng giá, tạo sức ép đối với tỉ giá và nguy cơ nhập khẩu lạm phát với Việt Nam vẫn cao. Giá năng lượng, giá xăng dầu vẫn còn là một ẩn số bất định, do chiến sự Ukraine chưa biết lúc nào sẽ kết thúc.
https://hoanhap.vn/chi-tiet/suc-ep-nhung-bien-so-gay-ap-luc-len-lam-phat1667390853.html