Theo Reuters, SVB là ngân hàng lớn nhất tại Mỹ sụp đổ kể từ sau khủng hoảng tài chính năm 2008. Ngày 10/3, cơ quan quản lý ngân hàng bang California đã đóng cửa ngân hàng này và chỉ định Tổng công ty Bảo hiểm tiền gửi Liên bang (FDIC) làm đơn vị tiếp nhận xử lý tài sản của ngân hàng SVB.
Nguồn gốc của sự sụp đổ của SVB là môi trường lãi suất cao thời gian qua. Lãi suất tăng khiến thị trường phát hành cổ phiếu lần đầu (IPO) của các công ty khởi nghiệp đóng băng, khiến hoạt động huy động vốn trở nên tốn kém hơn và nhiều khách hàng của SVB bắt đầu rút tiền. Để ứng phó với tình hình, ngày 8/3, SVB đã bán lỗ danh mục trái phiếu trị giá 21 tỷ USD của mình, chủ yếu là trái phiếu kho bạc Mỹ và cho biết sẽ bán 2,25 tỷ USD cổ phiếu phổ thông cũng như cổ phiếu ưu đãi chuyển đổi.
Trụ sở SVB tại Santa Clara, California. Ảnh minh họa: AFP.
Ngân hàng Mỹ Silicon Valley Bank có trụ sở tại Santa Clara, SVB là ngân hàng lớn thứ 16 tại Mỹ với tài sản khoảng 209 tỷ USD, tính tới cuối năm 2022, tập trung cho vay đối với các công ty khởi nghiệp. Giới phân tích cho rằng nguyên nhân khiến nhà băng này sụp đổ bắt nguồn từ việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất quá mạnh trong năm ngoái, khiến các công ty khởi nghiệp đối mặt điều kiện tài chính đặc biệt khó khăn.
Theo tỷ phú đầu tư Bill Ackman, vụ sụp đổ của SVB tương tự như vụ đóng của Bear Stearns - ngân hàng đầu tiên sụp đổ trong giai đoạn đầu khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2008. Ông cho rằng rủi ro sụp đổ và mất tiền gửi khiến những ngân hàng có mức an toàn vốn thấp đối mặt nguy cơ bị rút tiền ồ ạt.
“Hiệu ứng domino sẽ xảy ra", vị tỷ phú nhận định trên Twitter.
Tuy nhiên, theo hầu hết các nhà phân tích, dù SVB có quy mô tài sản lớn, việc ngân hàng này sụp đổ chỉ là một trường hợp cá biệt. Do là một ngân hàng có vai trò quan trọng với các công ty khởi nghiệp tại Mỹ, SVB chịu sức ép lớn khi nguồn vốn giảm dần, bắt nguồn từ sự đi xuống của nền kinh tế và lãi suất tăng nhanh.
“Lý do khiến SVB gặp rắc rối là ngân hàng này quá phụ thuộc vào một số lĩnh vực”, ông said Jonas Goltermann, nhà kinh tế tại Capital Economics, nhận xét. “Hầu hết các ngân hàng khác có hoạt động cho vay đa dạng hơn”.
Ngày 10/3, ngay sau khi SVB bất ngờ đóng cửa, Thứ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Wally Adeyemo đã lên tiếng trấn an công chúng Mỹ về sức khỏe của hệ thống ngân hàng nước này.
“Các nhà chức trách liên bang đang theo dõi định chế tài chính này. Hiện tại, chúng tôi vẫn tự tin vào sức khỏe của toàn hệ thống", ông Adeyemo nói với CNN.
Tuyên bố này được đưa ra sau khi Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen triệu tập một cuộc họp đột xuất của các cơ quan quản lý tài chính để thảo luận về vụ sụp đổ của SVB.
“Chúng tôi có các công cụ cần thiết để ứng phó với các sự cố như những gì đã xảy ra với SVB”, ông Adeyemo nói.
Bên cạnh đó, những lo ngại về sự ổn định của hệ thống tài chính trong vụ việc lần này cũng ít hơn bởi Mỹ đã cải tổ nhiều quy định về quản lý ngân hàng từ sau khủng hoảng tài chính 2008. Dù vậy, việc SVB sụp đổ cho thấy những thách thức nảy sinh từ quá trình nâng lãi mạnh tay nhất nhiều thập kỷ của các ngân hàng trung ương trên toàn cầu. Các ngân hàng trung ương phải nâng lãi suất để kiềm chế lạm phát, nhưng tốc độ tăng quá nhanh và mạnh đã gây ra những vấn đề khó lường. Giới tài chính giờ đây đang lo lắng về những hậu quả lâu dài của việc này.
Tuy nhiên, hầu hết các nhà phân tích nhận định rủi ro lan rộng từ vụ sụp đổ của SVB đến nay không cao.
"Nhìn chung, hệ thống ngân hàng Mỹ vẫn ổn định và có khả năng chống chịu các cú sốc lớn", Jens Hagendorff, giáo sư tài chính tại trường King’s College London, nhận xét. "Tôi cho rằng SVB chỉ là trường hợp cá biệt vì họ có nguồn tiền gửi không ổn định".
Đồng quan điểm, nhà phân tích Mike Mayo của Wells Fargo, rằng cuộc khủng hoảng ở SVB là "trường hợp đơn lẻ".
"Vụ việc này hoàn toàn khác so với khủng hoảng tài chính 15 năm trước. Khi đó, các ngân hàng chấp nhận rủi ro quá mức và mọi người cũng cho rằng tất cả đều ổn. Còn hiện tại, mọi người đều lo lắng, nhưng nền tảng của các ngân hàng lại tốt hơn rất nhiều rồi", ông Mayo giải thích.
Trong khi đó, cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Larry Summers cho rằng sẽ không có rủi ro hệ thống nếu sự việc SVB "được giải quyết một cách hợp lý".
Châu Á bị ảnh hưởng thế nào sau vụ SVB phá sản?
Theo các nhà phân tích, vụ ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) sụp đổ ít khả năng có ảnh hưởng lan tỏa tới khu vực châu Á. Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng đây có thể được xem là hồi chuông cảnh báo cho châu Á, đặc biệt là những nền kinh tế chưa tăng lãi suất mạnh.
Trong hơn một năm qua, Trung Quốc và Nhật Bản đi ngược xu hướng tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương trên toàn cầu. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) vẫn giữ nguyên lãi suất cho vay cơ bản, trong khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) duy trì mức lãi suất âm 0,1%.
Phiên giao dịch ngày 13/3, các chỉ số chứng khoán Trung Quốc đều tăng điểm, còn chỉ số TOPIX của Nhật Bản sụt điểm trong đợt bán tháo vào phiên giao dịch buổi sáng ở châu Á. Điều này diễn ra sau khi các cơ quan quản lý của Mỹ công bố biện pháp để ngăn chặn rủi ro hệ thống từ vụ sụp đổ của SVB.
“Với Trung Quốc và Nhật Bản, sự khác biệt trong chính sách tiền tệ (so với Mỹ) có thể không sẽ không gây ra một cuộc khủng hoảng tương tự nhưng đó là lời cảnh báo cho các nhà hoạch định chính sách ở hai nền kinh tế có tầm ảnh hưởng này”, bà Tina Teng, nhà phân tích thị trường tại CMC Markets, nhận định với CNBC.
Theo bà Tang, phản ứng của thị trường chứng khoán châu Á, đặc biệt là của cổ phiếu ngân hàng có nhiều khách hàng là các quỹ đầu tư mạo hiểm - sẽ phụ thuộc chủ yếu vào “cách quản lý rủi ro liên quan tới lãi suất tại các quốc gia đối mặt với vấn đề tương tự”.
“Rủi ro tín dụng có thể là vấn đề lớn mà các ngân hàng châu Á đối mặt trong bối cảnh triển vọng kinh tế ảm đạm và nhu cầu của người tiêu dùng suy giảm”, bà Tang nhận định.
Theo nhà phân tích Tony Sycamore của IG, các biện pháp mới nhất của các cơ quan chức trách Mỹ có thể sẽ giúp ngăn chặn rủi ro lây lan hơn nữa.
“Thông báo vào sáng ngày 13/3 của Tổng công ty Bảo hiểm tiền gửi Liên bang (FDIC) và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể là một cách tốt để ngăn chặn hậu quả từ vụ sụp đổ của SVB, đặc biệt là đối với nền kinh tế”, ông Sycamore nói. “Tôi cho rằng thị trường sẽ nhanh chóng vượt qua và chuyển hướng tập trung vào các vấn đề vĩ mô trong tuần này, bao gồm báo cáo lạm phát vào tối mai và cuộc họp của Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) sắp tới”.
Trong khi đó, tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s Investors Service nhận định các ngân hàng châu Á có thể sẽ không bị ảnh hưởng bởi vụ sụp đổ của SVB do tiền gửi của họ chủ yếu được dùng để cho vay thay vì đầu tư vào trái phiếu chính phủ.
“Tỷ lệ cho vay trên tiền gửi của các nhà băng ở châu Á thường là khoảng 90%. Vì vậy, hầu hết các khoản tiền gửi được dùng để cho vay”, ông Eugene Tarzimanov, cán bộ tín dụng cấp cao tại Moody’s nói với CNBC. “Tất nhiên họ cũng đầu tư vào trái phiếu chính phủ trong và ngoài nước, nhưng tỷ lệ này không đáng kể”.
Với giới startup và đầu tư mạo hiểm công nghệ châu Á, dù nhiều công ty cũng chịu rủi ro liên quan tới vụ sụp đổ của SVB, nhưng không nhiều doanh nghiệp công khai thừa nhận chịu thiệt hại lớn vì vụ việc này.
https://hoanhap.vn/chi-tiet/tai-sao-ngan-hang-my-silicon-valley-bank-bat-ngo-pha-san1678778131.html