Theo ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban chứng khoán nhà nước (UBCKNN), trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tiếp tục tác động tiêu cực, Việt Nam được đánh giá là điểm sáng trong bức tranh kinh tế toàn cầu. Theo Ngân hàng thế giới (WB), tăng trưởng GDP của Việt Nam dự kiến đạt 6,6% trong năm 2021 - mức tăng cao nhất trong khu vực ASEAN.
Thị trường trái phiếu duy trì ổn định với thanh khoản đạt 11.765 tỷ đồng/phiên. Tổng mức huy động vốn thực tế trên thị trường chứng khoán ước đạt 176.745 tỷ đồng, tăng 65% so với cùng kỳ năm trước.
Thị trường chứng khoán phái sinh tiếp tục là công cụ phòng ngừa rủi ro hiệu quả với khối lượng giao dịch bình quân đạt 188.865 hợp đồng/phiên, tăng 20% so với năm trước. Thị trường chứng khoán phái sinh đã có thêm sản phẩm mới là hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 10 năm. Sản phẩm này được chính thức đưa vào giao dịch vào ngày 28/6. Cùng với đó, sản phẩm chứng quyền có bảo đảm ngày càng thu hút đông đảo công chúng đầu tư.
Trong 6 tháng đầu năm, tổng mức huy động vốn thực tế trên thị trường chứng khoán ước đạt 176.745 tỷ đồng, tăng 65% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, huy động vốn qua phát hành cổ phiếu và cổ phần hóa ước đạt 26.857 tỷ đồng (1,15 tỷ USD), tăng 197%; huy động vốn qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng ước đạt 8.394 tỷ đồng, giảm 23%; huy động vốn cho ngân sách nhà nước thông qua đấu thầu trái phiếu chính phủ tăng 63% với giá trị đạt 141.493 tỷ đồng.
Về công tác quản lý hoạt động các tổ chức kinh doanh chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã rà soát để xử lý, tiến hành chuyển 1 công ty chứng khoán từ diện kiểm soát sang kiểm soát đặc biệt, tăng vốn điều lệ cho 3 công ty, chấp thuận rút nghiệp vụ 1 công ty và chấp thuận bổ sung nghiệp vụ cho 4 công ty. Kết quả trong quý 1, các công ty chứng khoán tăng trưởng mạnh với 57% về doanh thu và 92% về lợi nhuận so với cùng kỳ năm 2020.
Bên cạnh đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã cấp phép thành lập, chào bán cho 4 quỹ đầu tư mới, nâng tổng số quỹ đầu tư lên 58 quỹ. Theo đó, tổng giá trị tài sản ròng của các quỹ đã tăng 36% so với cuối năm 2020
Về nhiệm vụ trong nửa cuối của năm, ông Sơn cho biết Ủy ban sẽ tập trung nỗ lực đưa các quy định, chính sách mới của Luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn vào thực tiễn, để hỗ trợ cho doanh nghiệp, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, từ đó tạo động lực thúc đẩy thị trường chứng khoán Việt Nam phát triển bền vững.
Ủy ban tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát thị trường chứng khoán và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, tái cấu trúc thị trường chứng khoán, hoàn thành các dự án về công nghệ, thông tin để hoạt động của thị trường chứng khoán được thông suốt.
Ông Huỳnh Quang Hải, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, các đơn vị thuộc Bộ Tài chính tiếp tục đồng hành, phối hợp với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trong việc điều hành thị trường hoạt động ổn định, an toàn, hiệu quả. Ông Hải đề nghị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tập trung, nỗ lực tận dụng thời cơ để thực hiện một số mục tiêu nhiệm vụ trọng tâm.
Thứ nhất, Ủy ban tập trung nỗ lực đưa các quy định, chính sách mới của Luật Chứng khoán 2019 và các văn bản hướng dẫn vào thực tiễn, tạo động lực thúc đẩy thị trường chứng khoán Việt Nam phát triển bền vững, thúc đẩy nền kinh tế quốc gia phục hồi và phát triển mạnh mẽ.
Thứ hai, Ủy ban hoàn thành xây dựng và trình Bộ, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành chiến lược phát triển Thị trường Chứng khoán giai đoạn 2021-2030 để định hình mục tiêu, giải pháp về lộ trình phát triển thị trường chứng khoán, thị trường vốn về dài hạn.
Thứ ba, hoàn thành dự án hiện đại hóa công nghệ thông tin KRX phục vụ cho hoạt động giao dịch, thanh toán nhằm triển khai các sản phẩm tài chính mới, đáp ứng nhu cầu phát triển mạnh mẽ của thị trường.
Cuối cùng, Ủy ban tiếp tục tăng cường năng lực giám sát, quản lý và cưỡng chế thực thi của cơ quan quản lý nhà nước đối với thị trường chứng khoán theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế.
http://kinhtetapdoan.vn/thi-truong-chung-khoan-viet-nam-dung-thu-hai-the-gioi-d10742.html