Giá vàng hôm nay 18/7: Động lực chính là gì?
Đóng cửa tuần này, giá vàng thế giới trên sàn giao dịch điện tử Kitco niêm yết ở mức 1.812,2 USD/ounce, sau nhiều phiên tăng liên tiếp, kim loại quý đã giảm mạnh khoảng 17 USD so với phiên giao dịch liền trước. So với cuối tuần trước, giá vàng thế giới hiện tại chỉ cao hơn khoảng 5 USD.
Trước phiên giảm sâu cuối tuần, giá vàng thế giới đã có những phiên giao dịch tích cực trong cả tuần qua.
Cụ thể, từ mức giá thấp nhất 1.750 USD/ounce được ghi nhận vào cuối tháng 6, giá vàng thế giới đã tăng liên tục lên mức 1.834 USD/ounce (ghi nhận vào phiên ngày 15/7).
Trong nước, chốt phiên giao dịch tuần này, Công ty VBĐQ Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 56,75 - 57,52 triệu đồng/lượng, giữ nguyên so với chốt phiên giao dịch gần nhất. Hiện giá vàng SJC đang cao hơn giá vàng thế giới quy đổi khoảng 7 triệu đồng/lượng.
Tại Hà Nội, hệ thống Bảo tín Minh Châu điều chỉnh giá vàng SJC giảm 80.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và 40.000 đồng/lượng ở chiều bán ra, niêm yết tại 56,86 - 57,44 triệu đồng/lượng. Giá vàng 999,9, thương hiệu vàng Rồng Thăng Long cũng điều chỉnh tăng nhẹ, giao dịch tại 51,58 - 52,18 triệu đồng/lượng. Giá vàng trang sức giao dịch tại 50,80 - 51,90 triệu đồng/lượng.
Giá vàng đang giữ trên mức 1.800 USD/ounce, nhưng các nhà phân tích cho hay, có một động lực chính có thể quyết định giá vàng sẽ tăng lên 1.920 USD/ounce hoặc kích hoạt một đợt bán tháo khác xuống mức 1.600 USD vào tuần tới.
Nhà môi giới hàng hóa cao cấp của RJO Futures Daniel Pavilonis bật mí, động lực chính đó là USD.
Ông Pavilonis nói: "Vàng đã phục hồi tích cực trong tuần này, leo lên mức 1.830 USD/ounce mặc dù USD tăng mạnh hơn. Tuy nhiên, xu hướng của đồng bạc xanh trong tuần tới có thể rất quan trọng đối với vàng. Theo đó, đồng USD giảm có thể tiếp thêm sinh lực cho thị trường vàng và giúp kim loại quý tiếp tục đà phục hồi lên 1.920 USD/ounce. Ngược lại, nếu USD giảm, có thể kích hoạt làn sóng bán tháo và kim loại quý có thể xuống mức 1.600 USD".Vị chuyên gia này cho rằng, hiện tại, USD bị mắc kẹt dưới đường xu hướng dài hạn theo USD Index - một chỉ số đo lường giá trị của đồng USD so với rổ tiền tệ khác. Nhưng đồng bạc xanh sẽ phá vỡ xu hướng này.
Thêm vào đó, vàng vẫn rất nhạy cảm với thị trường trái phiếu và có thể bắt đầu chứng kiến một số chuyển động do báo cáo lạm phát.
Ông Pavilonis nhận định: "Nếu dữ liệu vĩ mô của Mỹ tiếp tục duy trì ở mức mạnh, chính sách lãi suất có thể bị thay đổi và vàng sẽ bị ảnh hưởng".
Vị chuyên gia này cũng dự đoán, giá vàng sẽ theo xu hướng tăng và kỳ vọng kim loại quý sẽ tăng cao hơn vào cuối tháng này.
Chuyên gia kim loại quý Everett Millman của Gainesville Coins cho biết, sau khi xây dựng được mức hỗ trợ trên 1.800 USD/ounce trong tuần này, vàng đang đối mặt với ngưỡng kháng cự mạnh ở mức 1.830 USD/ounce.
Chuyên gia Millman khẳng định: "Đường trung bình động 200 ngày là khoảng 1.830 USD. Đây dường như là ngưỡng kháng cự mạnh đối với vàng và đóng vai trò là đỉnh trong ngắn hạn.
Bên cạnh đó, vàng hưởng lợi vì có những động lực khá cân bằng ở cả hai phía. Lạm phát tăng, nhưng các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới cũng có khả năng thắt chặt chính sách tiền tệ hơn một chút. Hai động lực đó đã giúp vàng 'đậu' đúng chỗ".
Ngoài việc theo dõi xu hướng của USD trong tuần tới, dầu cũng vẫn là yếu tố có thể tác động đến giá vàng.
Ông Millman nói thêm: “Giá dầu cao hơn sẽ có nghĩa là lạm phát tăng và điều đó là tích cực cho vàng".
Chiến lược gia hàng hóa cấp cao Mike McGlone của Bloomberg Intelligence thì nhận thấy, tính từ đầu năm 2021 đến thời điểm hiện tại, vàng giảm khoảng 4% và giảm gần 20% so với mức cao kỷ lục được ghi nhận năm 2020. Tuy nhiên, tất cả sự củng cố về giá và môi trường kinh tế vĩ mô hỗ trợ có thể có nghĩa là vàng đã sẵn sàng để phục hồi,
Ông McGlone lưu ý, chính việc tăng nợ so với GDP của Mỹ và việc nới lỏng định lượng liên tục sẽ giúp vàng tăng trở lại mức 2.000 USD/ounce.
"Kim loại dường như đã ở thời điểm chín muồi để tiếp tục đà phục hồi. Thị trường chứng khoán và sự sụt giảm kéo dài của lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ từ mức đỉnh tháng 3 sẽ tiếp thêm nhiên liệu cho kim loại quý.
Chúng tôi thấy, vàng có nhiều khả năng tiếp cận mức 2.000 USD hơn là duy trì dưới mức hỗ trợ 1.700 USD trong nửa cuối năm".
Kết phiên cuối tuần, VN-Index chưa thể trở lại mốc 1.300 điểm
Mở cửa phiên giao dịch cuối tuần, chỉ số VN-Index bật tăng mạnh mẽ nhờ lực đẩy của nhóm vốn hóa lớn. Lúc 9h39, VN-Index tăng 8,26 điểm (0,64%) lên 1.302,18 điểm. Đến giữa phiên giao dịch buổi sáng, đà tăng bị thu hẹp nhưng VN-Index vẫn giữ được mốc 1.300 điểm.
Tạm dừng phiên sáng, VN-Index tăng 5,3 điểm (0,41%) lên 1.299,22 điểm. Thanh khoản vẫn ở mức thấp với gần 381 triệu đơn vị, tương đương giá trị giao dịch toàn thị trường đạt 10.974 tỷ đồng.
Đến phiên giao dịch buổi chiều, trạng thái giằng co tiếp tục được duy trì. Nhóm bất động sản khu công nghiệp bất ngờ nổi sóng khi nhiều mã bứt phá mạnh như GVR, LHG, SIP, KBC.
Kết phiên cuối tuần, VN-Index tăng 5,39 điểm (0,42%) lên 1.299,31 điểm. Toàn sàn HoSE có 199 mã tăng, 178 mã giảm và 45 mã đứng giá.
VN-Index trồi sụt quanh mốc 1.300 điểm. (Ảnh minh họa)
Đáng chú ý, nhóm ngân hàng đánh mất vị thế dẫn dắt trong phiên chiều, sắc đỏ của ngành tác động tiêu cực nhất lên thị trường. Trong khi đó, đà tăng của cổ phiếu bất động sản, dịch vụ tài chính, hóa chất và sản xuất thực phẩm ủng hộ cho sắc xanh của chỉ số.
Tương tự, HNX-Index tăng 1,47 điểm (0,48%) lên 307,76 điểm. Toàn sàn có 90 mã tăng, 93 mã giảm và 185 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 0,35 điểm (0,41%) lên 85,33 điểm.
Mặc dù thanh khoản phiên sáng có phần cải thiện nhưng vẫn giảm nhẹ so với phiên trước. Tổng giá trị giao dịch đạt 18.800 tỷ đồng, trong đó, giao dịch khớp lệnh là hơn 16.500 tỷ đồng (giảm 2,7%), riêng sàn HoSE đạt 13.450 tỷ đồng (giảm 4,6%).
Như vậy, dù có 2 phiên cuối tuần lấy lại sắc xanh nhưng tuần qua, chỉ số VN-Index vẫn "bốc hơi" gần 50 điểm.
Ngân hàng ồ ạt bán ô tô thế chấp, giá từ 200 triệu đến 8 tỷ đồng
Thời gian gần đây, tài sản thế chấp vay vốn tại các ngân hàng là ô tô được mang ra thanh lý tăng mạnh trong bối cảnh do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến hoạt động thương mại - dịch vụ, du lịch, chạy xe gặp khó khăn, khách hàng không đủ khả năng trả nợ.
Theo thông báo mới nhất về bán đấu giá tài sản thế chấp của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), một lô ô tô gồm 25 chiếc đang được VPBank mang ra bán đấu giá.
Ô tô đang được VIB thông báo bán thanh lý
Trong đó, chiếc có giá thấp nhất mang biển số 17D-003... giá khởi điểm 239,798 triệu đồng. Đây cũng là một trong những chiếc có giá mềm nhất trong số các xe ô tô thế chấp đang được các ngân hàng thanh lý.
Còn đắt nhất trong lô xe nói trên là hai chiếc ô tô mang biển số 77A-124… và 77A-124… có giá khởi điểm 7,77 tỷ đồng.
Trước đó, trung tuần tháng 6, VPBank cũng thông báo bán đấu giá một lô gồm 16 chiếc với giá từ 379 triệu đồng đến 1,2 tỷ đồng.
Thời gian gần đây VPBank là ngân hàng tích cực bán đấu giá tài sản thế chấp để xử lý nợ xấu. VPBank cũng được coi là ngân hàng thanh lý nhiều ô tô nhất thời điểm này: Tháng 6 có 3/3 đợt bán đấu giá là 3 lô ô tô, tháng 5 có 4/6 đợt bán đấu giá là 4 lô ô tô…
Tại Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) cũng đang thông báo thanh lý hàng loạt xe ô tô: Huyndai Kona-2020, Toyota Vios E 2019, Mazda 3-2020, Toyota Vios BKS 68A, Ford Transit BKS 83B SX 2018, Ford Ranger 17C, Toyota Fortuner 61A SX 2018… với giá khoảng 280 triệu đồng đến 780 triệu đồng.
Hai tại Ngân hàng TPMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), tài sản bảo đảm cần bán đấu giá là ô tô ít hơn so với bất động sản. Gần nhất, đầu tháng 7, BIDV cũng rao bán một xe ô tô Lexus biển số 30F-264… với giá khởi điểm 2,47 tỷ đồng...
Một nhân viên phụ trách xử lý nợ của tại một ngân hàng cổ phần quy mô tầm trung cho biết, xe thanh lý tại các ngân hàng chủ yếu là các xe nguyên trạng như khi thu hồi từ khách hàng.
Nhân viên này cũng khuyến nghị những ai muốn mua ô tô thanh lý nên tới bãi xe của ngân hàng để tìm hiểu. “Tốt nhất là nên nhờ người am hiểu về ô tô để kiểm tra trước khi trả giá và quyết định mua xe”, nhân viên này nói.
Bộ Xây dựng: Sẽ có nhiều chính sách mới về bất động sản
Chia sẻ Diễn đàn Bất động sản 2021: Động lực mới cho thị trường và Lễ Trao chứng nhận dự án đáng sống 2021 diễn ra chiều 16/7, ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản cũng cho hay, giai đoạn 2021 - 2025 chắc chắn những chính sách, quyết sách mới sẽ có và những chính sách này sẽ tác động đến thị trường bất động sản, vấn đề là thời gian, thời điểm và mức độ tác động như thế nào.
Đánh giá thị trường trong thời gian tới, ông Nguyễn Mạnh Khởi cho rằng, thị trường bất động sản vẫn tiếp tục gặp khó khăn do dịch bệnh, dù bất động sản không phải là ngành chịu ảnh hưởng lớn của đại dịch nhưng sự kéo dài sẽ ảnh hưởng nhiều đến hoạt động đầu tư từ các thị trường khác tác động vào.
Thứ hai, các cơ chế về đất đai vẫn chưa được tháo gỡ kịp thời, dù các hoạt động đầu tư liên quan đến xây dựng đã được tháo gỡ, nên các vấn đề về giao đất, cho thuê đất, bồi thường giải phóng mặt bằng rất khó khăn.
Thứ ba, chính quyền ở nhiều địa phương là những chính quyền mới, đang có những triển khai thực hiện các chính sách mới tại địa phương, nên chưa có chính sách mạnh tác động đến thị trường.
Bộ Xây dựng sẽ có nhiều chính sách mới về bất động sản.
Thứ tư, sự thay đổi của nền kinh tế trong nước và thế giới đã tác động đến thị trường bất động sản và có thể sẽ kéo dài ít nhất là đến hết 2022 mới có tác động lớn, góp phần cho thị trường phát triển thuận lợi.
Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, năm 2021 tình hình thị trường bất động sản có nhiều biến động, đặc biệt là giá đất nền tăng nóng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro cho thị trường bất động sản.
Thứ trưởng Sinh nhấn mạnh, trong thời gian qua, giao dịch bất động sản nhiều, cũng nổi lên các vấn đề: sản phẩm không đủ điều kiện pháp lý, nhiều giao dịch được thực hiện ở đất rừng, đất nông nghiệp… chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng.
Đây là những giao dịch tiềm ẩn nhiều rủi ro. Bộ Xây dựng cũng đề nghị các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực xây dựng nhà ở khi kinh doanh phải đảm bảo đồng bộ hạ tầng, đảm bảo tính pháp lý và kinh doanh đúng pháp luật.
Việt Nam hấp dẫn cộng đồng doanh nghiệp vùng Sicilia, Italy
Đây là nội dung được tập trung thảo luận tại diễn đàn “Quốc tế hóa: Cầu nối giữa Việt Nam và Sicilia”, do Liên đoàn giới chủ Sicilia và Phòng Thương mại công nghiệp Catania phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Italy tổ chức nhân chuyến công tác Sicilia của Đại sứ Việt Nam tại Italy Nguyễn Thị Bích Huệ từ ngày 14-16/7.
Theo phóng viên TTXVN tại Italy, phát biểu tại diễn đàn, ông Alessandro Albanese, Chủ tịch Hiệp hội giới chủ công nghiệp (Confindustria) vùng Sicilia khẳng định cộng đồng doanh nghiệp Sicilia có đủ tiêu chí cần thiết để giữ vai trò tiên phong trong nhiều lĩnh vực như thực phẩm, chế biến, hóa chất và dược phẩm. Thời gian tới, Confindustria Sicilia sẽ tiếp tục phát huy vai trò cầu nối giữa các doanh nghiệp vùng Sicilia tới thị trường Việt Nam thông qua nỗ lực tạo cơ sở hướng tới những thỏa thuận thương mại cụ thể.
Trong khi đó, Đại sứ Nguyễn Thị Bích Huệ nhấn mạnh phạm vi các lĩnh vực hợp tác giữa vùng Sicilia với Việt Nam rất phong phú và hiện có nhiều cơ hội đầu tư, kinh doanh dành cho các doanh nghiệp Sicilia tại Việt Nam. Theo nữ Đại sứ, cơ hội thuận lợi nhất là việc hầu hết các loại thuế quan sẽ từng bước được xóa bỏ nhờ Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA). Bên cạnh đó, Việt Nam còn đóng vai trò là cửa ngõ ưu tiên cho việc tiếp cận và thâm nhập vào toàn bộ khu vực ASEAN, một thị trường đang thể hiện tốc độ tăng trưởng GDP hàng đầu trên thế giới.
Chế biến hải sản xuất khẩu. Ảnh minh họa: TTXVN
Các doanh nghiệp dự Diễn đàn tại Catania cũng như tại Green Expo Catania, sau khi được chia sẻ các thông tin về phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam, đã đặt nhiều câu hỏi liên quan đến các ưu tiên phát triển của Việt Nam, lĩnh vực ưu tiên đầu tư, triển vọng xuất nhập khẩu nông sản, thành phố thông minh, môi trường, năng lượng mới, mối liên hệ giữa doanh nghiệp với sinh viên Việt Nam học tập tại Italy… Chủ tịch Vùng Sicilia cho biết rất ủng hộ Hiệp định bảo hộ Đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA) như động lực thúc đẩy đầu tư giữa Việt Nam và Italy và sẽ kêu gọi đẩy nhanh tiến trình trình phê chuẩn Hiệp định.
Liên quan đến hợp tác song phương giữa Việt Nam và Italy, một số kết quả ấn tượng đạt được thời gian gần đầy cũng được nêu bật trong diễn đàn. Cụ thể, giá trị nhập khẩu và xuất khẩu của Việt Nam với Italy trong 5 tháng đầu năm 2021 đạt 2,29 tỷ USD (tăng 29,3% so với cùng kỳ năm 2020). Một phần quan trọng trong số liệu tổng thể này chính là sự đóng góp của các doanh nghiệp vùng Sicilia.