Giá vàng hôm nay 2/8: Nghịch lý giá vàng
Mặc dù giá vàng đã giảm trong phiên cuối cùng của tháng 7 (30/7), thì kim loại quý này vẫn ghi nhận mức tăng gần 3% trong tháng này nhờ sức hấp dẫn như một “hàng rào” chống lại lạm phát.
Tuy nhiên, dù giá vàng có lúc đã tăng lên ngưỡng kháng cự mạnh 1.830 USD/ounce, thì những biến động mạnh của nó trong tuần qua vẫn cho thấy một nghịch lý trên thị trường - lạm phát tăng mạnh, nhưng đà tăng của giá vàng hoàn toàn không tương xứng.
Giá vàng tuần này khởi đầu bằng mức giá 1.814,2 USD/ounce và tâm lý trên thị trường đã hoàn toàn thay đổi khi các nhà phân tích thị trường đã không bỏ một phiếu giảm giá nào trong Cuộc khảo sát hàng tuần mới nhất của Kitco News - một sự thay đổi rõ rệt về tâm lý giảm giá vững chắc được thấy vào tuần trước.
Cuối tuần trước, giá vàng SJC trong nước chốt phiên giao dịch ngày 30/7, phần lớn giữ ổn định. Các thương hiệu vàng bạc lớn trong nước Vàng bạc Đá quý Sài Gòn, Bảo tín Minh Châu đồng loạt chững lại. Hơn nữa trong giai đoạn dịch Covid-19 đang hoành hành, các giao dịch trực tiếp không được khuyến khích, giá vàng được niêm yết tại nhiều hệ thống gần như không biến động nhiều ngày nay. Riêng Tập đoàn Doji điều chỉnh giảm nhẹ vàng SJC 20.000 đồng/lượng, cho cả chiều mua vào và bán ra.
Thương hiệu VBĐQ Sài Gòn hiện niêm yết tại: 56,70 - 57,40
Thương hiệu Bảo tín Minh Châu niêm yết tại: 56,90 - 57,52. Giá vàng 999,9, thương hiệu vàng Rồng Thăng Long ít biến động, giao dịch tại 51,51 - 52,21 triệu đồng/lượng. Giá vàng trang sức giao dịch tại 50,75 - 51,85 triệu đồng/lượng.
Thương hiệu Doji niêm yết tại: 56,48 - 57,93
Trong báo cáo nghiên cứu về đầu tư vàng cá nhân tại Việt Nam do Hội đồng vàng Thế giới (WGC) công bố mới đây, Trưởng bộ phận ASEAN - WGC Andrew Naylor, nhận xét, Việt Nam là quốc gia đóng vai trò lớn trên thị trường vàng toàn cầu. Năm 2019, nhu cầu tiêu dùng trong nước đạt 56,4 tấn, biến Việt Nam trở thành thị trường tiêu thụ vàng lớn đứng thứ 7 thế giới và đứng đầu tại Đông Nam Á. Kết quả khảo sát hơn 2.000 người Việt Nam cho thấy, 72% đã đầu tư vào vàng trong 12 tháng qua và còn rất nhiều tiềm năng để thị trường phát triển, bởi nhu cầu hiện tại chỉ mới dừng lại ở việc mua bán trang sức, vàng cây, vàng nhẫn.
Theo WGC, quý 2/2021, nhu cầu tiêu dùng vàng Việt Nam đã tăng 85% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 12,6 tấn, trong đó vàng nữ trang là 3,5 tấn, tăng 120% so với cùng kỳ năm ngoái, 9,1 tấn thanh và tiền xu - một loại sản phẩm vàng vật chất được các nhà đầu tư bán lẻ mua áp đảo, tăng 75% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, nếu so với mức tăng của quý 1, nhu cầu tiêu thụ vàng nữ trang quý 2 năm nay giảm 1,6 tấn và vàng thanh, tiền xu giảm 4,4 tấn. Thống kê từ 10 năm trở lại đây tại thị trường Việt Nam, nhu cầu tiêu thụ vàng nữ trang cũng như vàng miếng liên tục giảm. Năm 2020, nhu cầu tiêu thụ vàng có mức sụt giảm mạnh nhất trong vòng 10 năm.
Trong khi đó, thế giới đang đối mặt với vấn đề lạm phát tăng cao, Việt Nam không ngoại lệ; thêm vào đó thị trường chứng khoán quốc tế và Việt Nam sau khi đạt mức tăng kỷ lục có dấu hiệu đảo chiều... Tất cả yếu tố này khiến nhiều người muốn nắm giữ vàng để bảo toàn vốn.
Trong cuộc khảo sát của Kitco, hầu hết nhà phân tích tại phố Wall đều dự đoán giá vàng tuần này có thể tiếp tục tăng.
Tâm lý trên thị trường vàng với các nhà phân tích tại phố Wall đã hoàn toàn thay đổi sau khi Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) nói nền kinh tế nước này "không đạt được tiến bộ đáng kể nào". Đồng thời, Fed cũng khẳng định rằng ngân hàng trung ương có thể thu hẹp chương trình mua trái phiếu trong những tháng tới.
Những thông tin trên đã tác động tích cực đến giá vàng khiến kim loại quý này chốt tuần qua ở mức 1.813,8 USD một ounce - cao nhất gần 6 tuần.
Tại cuộc khảo sát tuần này của Kitco, không một nhà phân tích nào tại phố Wall dự đoán giá vàng những ngày tới sẽ giảm - một sự thay đổi rõ rệt so với tuần trước.
Theo đó, 11 trong số 14 nhà phân tích cho rằng giá vàng đi lên. Chỉ có 3 người dự đoán giá có thể đi ngang trong thời gian tới. Trong khi đó, cuộc khảo sát trực tuyến với 862 người, 70% người được hỏi dự đoán giá vàng tăng, chỉ có 18% đoán giá đi xuống và đi ngang là 12%.
Chứng khoán: Nhiều khả năng duy trì sắc xanh
Tuần giao dịch chứng khoán vừa qua (26 đến 30/7), VN-Index đã tăng trên 41 điểm. Cụ thể, phiên cuối tuần, VN-Index đã đứng ở mức 1.310,05 điểm, tăng tương ứng tăng 41,22 điểm (3,25%) so với phiên cuối tuần trước. HNX-Index cũng tăng 13,08 điểm (4,33%) lên 314,85 điểm. UPCoM-Index tăng 2,56 điểm (3,03%) lên 86,93 điểm.
Trong tuần, thanh khoản có giảm nhẹ so với tuần trước với mức giảm 8,5%, đạt khối lượng khớp lệnh bình quân đạt gần 609 triệu cổ phiếu/phiên, giá trị bình quân giảm 5,1% xuống 18.240 tỉ đồng/phiên.
Điều đáng chú ý là tuần qua nhà đầu tư cá nhân trong nước và tự doanh công ty chứng khoán đã gia tăng mua vào. Cụ thể, khối ngoại đã mua ròng trở lại hơn 652 tỉ đồng trên HOSE. Các công ty chứng khoán cũng mua ròng gần 600 tỷ đồng trong tuần qua. Đây là yếu tố khiến nhà đầu tư cá nhân tích cực hơn để có thể gia tăng giải ngân tuần tới.
Theo đó, dự báo của các công ty chứng khoán tuần tới đều lạc quan.
Công ty cổ phần Chứng khoán MB (MBS) trong phiên cuối tuần qua, thị trường đã tăng điểm thuyết phục cả về điểm số và thanh khoản. Dòng tiền vào mạnh và độ rộng thị trường cũng rất tích cực, đây là phiên thanh khoản đạt mức cao nhất 3 tuần, với tổng giá trị khớp lệnh đạt gần 20.153 tỉ đồng.
Theo MBS thị trường đã bước vào sóng tăng mới nhờ sự hỗ trợ của thanh khoản và sự đồng thuận của các nhóm cổ phiếu lớn, bên cạnh các nhóm cổ phiếu tăng trưởng mạnh quý II/2021 của doanh nghiệp niêm yết.
Vẫn dự báo VN-Index duy trì đà tăng, công ty chứng khoán BIDV (BSC), cho rằng trong phiên cuối tuần qua, chỉ số cũng như dòng tiền đầu tư tiếp tục gia tăng, kèm với khối ngoại cũng mua ròng, kèm với độ rộng thị trường duy trì trạng thái tích cực với thanh khoản gia tăng so với phiên trước nên dự báo VN-Index duy trì nhịp tăng sang tuần sau.
Công ty cổ phần chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) cho rằng dù thị trường có tăng điểm 3 phiên liên tiếp của tuần trước nhưng thanh khoản giảm nhẹ và tiếp tục thấp hơn mức trung bình 20 tuần gần nhất. Điều này cho thấy lực cầu mua lên là chưa thực sự mạnh, nhà đầu tư vẫn đang thận trọng với xu hướng thị trường.
Tuy vậy, vẫn thừa nhận điểm tích cực là việc khối ngoại quay trở lại mua ròng nhẹ nên SHS vẫn cho rằng VN-Index hiện đang tiến vào vùng kháng cự tương ứng với mục tiêu của sóng hồi hiện tại nên dư địa để tiếp tục tăng trong tuần tới có thể không còn nhiều và rung lắc có thể diễn ra thường xuyên hơn.
SHS dự báo tuần giao dịch tiếp theo (từ 2/8 đến 6/8), VN-Index có khả năng sẽ bước vào giai đoạn rung lắc khi mà áp lực chốt gia tăng trong vùng kháng cự 1.300-1.350 điểm.
Một ngân hàng công bố lãi ròng 6 tháng gấp 5 lần cùng kỳ năm ngoái
Mùa báo cáo kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2021 của các doanh nghiệp niêm yết đã gần kết thúc, trong đó hầu hết các ngân hàng thương mại đã công bố cáo tài chính với những con số về doanh thu, lợi nhuận tăng trưởng rất cao.
SHB có mức lợi nhuận trước thuế tăng hơn 86% so với cùng kỳ
Nằm ở nhóm ngân hàng quy mô vừa, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cho biết đã đạt lợi nhuận trước thuế 2.424 tỉ đồng, trong 6 tháng đầu năm, tương đương 60,6% kế hoạch cả năm. Ngân hàng tiếp tục tập trung thu hồi nợ xấu và xử lý tài sản tồn đọng với doanh số 6.612 tỉ đồng. Do đó, tỉ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức 1,54%, giảm nhẹ so với đầu năm.
Mới đây, Sacombank đã bán xong toàn bộ hơn 81,5 triệu cổ phiếu quỹ (tương đương 4,33% vốn điều lệ) theo phương thức khớp lệnh và thỏa thuận cổ phiếu lẻ, thu về hơn 2.438 tỉ đồng, và ghi nhận mức thặng dư vốn 1.684 tỉ đồng cho quý III/2021.
Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank) cũng vừa công bố lợi nhuận trước thuế lũy kế trong 6 tháng đầu năm đạt hơn 1.073 tỉ đồng, tăng gấp 5 lần cùng kỳ, hoàn thành khoảng 70% kế hoạch lợi nhuận được ngân hàng đặt ra từ đầu năm.
Lý giải về mức lợi nhuận tăng mạnh, Nam A Bank cho biết chủ yếu nhờ thu nhập lãi thuần tăng đáng kể trong quý II do ngân hàng đẩy mạnh cho vay khách hàng. Đồng thời, ngân hàng đã giảm lãi suất huy động từ năm 2020 đến nay góp phần làm chi phí lãi và các chi phí tương tự tăng thấp. Các mảng kinh doanh khác của ngân hàng đạt kết quả tích cực.
Một ngân hàng vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2021 với kết quả kinh doanh khả quan khác là Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB). Theo đó, lũy kế 6 tháng đầu năm, SHB đạt 3.095 tỉ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 86,5% so với cùng kỳ, hoàn thành hơn 50% so với kế hoạch cả năm.
Theo SHB, có được kết quả này là do ngân hàng đạt tăng trưởng ở hầu hết chỉ tiêu kinh doanh, đẩy mạnh phát triển các dịch vụ ngân hàng… Dù vậy, tỉ lệ nợ xấu hợp nhất của ngân hàng ở mức 2%, tăng lên so với năm ngoái do tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid 19 tại hai quốc gia Lào và Campuchia, ảnh hưởng đến việc phân loại nợ của hai ngân hàng con của SHB tại các quốc gia này.
Vì vậy, trong 6 tháng đầu năm 2021, SHB tăng cường trích lập dự phòng rủi ro, lên tới 2.258 tỉ đồng, tăng 140% so với cùng kỳ năm 2020, đồng thời đẩy mạnh công tác xử lý nợ Vinashin và trái phiếu VAMC.
SHB cho biết đang đề ra mục tiêu thách thức hơn là có thể xử lý dứt điểm nợ bán cho VAMC và nợ của Vinashin ngay trong năm 2021, thay vì kéo dài qua năm 2022 như kế hoạch trước đó. Nếu hoàn thành mục tiêu này sẽ tạo tiền đề cho sự bùng nổ mạnh mẽ trong kết quả kinh doanh cho các năm tiếp theo.
Ở nhóm ngân hàng tốp đầu, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) cho biết trong 6 tháng đầu năm, các hoạt động kinh doanh cốt lõi của ngân hàng đạt kết quả đáng ghi nhận với lợi nhuận trước thuế riêng lẻ đạt tới 10.805 tỉ đồng. Đến cuối quý II/2021, VietinBank đã được phê duyệt tăng vốn điều lệ từ 37.234 tỉ đồng lên 48.058 tỉ đồng theo phương án phát hành cổ phiếu để chi trả cổ tức từ lợi nhuận còn lại các năm 2017 - 2019, tạo tiền đề nâng cao năng lực tài chính của ngân hàng trong thời gian tới.
Để hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, từ đầu năm 2020 đến 30-6-2021, VietinBank đã hỗ trợ cho vay mới khoảng 590.000 tỉ đồng, hạ lãi suất cho gần 7.500 khách hàng chịu ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh, dư nợ đang được miễn giảm lãi suất là 260.000 tỉ đồng. Tổng số tiền lãi thực đã hạ cho các khách hàng chịu ảnh hưởng từ thời điểm dịch bệnh bùng phát đến nay là gần 4.000 tỉ đồng.
“Điểm sáng” của thị trường bất động sản cũng đang bị dịch bệnh làm suy yếu
Trong hơn 18 tháng xuất hiện đại dịch Covid-19, bất động sản công nghiệp luôn là “điểm sáng” của thị trường, khi dòng vốn đầu tư, nguồn cung, giá trị liên tục tăng đều qua các quý.
Thế nhưng, sau nhiều lần “tỏa sáng”, bất động sản công nghiệp Việt Nam đang phải hứng chịu những tác động mạnh mẽ từ đại dịch, khiến phân khúc này bất ngờ suy yếu.
Sau nhiều lần “tỏa sáng”, bất động sản công nghiệp Việt Nam đang phải hứng chịu những tác động mạnh mẽ từ đại dịch, khiến phân khúc này bất ngờ suy yếu.
Theo Viện Kinh tế xây dựng, Bộ Xây dựng: Trước khi bùng phát làn sóng Covid-19 lần thứ 4, Việt Nam được đánh giá là một trong những nước kiểm soát dịch bệnh tốt, phân khúc bất động sản công nghiệp theo đó trở thành tầm ngắm của nhiều nhà đầu tư ngoại.
Tuy nhiên, thời gian gần đây có hiện tượng làm chậm lại tình hình này, đó là một số khu công nghiệp có số ca lây nhiễm rất lớn đã tác động đến tâm lý của các nhà đầu tư bất động sản công nghiệp nói riêng và thị trường nói chung.
Đồng tình với nhận định này, ông Nguyễn Xuân Lộc, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc MSH Group cho rằng: Trong thời gian trước, lĩnh vực này được hưởng lợi từ làn sóng chuyển dịch công nghiệp sang Việt Nam nhưng thời gian gần đây đang bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 khiến cho sự phát triển của khu đô thị gắn liền với khu công nghiệp ngưng trệ, lượng giao dịch sụt giảm, có địa phương giảm tới 40%.
Theo MSG Group, một trong những phân khúc tiềm năng mà hiện đang gặp nhiều khó khăn chính là bất động sản khu công nghiệp.
“Rất mong Nhà nước hỗ trợ để các khu công nghiệp khống chế được dịch Covid-19. Chỉ khi các khu công nghiệp phát triển thì đô thị đi liền mới phát triển”, ông Lộc nói.
Trong khi đó, TS Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế tiết lộ: Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang gấp rút chỉnh sửa Nghị định về khu công nghiệp, nhìn trong chính sách đối với khu công nghiệp. Chỉnh sửa lần này sẽ khá toàn diện, nhất là về vai trò của các chủ đầu tư, về quy hoạch tại các địa phương và khu công nghiệp gắn liền với khu đô cũng như liên quan đến phân cấp giữa trung ương, địa phương.
“Nếu Nghị định này được thông qua sẽ là điểm sáng thu hút đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài có chất lượng”, TS Võ Trí Thành cho biết.
Không chỉ bất động sản công nghiệp, tất cả các phân khúc bất động sản tại Việt Nam đều đang rơi vào “vùng trũng” do các tác động của đại dịch Covid-19.
Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Tổng giám đốc Đại Phúc Land cho hay hầu như đến thời điểm này, các doanh nghiệp bất động sản TP.HCM đã phải đóng cửa văn phòng, doanh nghiệp ở tất cả các nhóm đều khó khăn.
Các chủ đầu tư thường có kế hoạch hoạch định dài hơi nên cũng có nguồn lực dự phòng cho đầu tư phát triển dự án, nhưng đấy là với điều kiện bình thường vẫn có nguồn thu, hiện tại không có nguồn thu mà dùng nguồn lực dự phòng để đầu tư.
Cần một tầm nhìn mới về nông nghiệp đô thị
Quá trình đô thị hóa mạnh mẽ đã và đang đặt ra nhiều vấn đề mới với thành phố Hà Nội. Xây dựng nền nông nghiệp đô thị phù hợp với điều kiện đất đai, thị trường và yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới của Thủ đô có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, nhằm tạo động lực nội tại hướng đến sự phát triển bền vững. Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh, cần một tầm nhìn mới về nông nghiệp đô thị Hà Nội...
Quá trình đô thị hóa của Hà Nội nói riêng cũng như các thành phố lớn ở Việt Nam nói chung đang diễn ra trên diện rộng, các yếu tố kinh tế đô thị có vai trò động lực cho đô thị hóa phát triển chưa tương xứng. Nói cách khác, chúng ta đang phát triển đô thị theo chiều rộng mà chưa chú trọng vào chiều sâu. Do vậy, phát triển các loại hình kinh tế đô thị nói chung, nông nghiệp đô thị nói riêng có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Đây thật sự là một động lực nội tại thúc đẩy sự phát triển bền vững của thành phố.
Với việc phát triển nông nghiệp đô thị, Hà Nội không chỉ giải quyết được bài toán đưa công nghệ mới, công nghệ cao vào sản xuất, gia tăng sản lượng, chất lượng sản phẩm cây trồng, vật nuôi trong bối cảnh quỹ đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp mà còn có thể phát triển các mô hình nông nghiệp chuyên biệt để cung ứng dịch vụ cho đô thị như: Cây xanh, thực phẩm an toàn cho khách sạn, dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng…
Nông nghiệp đô thị có chức năng môi trường, điều hòa không khí, do vậy phải phát triển nông nghiệp hữu cơ - tuần hoàn; nông nghiệp tạo ra hệ thống cảnh quan như hệ thống cây xanh, công viên, các vành đai xanh ven đô, ao hồ điều hòa… Những sản phẩm nông nghiệp đô thị này không chỉ làm mới không gian đô thị mà còn góp phần cải thiện môi trường sống cho cộng đồng cư dân, thúc đẩy phát triển “đô thị sinh thái”, “đô thị xanh”… Đây là xu hướng phát triển tất yếu và cũng là mục tiêu mà thành phố hướng tới.
Nông nghiệp đô thị không chỉ bảo đảm lương thực, thực phẩm cho người dân Thủ đô trong bối cảnh đô thị hóa dưới tác động của biến đổi khí hậu mà còn tham gia giải quyết nhiều vấn đề trong tiến trình đô thị hóa. Mặt khác, đây chính là nguồn lực nội tại, là động lực và cũng là hướng phát triển tất yếu của nông nghiệp Hà Nội.
Có thể nói, Hà Nội đã có một nền nông nghiệp đô thị từ khá sớm, phục vụ nhu cầu của người Kẻ Chợ - Kinh kỳ. Cùng với tiến trình phát triển của Thủ đô, nhiều sản phẩm, nhiều làng nghề được hình thành. Những không gian làng nghề như một phần tất yếu của Thăng Long - Xứ Đoài và cùng những mô hình nông nghiệp công nghệ cao đang mở ra hướng phát triển mới của nông nghiệp Thủ đô, gắn nông nghiệp với du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm.
Mặt khác, không chỉ là một thị trường lớn với hơn 10 triệu dân, Hà Nội còn là chỗ “đứng chân” của nhiều cơ quan nghiên cứu về nông nghiệp nên có lợi thế trong việc thu hút nguồn lực “chất xám” và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Bên cạnh đó, Hà Nội có nhiều doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực chăn nuôi, chế biến nông sản, hệ thống chợ đầu mối, siêu thị, cửa hàng tiện ích... nên rất thuận lợi trong việc tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, vừa là nơi trung chuyển hàng hóa sản phẩm nông nghiệp ra cả nước và xuất khẩu.
Tựu trung, Hà Nội là địa bàn vừa sản xuất, vừa là thị trường tiêu thụ lớn và có rất nhiều lợi thế để phát triển, làm phong phú cho nông nghiệp đô thị.