Điều đó có được một phần nhờ vào con số từ các doanh nghiệp được khảo sát cho thấy 65% trong đó xác nhận có triển khai kinh doanh trên mạng xã hội.
Và cũng chính bán hàng trên mạng xã hội được đánh giá mang lại hiệu quả cao nhất, vượt qua các hình thức khác như website hay ứng dụng của doanh nghiệp cũng như sàn thương mại điện tử.
Dù được đánh giá không cao bằng mạng xã hội, nhưng không thể phủ nhận đóng góp lớn của các sàn thương mại điện tử trong tăng trưởng chung của thương mại điện tử Việt Nam khi theo VECOM, 23% doanh nghiệp đang kinh doanh tại đây;
Và theo Công ty Cổ phần Khoa học Dữ liệu Metric, tổng doanh số của bốn sàn thương mại điện tử hàng đầu cùng với Tiktok Shop, một nền tảng mới hoạt động từ 2022 nhưng đang vươn lên lớn thứ ba tại Việt Nam, lên tới 141.000 tỷ đồng (khoảng 6 tỷ USD).
Sau nữa, dù được doanh nghiệp đánh giá cao mạng xã hội và sàn thương mại điện tử hơn nhưng website cùng ứng dụng di động vẫn có ý nghĩa trong kinh doanh lâu dài và nâng tầm thương hiệu.
Đặc biệt đối với các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu, khi cứ hai doanh nghiệp có website thì một doanh nghiệp cho rằng website mang lại hiệu quả cao hơn.
Số liệu trong năm 2022 đồng thời cho thấy tỉ lệ phát triển website đáp ứng phiên bản di động lên tới 22%. Tỷ lệ tích hợp các tính năng tương tác trực tuyến với khách hàng trên website đạt 78%, tương đương cứ hai website doanh nghiệp được khảo sát thì có một sử dụng chatbot tự động để phục vụ khách hàng.
Tuy mức độ quan tâm và chất lượng website tăng lên nhưng đối với doanh nghiệp mới thành lập và hộ kinh doanh cá thể thì sàn thương mại điện tử hay mạng xã hội được coi là ưu tiên lớn hơn.
Bởi thực tế việc duy trì và phát triển website không đơn giản, cần một nguồn lực lớn hơn để biến chuyển chức năng giới thiệu doanh nghiệp, sản phẩm, thương hiệu sang tích hợp đầy đủ các chức năng bán hàng, thanh toán, giao hàng… như các sản thương mại điện tử.
Bên cạnh website, tỷ lệ doanh nghiệp xây dựng ứng dụng di động phục vụ kinh doanh cũng tăng đều qua các năm và trong số ba ứng dụng di động thì có hai ứng dụng hỗ trợ đầy đủ hoạt động mua sắm của khách hàng.
Cũng liên quan tới phát triển website, gần 50.000 website thương mại điện tử được VECOM khảo sát trong quý một năm 2023 cho thấy tỷ lệ sử dụng tên miền quốc gia “.vn” và quốc tế ‘.com” tương ứng là 56% và 38%; Các tên miền khác là 6%.
Đồng nghĩa với điều đó, tên miền quốc gia “.vn” ngày càng đóng vai trò quan trọng, là tài nguyên đối với hoạt động kinh doanh trực tuyến của doanh nghiệp.
Một vấn đề khác là năm 2022 tới hết quý I/2023 cũng là thời gian số lượng doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động hoặc giải thể rất cao. Tác động không nhỏ tới tỷ lệ tăng trưởng của tên miền quốc gia “.vn” khi tỉ lệ doanh nghiệp có website gần như không thay đổi, ở mức 42%, xấp xỉ tỉ lệ của ba năm trước đó.
Để có thể phát triển thương mại điện tử bền vững, VECOM cho rằng chính khoảng cách chênh lệch rất lớn của thương mại điện tử giữa Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh với 61 tỉnh thành còn lại đang gây ra tác động không tốt cho sự phát triển bền vững chung, và điều này cần phải có chính sách để thu hẹp khoảng cách trên.
Trong đó, Hiệp hội triển khai nhiều hoạt động nhằm hỗ trợ các địa phương triển khai thương mại điện tử một cách chủ động hơn, bao gồm các khóa tập huấn kỹ năng kinh doanh trực tuyến cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hộ kinh doanh.
Song song với những hoạt động nhằm thu hẹp khoảng cách số, VECOM đồng thời thể hiện sự quan tâm tới những tác động tiêu cực của thương mại điện tử tới môi trường hay việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong quá trình thúc đẩy thương mại điện tử phát triển bền vững.
Theo đó, các hoạt động đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho thương mại điện tử và kinh tế số được VECOM chọn làm nòng cốt cho hoạt động này.
Mục tiêu này được VECOM chủ động phối hợp với một số trường đại học nhằm triển khai giải pháp liên quan tới đào tạo nguồn nhân lực với trọng tâm là triển khai thí điểm chương trình “Học từ làm việc thực tế”; đào tạo trực tuyến một số môn học; cấp chứng chỉ của VECOM cho những sinh viên đạt yêu cầu và được các trường công nhận, cho phép chuyển đổi sang tín chỉ của học phần tương ứng.
Và cuối cùng, theo nhận định chung của VECOM cũng như Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC), doanh nghiệp muốn chuyển đổi số thành công cần xây dựng website nhằm hiện diện trên môi trường trực tuyến, tạo niềm tin cho khách hàng, chủ động quản lý nội dung, trực tiếp nhận phản hồi từ khách hàng, tạo hệ sinh thái kinh doanh với các đối tác và các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán, logistics, tiếp thị số…