Ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương
Ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương đã có buổi chia sẻ về vấn đề này. Xin giới thiệu cùng bạn đọc.
+ Xin ông cho biết, hiện nay tình hình và tiến độ thực hiện việc xây dựng Dự thảo Chiến lược phát triển công nghiệp Dệt May và Da Giầy từ năm 2021 đến năm 2030, tầm nhìn từ 2030 – 2035 đang diễn ra như thế nào?
Ông Phạm Tuấn Anh: Thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01 tháng 01 năm 2021 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách năm 2021, Bộ Công Thương (Cục Công nghiệp chủ trì) phối hợp với các đơn vị liên quan trong đó có Viện Chiến lược Chính sách Công Thương, Hiệp hội Dệt May Việt Nam, Hiệp hội Da Giày và Túi xách Việt Nam đang xây dựng Chiến lược phát triển ngành Dệt may và Da giày Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035.
Sau khi tổng hợp giải trình tiếp thu ý kiến góp ý của các Bộ, ngành, địa phương, Bộ Công Thương đã chỉnh sửa dự thảo, hoàn thiện Báo cáo đánh giá tác động Chiến lược, gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, thẩm định.
Sau khi có ý kiến thẩm định của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương sẽ hoàn thiện Chiến lược, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Chiến lược trong năm 2021.
+ Nhiều chuyên gia trong ngành cho rằng, Quy hoạch tổng thể ngành công nghiệp Dệt May và Da Giầy cần dựa trên 3 trụ cốt cốt yếu gồm: Cơ sở hạ tầng các khu công nghiệp chuyên ngành cho Dệt May và Da Giầy; Các cơ chế chính sách tài chính kêu gọi đầu tư; Lộ trình đào tạo và hỗ trợ đào tạo nhân sự… Ðây là những vấn đề tự thân DN Dệt May không thể tự làm được, mà rất cần sự vào cuộc quyết liệt của Nhà nước và các bộ, ngành chức năng trung ương và địa phương. Vậy ông có thể cho biết thêm ý kiến về vấn đề này?
Ông Phạm Tuấn Anh: Dệt May và Da Giày là hai trong số những ngành có kim ngạch xuất khẩu lớn, tạo công ăn việc làm cho hơn 3,4 triệu lao động.
Năm 2019, tổng kim ngạch xuất khẩu của hai ngành này đạt trên 60 tỷ USD. Năm 2020, do ảnh hưởng của của dịch Covid 19, tổng kim ngạch xuất khẩu của hai ngành cũng đạt trên 55 tỷ USD.
Tuy nhiên Việt Nam vẫn chưa tự chủ được nguồn cung nguyên phụ liệu dệt may, da giầy, phải nhập khẩu nhiều, đặc biệt là vải.
Dự thảo Chiến lược phát triển ngành Dệt may và Da giày Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035 định hướng: Thúc đẩy đầu tư sản xuất nguyên, phụ liệu ngành dệt may, da giầy, đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ của các FTA thế hệ mới, cũng như đẩy mạnh quá trình nội địa hóa;
Đẩy mạnh chuyển từ gia công sản xuất sang các hình thức đòi hỏi năng lực cao hơn về quản lý chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị, thiết kế và xây dựng thương hiệu trên cơ sở công nghệ phù hợp đến hiện đại gắn với hệ thống quản lý chất lượng, quản lý lao động và bảo vệ môi trường theo chuẩn mực quốc tế.
Cụ thể định hướng xây dựng một số khu công nghiệp chuyên ngành dệt may lớn (bao gồm chuỗi sợi-dệt-nhuộm, hoàn tất vải);
Ưu tiên dự án có công suất lớn từ nhà đầu tư có uy tín sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, có quy trình sản xuất đồng bộ, khép kín và đảm bảo tuân thủ các quy định về môi trường.
Các khu công nghiệp chuyên ngành dệt may, da giày này được định hướng tại một số địa phương phù hợp ở 3 khu vực phía Bắc, Trung, Nam trên cơ sở phân tích tiềm năng, thế mạnh và sự thống nhất của địa phương.
Để thực hiện theo những định hướng nêu trên, giải pháp đặt ra là: Hoàn chỉnh hệ thống luật, cơ chế chính sách liên quan đến đầu tư theo hướng thông thoáng, hấp dẫn nhưng vẫn đảm bảo chặt chẽ và phù hợp với thông lệ quốc tế;
Xây dựng chính sách thu hút và khuyến khích đầu tư các dự án dệt-nhuộm-hoàn tất (ngành dệt may) và bảo quản da nguyên liệu-thuộc da (ngành da giầy) có quy mô lớn, công nghệ hiện đại, đáp ứng các tiêu chuẩn về môi trường;
Có chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho doanh nghiệp ngành dệt may, da giầy di dời vào các khu, cụm công nghiệp như: miễn thuế, giảm giá thuê đất, thuê hạ tầng cơ sở, hỗ trợ tuyển dụng lao động trên cơ sở tuân thủ các quy định pháp luật và các quy định về trợ cấp trong khuôn khổ WTO và các FTA mà Việt Nam là thành viên;
Xây dựng kế hoạch và tổ chức các hội nghị xúc tiến, kêu gọi đầu tư vào công đoạn có giá trị gia tăng cao, tác động đến chất lượng tăng trưởng của ngành dệt may, da giầy; Thúc đẩy thu hút các dự án đầu tư sản xuất các nguyên liệu mới có nguồn gốc tự nhiên, thân thiện môi trường.
Về phần mình, các địa phương cần nghiên cứu, đề xuất, xây dựng cơ chế hỗ trợ kinh phí cho công tác xử lý chất thải ngành dệt may và da giày trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp chuyên ngành đã được quy hoạch.
Chất lượng nguồn nhân lực cũng là yếu tố quan trọng, góp phần vào quá trình phát triển ngành dệt may da giầy.
Dự thảo Chiến lược Dệt May, Da Giày đề ra lộ trình: triển khai nghiên cứu, dự báo nhu cầu lao động trong ngành công nghiệp nói chung và dệt may, da giầy nói riêng nhằm định hướng tuyển sinh và đăng ký ngành nghề đào tạo cho các cơ sở đào tạo; tăng cường phổ biến thông tin về nhu cầu lao động trong ngành dệt may da giầy đặc biệt trước các kỳ tuyển sinh;
Chú trọng phát triển nguồn nhân lực cho các kỹ năng mới cần thiết đối với ngành dệt may, da giầy như các kỹ năng về thiết kế, phát triển sản phẩm, và các kỹ năng mới trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0;
tăng cường phát triển liên kết giữa các cơ sở đào tạo trong nước với nước ngoài, giữa các cơ sở đào tạo với các doanh nghiệp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp;
Nâng cao năng lực hoạch định chính sách về tuân thủ, thanh kiểm tra lao động trong ngành dệt may và da giầy, phối hợp với các tổ chức người sử dụng lao động và người lao động, nhằm đảm bảo điều kiện làm việc an toàn lành mạnh, thúc đẩy quan hệ lao động hài hòa, ổn định và phát triển.
+ Với vai trò là một đơn vị có chức năng nhiệm vụ tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Công Thương quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật đối với lĩnh vực công nghiệp. Ông có thể chia sẻ thông tin về nội dung công việc triển khai cụ thể để hỗ trợ cùng Hiệp hội Dệt May và Da Giầy trong việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng Chiến lược phát triển ngành công nghiệp Dệt May và Da Giầy từ năm 2021 đến năm 2030, tầm nhìn từ 2030 – 2035?
Ông Phạm Tuấn Anh: Như đã trả lời ở trên, Cục Công nghiệp được Lãnh đạo Bộ Công Thương giao chủ trì xây dựng Chiến lược phát triển ngành Dệt may và Da giày Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035.
Cục đang phối hợp chặt chẽ với đơn vị liên quan trong đó có Viện Chiến lược Chính sách Công Thương, Hiệp hội Dệt May Việt Nam, Hiệp hội Da Giày và Túi xách Việt Nam và sẽ đẩy nhanh tiến độ nhằm hoàn thiện dự thảo Chiến lược, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Chiến lược trong năm 2021.
https://thuonggiathitruong.vn/ba-tru-cot-nganh-det-may-va-da-giay/