Sản phẩm thủ công mỹ nghệ tại làng nghề mây tre đan Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ).
Huyện Chương Mỹ được biết đến là mảnh đất trăm nghề với các nghề thủ công truyền thống như: mây tre đan, mộc, thêu ren, nón lá…Hiện nay, toàn huyện có 175/206 làng có nghề; trong đó có 36 làng nghề được UBND thành phố công nhận là làng nghề truyền thống. Để khai thác tiềm năng, thế mạnh của các nghề truyền thống của địa phương, những năm qua cấp ủy, chính quyền, nhân dân trong huyện luôn coi trọng việc phát triển tiểu thủ công nghiệp, phát triển làng nghề là nhiệm vụ trọng tâm trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Không còn là những tạo hình đơn giản, thô sơ, các sản phẩm TCMN của làng nghề Chương Mỹ ngày càng được quan tâm hơn về các vấn đề liên quan đến môi trường và xã hội. Trong đó đặc biệt là các vấn đề liên quan đến nguồn gốc và tính hợp pháp của nguyên liệu sử dụng, các vấn đề liên quan đến an toàn và sức khỏe, sản xuất sạch - thân thiện với môi trường… Điều này khiến dư địa phát triển cho ngành hàng này hiện nay là rất lớn. Do đó, để nắm bắt cơ hội thị trường, các cơ sở, doanh nghiệp làng nghề cần trang bị những nền tảng cơ bản theo yêu cầu thị trường, trong đó có truy xuất nguồn gốc.
Trong bối cảnh của dịch COVID-19, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng TCMN những năm qua luôn trong nhóm 10 mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và ngành thủ công mỹ nghệ có vai trò quan trọng trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn, là ngành nghề thu hút nhiều lao động tham gia làm hàng xuất khẩu, góp phần bảo đảm an sinh xã hội khu vực nông thôn.
Ngành TCMN tạo việc làm và thu nhập ổn định, góp phần bảo đảm an sinh xã hội khu vực nông thôn.
Ông Lưu Duy Dần - Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam - nhận định, Việt Nam có tiềm năng xuất khẩu hàng TCMN và nông sản, có những sản phẩm tốt và những nhà sản xuất có trách nhiệm, nhất là những cơ hội lớn đang được mở ra từ các Hiệp định Thương mại tự do như EVFTA đối với ngành TCMN hiện nay.
Theo thống kê của Hiệp hội Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam, cứ 1 triệu USD xuất khẩu của ngành thủ công mỹ nghệ mang lại lợi nhuận gấp 5-10 lần so với ngành khai thác; giải quyết việc làm từ 3 đến 5 ngàn lao động, nhóm hàng thủ công mỹ nghệ được xếp vào nhóm sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu lớn và có tỉ suất lợi nhuận cao. Ngoài ra, kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng này mang lại giá trị gia tăng lớn và được coi là ngành hàng mũi nhọn để tập trung phát triển xuất khẩu trong các năm tới.
Thợ thủ công công ty SX Bảo Minh (Đông Phương Yên, Chương Mỹ) đang hăng say sản xuất.
Thêm vào đó, người tiêu dùng cũng ngày càng quan tâm hơn về các vấn đề liên quan đến môi trường và xã hội, trong đó đặc biệt là các vấn đề liên quan đến nguồn gốc và tính hợp pháp của nguyên liệu sử dụng, các vấn đề liên quan đến an toàn và sức khỏe, sản xuất sạch - thân thiện với môi trường… Các sản phẩm TCMN sử dụng nguyên liệu tận dụng và tái chế và kênh thị trường thương mại bình đẳng dự báo sẽ ngày càng được phát triển. Những điều này là lợi thế nhưng cũng là những thách thức lớn đối với các làng nghề truyền thống của Việt Nam hiện nay khi hiện trạng sản xuất các làng nghề còn chưa tập trung, manh mún, nhỏ lẻ.
Khách hàng đang lựa chọn sản phẩm mây tre đan.
Những năm qua, để thúc đẩy phát triển ngành TCMN, huyện Chương Mỹ đã kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trên địa bàn nắm bắt thông tin, tiếp cận các nguồn vốn tín dụng, các chính sách vay vốn ưu đãi, các khoản hỗ trợ. Đồng thời, đẩy mạnh các chương trình đào tạo nhân lực có tay nghề cao, hỗ trợ phối hợp đào tạo nghề cho các doanh nghiệp. Cùng với đó, công tác khuyến công, đào tạo nghề, kết nối cung cầu lao động luôn được huyện quan tâm. Trong năm qua huyện đã tổ chức được 188 lớp, đào tạo cho 6.080 lao động, tỷ lệ lao động có việc làm qua đào tạo đạt 59% với các ngành nghề như: Mây tre đan, may công nghiệp, thêu ren, mộc mỹ nghệ, mộc dân dụng... góp phần giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động nông thôn lúc nông nhàn. Đặc biệt, là góp phần gìn giữ và phát huy giá trị của các làng nghề truyền thống ở địa phương.
Các làng nghề truyền thống đã tạo việc làm cho hàng vạn lao động thường xuyên và hàng nghìn lao động những lúc nông nhàn. Việc phát triển các làng TCMN đã góp phần vào việc duy trì và phát triển số làng nghề; gia tăng giá trị cho nguồn nguyên liệu sẵn có, góp phần nâng cao giá trị thu nhập cho người lao động và thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện theo hướng tăng giá trị công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và thương mại dịch vụ.
https://hoanhap.vn/chi-tiet/chuong-my-dua-thu-cong-my-nghe-viet-vuon-tam-the-gioi1643172655.html