Toàn cảnh Hội nghị tổng kết ngành Dệt may Việt Nam 2021 diễn ra trực tiếp và trực tuyến tại đại diện khu vực Bắc, Trung, Nam.
Báo cáo của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch, đặc biệt trong quý 3 nhưng xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam đã vượt lên khó khăn, lấy lại đà tăng trưởng trong quý 4, ước đạt 39 tỷ USD, tăng gần 12% so với cùng kỳ.
Tiếp tục nằm trong Top 10 quốc gia xuất khẩu hàng dệt trên thế giới năm 2020. Đây được xem là một nỗ lực lớn của ngành dệt may Việt Nam, sẵn sàng cho bối cảnh “bình thường mới”.
Năm 2021, VITAS đặc biệt triển khai các công tác vận động chính sách, kiến nghị hỗ trợ doanh nghiệp bị tác động bởi đại dịch, báo cáo, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch nước về các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh; Tham vấn chính sách thuế – hải quan; Tham vấn chính sách tiền lương – bảo hiểm.
Xúc tiến thương mại hợp tác quốc tế, phối hợp tổ chức các Hội thảo chuyên đề. Tích cực thông tin truyền thông. Duy trì phát triển bền vững, phát triển hội viên.
Trình bày tại Hội nghị Tổng kết năm 2021 của VITAS diễn ra ngày 17/12, ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam đánh giá, năm 2022 dự báo tình hình quốc tế, trong nước có những thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen: Tăng trưởng kinh tế thế giới không đồng đều; Trong nước, tuy năng lực ứng phó dịch bệnh được nâng lên nhưng sức chống chịu và nguồn lực của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân giảm sút.
“Nguy cơ chậm phục hồi kinh tế, suy giảm tăng trưởng vẫn còn tiềm ẩn nếu Việt Nam không kiểm soát được dịch bệnh một cách cơ bản để mở cửa trở lại nền kinh tế; rủi ro lạm phát gia tăng; thiên tai, biến đổi khí hậu là nguy cơ luôn tiềm ẩn đối với ngành dệt may”, ông Cẩm chia sẻ thêm.
Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch hội đồng quản trị Vinatex cho rằng trước việc Chính phủ đang đặt ra mục tiêu tái cơ cấu nguồn lực nền kinh tế, tạo động lực phát triển mới sau COVID-19.
Mục tiêu 2025, GDP đầu người 5000 USD, đến năm 2030 là 7500 USD/người. Doanh nghiệp cần tiếp cận các cơ quan quản lý nhà nước, xây dựng mô hình mới, lấy toàn dụng lao động quốc gia là giải pháp tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế.
Bắt buộc phải tranh thủ tài nguyên lao động trước nguy cơ già hoá từ sau năm 2035. Ông Trường cũng nhận định một khó khăn khác của doanh nghiệp dệt may là thiếu nguồn lực cán bộ quản lý chất lượng cao. Cần hạn chế phân tán đơn vị một cách rời rạc, để không ảnh hưởng giới hạn chuyển đổi số, tự động hoá.
Đồng quan điểm, ông Phan Minh Chính, Chủ tịch kiêm TGĐ Công ty Thể thao Giao Thuỷ khẳng định mỗi thành viên VITAS có sứ mệnh định vị hình ảnh ngành dệt may trong chính sách của Đảng, tiếp cận Chính Phủ, có được những chính sách cụ thể để cùng vươn lên.
Định vị giá trị trong lòng nhân dân, khẳng định ngành dệt may mang lại cuộc sống cho 2 – 3 triệu người lao động, biến họ thành những lao động cống hiến mang lại giá trị tích cực cho xã hội. Cần tạo ra một liên kết chuỗi, cao hơn là một thế hệ kết nối để tạo ra sức mạnh thật sự cho ngành.
Thống nhất Nghị quyết 128/CP-NQ từ Trung ương đến địa phương, VITAS xây dựng mục tiêu cho năm 2022 theo 3 kịch bản: Kịch bản tích cực nhất phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu 42,5 – 43,5 tỷ đô la Mỹ, nếu tình hình dịch được kiểm soát cơ bản vào quý I/2022; Kịch bản trung bình đạt 40 – 41 tỷ đô la Mỹ, nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát giữa năm; Kịch bản thấp nhất đạt 38 – 39 tỷ đô la Mỹ, trường hợp dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, kéo dài đến cuối năm 2022.
Theo kịch bản này, nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương, Trưởng ban Cố vấn VITAS Bùi Xuân Khu cho rằng: Những nỗ lực mà ngành Dệt May Việt Nam đạt được trong 2 năm qua khi dịch bệnh bùng phát, đặc biệt là năm 2021 đã khẳng định được vị thế của ngành, đem về những kết quả rất đáng tự hào.
Sang năm 2022, chúng ta cần tận dụng các thế mạnh có sẵn, tiếp tục duy trì những chính sách khắc phục thuế, trợ cấp và bảo hiểm cho người lao động. Đồng thời khẳng định Hiệp hội Dệt may cần đẩy mạnh nhiệt huyết, đặt lợi ích doanh nghiệp lên trên hết.
Dùng tiếng nói của mình vận động các doanh nghiệp đầu tư FDI cùng tháo gỡ khó khăn, phối hợp hợp tác nguồn lực, tiên phong đem những công nghệ mới về môi trường áp dụng tại Việt Nam.
Năm 2022, phải lấy kịch bản cao nhất làm mục tiêu phấn đấu, sống chung với dịch an toàn, thúc đẩy phát triển kinh tế ngày một tăng, năm mới phải vượt bậc hơn năm cũ.
Cũng trong phiên họp, ông Trương Văn Cẩm kiến nghị Nhà nước tiếp tục triển khai chiến lược vacxin, là giải pháp căn cơ để các doanh nghiệp phục hồi và phát triển trong điều kiện “bình thường mới”.
Đưa quy định tiêm đủ 2 liều làm điều kiện để tham gia các hoạt động sản xuất kinh doanh. Tiêm mũi thứ 3 người lao động. Cần mở rộng chính sách tài khoá và tiền tệ hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển.
Sửa đổi các quy định còn bất cập giảm gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp, bỏ hạn chế thời gian làm thêm theo tháng, nâng thời gian làm thêm một năm lên 400 giờ.
Ngành Dệt may mong muốn Chính phủ sớm phê duyệt “Chiến lược phát triển ngành Dệt may & Da giày Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035”, để ngành có thể tự túc nguyên phụ liệu, đáp ứng quy tắc xuất xứ của các hiệp định thương mại tự do (FTA), ứng dụng công nghệ 4.0 để hiện đại hoá sản xuất, chuyển đổi số, xây dựng thương hiệu hiệu quả.
Nhìn chung để phát triển bền vững, các doanh nghiệp Việt Nam phải xây dựng tầm nhìn mới, có khát vọng khẳng định vị thế của mình.
Ngành Dệt may Việt Nam không cạnh tranh lao động giá rẻ mà cạnh tranh về chất lượng, công nghệ mới, năng suất, thời gian giao hàng, minh bạch, tiết giảm tối đa năng lượng, tài nguyên, môi trường.
Trong bối cảnh hội nhập toàn cầu, các doanh nghiệp phải đẩy mạnh liên kết chuỗi, đây vừa là cơ hội phát huy thế mạnh riêng, cũng là cơ hội tận dụng thế mạnh tập thể.
Các tổ chức quốc tế, nhãn hàng, cố vấn ngành cũng đưa ra khuyến cáo, doanh nghiệp dệt may Việt Nam muốn giữ vững thị trường xuất khẩu và mở rộng sản xuất phải phát triển theo hướng bền vững.
Trước mắt, đầu tư đổi mới có thể khó khăn, nhưng về lâu dài uy tín, thương hiệu doanh nghiệp sẽ ngày càng tốt hơn, có thể nhận được sự hỗ trợ từ các nhà đầu tư mới đến từ trong nước và quốc tế.
https://thuonggiathitruong.vn/det-may-viet-nam-huong-den-kich-ban-xuat-khau-cao-nhat-vao-nam-2022/