Hà Nội và TP Hồ Chí Minh vẫn dẫn đầu về phát triển thương mại điện tử
Theo Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, các chỉ số được dùng để đánh giá sự phát triển thương mại điện tử địa phương như hạ tầng, nhân lực, các giao dịch doanh nghiệp với doanh nghiệp, (B2B) hay doanh nghiệp với người tiêu dùng (B2C)… cho thấy sự vượt trội của Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh dù vừa trải qua khủng hoảng đại dịch.
Với điểm bình quân 20.9 về chỉ số đánh giá về hạ tầng và nhân lực, Hà Nội và Tp.Hồ Chí Minh bỏ xa các tỉnh khác trên toàn quốc với số điểm gấp gần 5 lần so với trung bình.
Đối với chỉ số B2C, chỉ số thương mại điện tử giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng, Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh tiếp tục bỏ xa các địa phương khác với điểm trung bình do có mật độ dân cư đông và tập trung nhiều nhà bán lẻ lớn.
Đối với chỉ số B2B, chỉ số thương mại điện tử doanh nghiệp với doanh nghiệp, dù là các tỉnh nổi bật với số lượng khu công nghiệp lớn, tập trung nhiều doanh nghiệp sản xuất của cả nước nhưng Bình Dương, Đà Nẵng, Đồng Nai… vẫn chỉ xếp ở thứ hạng ba trở đi và khoảng cách với hai tỉnh đứng đầu là Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh là vô cùng lớn.
Điểm trung bình ở chỉ số B2B của Hà Nội, xếp thứ 2, là 83,8 điểm, so với Bình Dương xếp thứ 3 là 37 điểm cho thấy đây là khoảng cách không dễ để tiếp cận nhưng lại đầy cơ hội cho doanh nghiệp để phát triển.
Dù là địa phương chịu thiệt hại nặng nề trong đợi dịch COVID-19, dù đã có khoảng thời gian gần như chững lại mọi hoạt động kinh doanh sản xuất nhưng Tp.Hồ Chí Minh sớm quay trở lại đà phát triển của mình và tiếp tục dẫn đầu với 94,6 điểm.
Chính sự phục hồi quá mạnh mẽ của hai địa phương dẫn đầu là Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh vô tình tạo ra khoảng các phát triển thương mại điện tử giữa các địa phương khác.
Năm 2021, năm đại dịch bùng phát toàn quốc, khoảng cách phát triển thương mại điện tử được kéo gần lại đáng kể từ 40,9 năm 2020 xuống 29.5 năm 2021.
2022 với sự thích ứng “bình thương mới”, và sự phục hồi quá mạnh mẽ của các tỉnh top đầu vô hình chung kéo dài khoảng cách này lên 46 điểm, vượt xa hơn cả khoảng cách năm 2020.
Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam bày tỏ lo lắng việc gia tăng khoảng cách này nếu không sớm có giải pháp để khỏa lấp khoảng trống về sự phát triển này thì khoảng cách sẽ ngày càng xa và rất khó để bù đắp lại.
Hiệp hội đồng thời nhấn mạnh việc tập trung phát triển thương mại điện tử cho ngành nông nghiệp có thể là cơ hội cho các tỉnh vùng sâu, vùng xa tiếp cận được đà phát triển thương mại điện tử toàn quốc khi mà đây là các tỉnh khó khăn trong chuyển đổi số và tiếp cận thương mại điện tử nhất.
Nếu như chúng ta gần quen với “Chuyển đổi số” thì “Tiến hóa số” là thuật ngữ mới mà chúng ta phải tiếp tục tiến tới theo Hiệp hội.
Điều này cho thấy các nền tảng mua sắm đang trở thành xu hướng kinh doanh, việc chia sẻ dữ liệu kinh doanh trở thành rất quan trọng, và hành vi của người tiêu dùng đang ngày càng thay đổi theo hướng có lợi cho thương mại điện tử.
Việc đánh giá mức độ ứng dụng và phát triển thương mại điện qua các năm giữa các địa phương cho thấy một vấn đề khác nữa là nguồn nhân lực về thương mại điện tử.
Khoảng cách giữa các chỉ số mang lại bức tranh cơ hội phát triển cho các địa phương top dưới, nhưng nhân lực sẽ trở thành bài toán tiếp theo khi các doanh nghiệp từ nhỏ tới lớn bắt đầu chuyển đổi số mạnh mẽ hơn.
Tuy nhiên, Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam cũng đặt ra một nghi vấn về việc khi chưa có một giáo trình đạo tạo thống nhất thì liệu có thể đáp ứng đủ nhân lực chuyển đổi số trong tương lai.
Đồng quan điểm, đại diện Lazada Việt Nam cho rằng bản thân doanh nghiệp cần trang bị ít nhất bốn bí quyết thành công là: Tận dụng lợi thế thời cuộc từ các sàn Thương mại điện tử; Tự trang bị cho mình tư duy kinh doanh chuyển đổi số; Kết nối và học hỏi từ cộng đồng kinh doanh để đón đầu xu hướng bán hàng.
Những con số biết nói cho thấy 81% khách hàng được Lazada Việt Nam khảo sát xác nhận coi mua sắm trực tuyến là một phần không thể thiếu. 94% khẳng định tiếp tục sử dụng các dịch vụ số.
Góp phần xây dựng tầm nhìn doanh nghiệp, Lazada Việt Nam cho rằng thị trường thương mại điện tử sẽ tiếp tục bùng nổ sau đại dịch bởi thị trường này vẫn còn nhiều dư địa.
Khi mà các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể dễ dàng hơn trong chuyển đổi số dẫn tới số lượng doanh nghiệp tham gia thương mại điện tử ngày càng gia tăng, nhưng đối với các doanh nghiệp lớn, khó khăn hơn trong kế hoạch và quy trình chuyển đối số, một khi hoàn thiện xong thì chiến dịch trên thị trường sẽ còn tiếp tục mang tới những bùng nổ.