Phiên bản mới này có thể đưa ra câu trả lời với đầu vào dữ liệu là hình ảnh – chẳng hạn gợi ý cho bạn công thức nấu ăn từ các bức ảnh nguyên liệu bạn có trong tủ lạnh, cũng như viết caption và mô tả hình ảnh.
GPT-4 cũng có thể xử lý được tới 25.000 từ, gấp khoảng 4 lần so với ChatGPT.
Hàng triệu người đã sử dụng ChatGPT kể từ khi chatbot này được tung ra hồi tháng 11/2022.
Những yêu cầu phổ biến của người dùng bao gồm sáng tác bài hát, viết thơ, viết nội dung marketing, code máy tính và giúp làm bài tập về nhà – mặc dù các giáo viên nói học sinh không nên dùng nó.
ChatGPT trả lời các câu hỏi bằng ngôn ngữ như của người, và nó cũng có thể bắt chước cách viết của người sáng tác bài hát hay các tác giả, trên cơ sở kiến thức internet của năm 2021.
Có không ít lo ngại rằng một ngày ChatGPT sẽ thay thế nhiều công việc hiện do con người đảm nhận.
OpenAI nói họ dành sáu tháng qua để tăng cường các tính năng an toàn cho GPT-4, và đã dạy chatbot này về góp ý của con người. Tuy nhiên, họ cũng cảnh báo rằng GPT-4 vẫn dễ chia sẻ thông tin thất thiệt.
GPT-4 lúc đầu sẽ chỉ dành cho những ai trả tiền dùng ChatGPT Plus hàng tháng, với chi phí $20/tháng để tiếp cận dịch vụ premium.
GPT-4 được dùng cho động cơ tìm kiếm Bing của Microsoft. Hãng công nghệ khổng lồ này đã đầu tư 10 tỷ $ cho OpenAI.
Trong một buổi demo trực tuyến, GPT-4 đưa ra câu trả lời cho một câu hỏi phức tạp về thuế – tuy nhiên không có cách nào để kiểm chứng câu trả lời này.
GPT-4, cũng như ChatGPT, là một loại trí tuệ nhân tạo tạo sinh (AI tạo sinh). AI tạo sinh dùng các thuật toán và văn bản để tạo ra các nội dung mới dựa trên các dữ liệu đầu vào.
GPT-4 có “nhiều kỹ năng tư duy tiên tiến hơn” so với ChatGPT, hãng OpenAI cho biết. Chẳng hạn, phiên bản này có gợi ý thời gian họp thích hợp cho ba lịch làm việc khác nhau.
OpenAI cũng tuyên bố các kế hoạch hợp tác mới với ứng dụng học ngôn ngữ Duolingo và Be My Eyes, một ứng dụng cho người khiếm thị, để tạo ra các Chatbots dùng AI giúp người dùng sử dụng ngôn ngữ tự nhiên của họ.
Tuy nhiên, cũng như phiên bản tiền nhiệm GPTChat, GPT-4 hiện vẫn chưa hoàn toàn đáng tin cậy và có thể “gây ảo giác” – một hiện tượng khi AI tự nghĩ ra chuyện hay mắc lỗi tư duy.