Ông Trần Hữu Linh - Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho hay, thời gian qua khi dịch bệnh bùng phát trở lại, tình hình gian lận thương mại diễn ra tinh vi hơn với những mặt hàng đa dạng hơn.
Đáng chú ý, do nhu cầu lớn, hiện nay đã bắt đầu xuất hiện những sản phẩm “xách tay” thẩm lậu từ các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng được bán trong thị trường nội địa.
Lướt qua một số nhóm rao chuyên bán hàng xách tay trên mạng xã hội Facebook, ghi nhận mỗi trang có từ vài trăm đến vài chục ngàn thành viên tham gia. Những mặt hàng xách tay được rao bán chủ yếu là thực phẩm chức năng, sữa bột, mỹ phẩm, nước hoa, đồng hồ, túi xách, giày dép và cả những mặt hàng phục vụ cho sinh hoạt gia đình như kem đánh răng, nước giặt quần áo...
Chị T.A., chủ một trang Facebook chuyên bán hàng xách tay chia sẻ, các sản phẩm của chị bán đều do những người đi nước ngoài trực tiếp xách về nên chất lượng nguồn hàng đảm bảo, cập nhật mới thường xuyên. Các mặt hàng xách tay thường rất phong phú, đa dạng từ hàng thời trang, mỹ phẩm, dụng cụ làm đẹp cho đến hàng tiêu dùng, thực phẩm, dược phẩm...
“Bán hàng xách tay online đã gần 6 năm, tôi nhận thấy nhu cầu dùng hàng ngoại của người tiêu dùng ngày càng tăng cao. Các mặt hàng xách tay được ưa chuộng vì rẻ hơn những loại hàng nhập chính hãng do giảm bớt các loại thuế, phí hoặc đôi khi có những mặt hàng độc - lạ mà thị trường trong nước không có”, chị T.A. cho biết.
Tuy nhiên, trên thực tế, thị trường hàng xách tay còn tồn tại nhiều vấn đề phức tạp. Các sản phẩm này thường là khó kiểm tra được nguồn gốc, xuất xứ, thẩm định chất lượng... Do đó, khi mua hàng xách tay đồng nghĩa với việc người tiêu dùng bước vào một thỏa thuận giao dịch khá bất lợi và mang tính may rủi. May thì được sản phẩm tốt, phù hợp; rủi thì gặp phải sản phẩm kém chất lượng hoặc nguy cơ hàng gian, hàng giả cao...
Chị Huyền Nhung (Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ, với mong muốn làm đẹp, trẻ hóa da nên khi đọc các đánh giá, phản hồi tích cực từ những loại mỹ phẩm nước ngoài như Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ... mà thị trường Việt Nam chưa có, chị đã đặt hàng xách tay về dùng thử. Tuy nhiên, hầu hết các loại mỹ phẩm xách tay này đều có tem và hướng dẫn sử dụng bằng tiếng bản địa, rất khó để dùng khi không biết thành phần cụ thể, có phù hợp với cơ địa bản thân hay không.
“Mua hàng xách tay phải lựa những nơi bán hàng uy tín, đảm bảo để tránh nhập nhằng giữa hàng thật - giả. Có lần, chỉ vì ham rẻ tôi mua phải chai dầu gội của một nhãn hiệu nổi tiếng với giá bằng 1/3 giá niêm yết trên sàn thương mại điện tử, tuy nhiên chưa dùng hết nửa chai, sản phẩm đã đổi màu, bay mùi và không có hiệu quả như lời quảng cáo”, chị Nhung cho hay.
Ngoài ra, với nhóm hàng thời trang thì hàng xách tay phổ biến là những đợt mua hàng sales (giảm giá) của các thương hiệu nổi tiếng rồi về bán lại cho khách với giá rẻ. Lợi dụng điều này, có trường hợp người bán đã trà trộn cùng những loại hàng nhái, hàng kém chất lượng để bán cho khách dưới mác “hàng xách tay giảm giá”.
Theo ông Trần Hữu Linh, đối với những mặt hàng này phải được Bộ Y tế cấp phép, kiểm nghiệm thì mới có hiệu lực. Nhưng hiện nay bán hàng online là kênh tiêu thụ, kênh quảng cáo các mặt hàng này rất phổ biến. Từ đầu năm đến nay, vấn đề gian lận thương mại với các mặt hàng không chỉ là các thiết bị y tế, mà còn có các mặt hàng đã qua sử dụng liên quan đến thực phẩm và những mặt hàng xa xỉ.
"Gian lận thương mại chủ yếu vi phạm trên môi trường online, qua các sàn giao dịch thương mại điện tử và mạng xã hội như Facebook và Zalo. Bởi vậy, lực lượng quản lý thị trường đã và đang phối hợp với các cơ quan chức năng để có phương án điều tra, xác minh và xử lý. Đề nghị người tiêu dùng hết sức lưu ý khi đặt mua các sản phẩm, phải kiểm tra rõ ràng thông tin nguồn gốc xuất xứ và xem có được cấp phép của Bộ Y tế hay không", Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh khuyến cáo.