Mỗi năm Na đem lại thu nhập cho Lạng Sơn khoảng 1.200 tỷ đồng. Ảnh Facebook
Hội nghị nhằm nhằm giúp cho bà con nông dân ổn định đầu ra, đưa sản phẩm nông sản chất lượng tốt đến tay người tiêu dùng trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp khó lường, hướng đến phát triển mục tiêu kép vừa phòng chống dịch, giữ an toàn sức khỏe toàn dân vừa phục hồi và duy trì phát triển kinh tế – xã hội.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lạng Sơn, vùng sản xuất Na tập trung tại các huyện: Chi Lăng, Hữu Lũng trên 3.500 ha, trong đó hơn 400 ha Na được chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP.
Tổng giá trị sản xuất Na ước đạt khoảng 1.200 tỷ đồng, bình quân thu nhập trên ha canh tác Na đạt 275 triệu/ha. Nông nghiệp tỉnh địa đầu tổ quốc này còn phải kể đến sản xuất rau với các loại rau đặc sản, có giá trị kinh tế như ngồng cải bắp, cải ngồng hoa vàng, rau bò khai,… với 3.000 ha, tổng giá trị sản phẩm rau thu được ước đạt khoảng 1.000 tỷ đồng. Nếu tính bình quân, giá trị trung bình của 01 ha rau ước đạt 135 triệu đồng/ha.
Lạng Sơn cũng nổi tiếng là quê huông của cây Hồng với diện tích 1.700ha, sản lượng đạt 6.000 tấn, giá trị ước đạt khoảng 120 tỷ đồng/năm.
Đặc biệt còn có cây Thạch đem lại giá trị kinh tế cao với diện tích trên 3.000 ha, sản lượng ước đạt 10.000 tấn, giá trị đạt khoảng 250 tỷ đồng/năm.
Lãnh đạo địa phương cho biết đây là kết quả của những năm qua tỉnh Lạng Sơn tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững theo hướng sản xuất hàng hóa, đổi mới hình thức tổ chức sản xuất gắn với chuỗi tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu. Từ đó, tỉnh Lạng Sơn đã hình thành nhiều vùng sản xuất nông nghiệp tập trung với quy mô lớn, đặc biệt là cây ăn quả đặc sản như na, hồng, quýt và một số cây có múi khác.
Hội nghị trực tuyến xúc tiến thương mại sản phẩm Na Chi Lăng và sản phẩm OCOP tỉnh Lạng Sơn năm 2021 là kết quả của sự thay đổi nhận thức, tư duy bằng cách ngoài những hoạt động phân phối nông sản theo phương thức truyền thống sang hình thức trực tuyến trên không gian ảo, chắc chắn sẽ đem lại hiệu ứng cộng hưởng hiệu quả không chỉ cho sản phẩm Na Chi Lăng và còn rất nhiều những sản phẩm nông sản khác của Lạng Sơn nói riêng và cả nước nói chung
Chương trình “Gian hàng Việt trực tuyến” trong khuôn khổ hội nghị do Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) triển khai từ năm 2019 được cho là một trong những giải pháp hỗ trợ kịp thời cho sản phẩm nông sản Lạng Sơn trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19.
Hướng tới việc phân phối trực tiếp từ nhà sản xuất tới người tiêu dùng, “Siêu thị hàng Việt uy tín” này đã mở ra một kênh phân phối hàng hóa mới, hiện đại, được quản lý chặt chẽ giúp bà con nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp tỉnh Lạng Sơn nâng cao giá trị sản phẩm, hình ảnh doanh nghiệp sản xuất Việt.
Bên cạnh đó, người tiêu dùng trên toàn quốc có thể hoàn toàn yên tâm khi mua sắm trong Siêu thị hàng Việt này khi chất lượng hàng hoá được giám sát và quản lý với sự phối hợp của cơ quan chức năng từ địa phương tới Trung ương.
Trong chương trình Hội nghị này còn có Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn nhằm đánh dấu sự hợp tác sâu rộng của ba bên nhằm triển khai các giải pháp thiết thực giúp sản phẩm nông sản địa phương của tỉnh Lạng Sơn mở rộng kênh phân phối mới, bắt kịp xu thế phát triển trong thời đại công nghệ số 4.0.
Tại Hội nghị, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong tỉnh và đơn vị phân phối hàng hóa có cơ hội trao đổi, tìm hiểu về việc phát triển kinh doanh trên môi trường trực tuyến.
Đại diện Sàn thương mại điện tử Sen Đỏ (Sendo.vn), Vỏ Sò (Voso.vn) cũng đã trực tiếp giới thiệu, hướng dẫn quy trình và cách thức phân phối hàng hóa, chính sách ưu đãi do các sàn thương mại điện tử xây dựng nhằm hỗ trợ tốt nhất cho các doanh nghiệp muốn đưa sản phẩm của mình lên các sàn thương mại điện tử.
https://thuonggiathitruong.vn/na-chi-lang-len-san-thuong-mai-dien-tu/