Tăng trưởng xuất khẩu đạt tiến độ
Phát biểu tại buổi Họp báo ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký Vitas cho biết, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid 19, đặc biệt trong quý 3, nhưng xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam đã vượt lên khó khăn duy trì đà tăng trưởng tốt trong năm 2021, ước đạt 39 tỷ USD, tăng 11,2% so với năm 2020 và tăng 0,3% so với năm 2019. Đây chính là nỗ lực tuyệt vời của ngành dệt may Việt Nam trong bối cảnh tốc độ phục hồi kinh tế thế giới có xu hướng chậm lại.
Ngay từ đầu năm, nhiều doanh nghiệp đã ký được đơn hàng đến hết quý III, thậm chí hết năm 2021, do nhiều thị trường lớn như Mỹ, EU, Trung Quốc, các nước trong khối Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã cơ bản và từng bước nới lỏng giãn cách khiến nhu cầu hàng tiêu dùng, trong đó có dệt may tăng trở lại.
Trong năm, Vitas tự hào đã luôn sát cánh cùng doanh nghiệp, nỗ lực phấn đấu vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, nhanh chóng thích nghi với hoàn cảnh, kịp thời chuyển đổi cơ cấu mặt hàng, đảm bảo việc làm, thu nhập ổn định cho hàng triệu người lao động. Đặc biệt, Vitas đã và đang thực hiện tốt vai trò kết nối giữa các DN trong và ngoài nước nhằm hình thành chuỗi cung ứng, mở rộng thị trường xuất khẩu.
Vitas cũng đã kịp thời tháo gỡ khó khăn cho DnNvà kiến nghị đê xuất với Chính phủ về cơ chế chính sách, thủ tục hành chính, kiểm tra chuyên ngành, thuế, hải quan, lao động tiền lương, bảo hiểm, … Đáng chú ý, Vitas đã trực tiếp kiến nghị với Bộ Lao động Thương Binh và Xã hội trình Chính phủ ban hành Nghị quyết về việc nới giờ làm thêm, không khống chế giờ làm theo tháng đối với ngành dệt may (từ 300 giờ/tháng lên 400 giờ/tháng).
Huớng đến mục tiêu xuất khẩu đạt hơn 43 tỷ USD năm 2022
Dự báo năm 2022, tình hình dịch bệnh trên thế giới và Việt Nam vẫn diễn biến phức tạp, khó lường, song tín hiệu tích cực là các thị trường lớn như Mỹ, EU… đã mở cửa trở lại. Tùy tình hình diễn biến dịch bệnh và sự triển khai thực hiện quyết liệt, thống nhất Nghị quyết 128/CP-NQ từ Trung ương đến địa phương, VITAS xây dựng mục tiêu năm 2022 theo 3 kịch bản.
Theo đó, nếu quý I/2022, tình hình dịch bệnh được kiểm soát cơ bản, mục tiêu xuất khẩu ngành sẽ đạt mức tích cực nhất 42,5 – 43,5 tỷ USD. Trường hợp tình hình dịch bệnh được kiểm soát giữa năm, ngành dệt may sẽ đạt mức xuất khẩu 40 – 41 tỷ USD. Còn nếu dịch bệnh diễn biến phức tạp, kéo dài đến cuối năm 2022, dệt may Việt Nam sẽ cố gắng duy trì KNXK ở mức 38 – 39 tỷ USD.
Cũng theo ông Cẩm được biết: Để vượt qua khó khăn, doanh nghiệp và địa phương cần phối hợp chặt chẽ trong việc thực hiện các phương án chống dịch song hành cùng phương án sản xuất. Các doanh nghiệp cần tìm mọi cách để chuỗi cung ứng ngành dệt may không bị đứt gãy như hỗ trợ nhau thực hiện đơn hàng dang dở, chia sẻ khó khăn với khách hàng để họ không hủy đơn hàng chuyển đi nơi khác.
Đồng hành cùng doanh nghiệp, hiệp hội sẽ tiếp tục phát huy vai trò kết nối của mình, bên cạnh đó, hội sẽ tham gia và hoạt động tích cực tại nhiều tổ chức quốc tế lớn chuyên ngành dệt may như Liên đoàn các Nhà sản xuất dệt may quốc tế (ITMF), Liên đoàn Dệt May Đông Nam Á (AFTEX), Liên đoàn Thời trang châu Á (AFF), …
Ngoài ra, Vitas sẽ kết nối các doanh nghiệp với nhiều tổ chức và hiệp hội dệt may quốc tế, tranh thủ chuyên gia, kinh nghiệm, kinh phí để mở các lớp đào tạo về kỹ thuật, thiết kế, bán hàng, xây dựng thương hiệu, … Tới đây, hiệp hội cũng sẽ chủ động tham gia xây dựng chính sách hỗ trợ, đàm phán cùng Chính phủ về hiệp định thương mại tự do nhằm tạo thuận lợi thương mại cho cộng đồng doanh nghiệp dệt may.
Thông tin tại buổi họp báo, hội nghị tổ chức ngày 17/12 tới đây, bên cạnh các báo cáo trình bày, tham luận cập nhật tình hình thị trường dệt may thế giới, xu thế tiêu thụ, chuyển dịch sản xuất, thời trang trong bối cảnh dịch Covid-19, hội thảo sẽ đề cập tới những cơ hội và thách thức cho ngành trong điều kiện bình thường mới, cũng như mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp của ngành năm 2022.
Dự kiến, chương trình được tổ chức dưới 2 hình thức trực tuyến và trực tiếp tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh, với sự tham gia của các lãnh đạo bộ, ngành, các học giả, chuyên gia kinh tế và lao động, cùng hơn 500 doanh nghiệp hội viên.
Song song đó, hội thảo sẽ có phần đối thoại giữa các bên đại diện quản lý nhà nước, hiệp hội và doanh nghiệp dệt may, công đoàn, nhãn hàng và đại diện tổ chức quốc tế.