Trong thời đại số này, việc tìm kiếm những kênh, phương thức mới để mở rộng thị trường là ưu tiên hàng đầu cần thực hiện của các doanh nghiệp để gia tăng giá trị xuất khẩu.
Theo dự báo, kinh tế thế giới tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, tăng trưởng GDP năm 2023 nhiều khả năng thấp hơn năm 2022 khoảng 0,5-1% nếu không xảy ra yếu tố đột biến.
Mỹ và EU vốn là những thị trường thương mại lớn của Việt Nam chỉ tăng trưởng đạt dưới 1%, gây ảnh hưởng đến hoạt động thương mại hàng hóa và đầu tư mới, tác động đến sản xuất, xuất khẩu của các nước, trong đó có Việt Nam.
Theo báo cáo của Bộ Công thương, những khó khăn trong sản xuất cùng với sự sụt giảm đơn hàng xuất khẩu trong quý I/2023 tiếp tục ảnh hưởng đến xuất khẩu hàng hóa trong tháng 4/2023.
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 4/2023 ước đạt 27,54 tỷ USD, giảm 7,3% so với tháng trước và giảm 17,1% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 7,12 tỷ USD, giảm 8,6%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 20,42 tỷ USD, giảm 6,9%.
Tính chung 4 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 108,57 tỷ USD, giảm 11,8% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 17,1%).
Khu vực kinh tế trong nước đạt 28,58 tỷ USD, giảm 11%, chiếm 26,3% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 79,99 tỷ USD, giảm 12,1%, chiếm 73,7%.
Các tổ chức quốc tế đồng thời dự báo năm 2023 là năm khó khăn đối với kinh tế Việt Nam trước tác động từ cả bên trong và bên ngoài. Chịu tác động từ suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu, biến động thị trường và điều chỉnh chính sách của các nền kinh tế lớn, nhất là chính sách lãi suất – tỷ giá.
Đặc biệt Trung Quốc trở lại thị trường xuất khẩu trực tiếp cạnh tranh một số mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam gặp nhiều thách thức hơn.
Với bối cảnh như vậy doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cùng với các Bộ ngành cần có giải pháp và hướng đi cụ thể như: Tập trung đổi mới và tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại hướng đến các thị trường mới, thị trường còn tiềm năng như Ấn Độ, châu Phi, Trung Đông và châu Mỹ La tinh, Đông Âu… và các thị trường ít bị ảnh hưởng bởi lạm phát và tăng trưởng khả quan (ASEAN).
Quyết liệt đột phá vào các thị trường mới, nơi có tầng lớp trung lưu gia tăng như các thị trường mới nổi E7 (Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Mêxico và Indonesia; thị trường Halan (Trung Đông, Malaysia, Brunay).
Đồng thời các doanh nghiệp cần tận dụng các nguồn hỗ trợ từ các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức xúc tiến thương mại, các hiệp hội doanh nghiệp và các đối tác chiến lược để tiếp cận thông tin, kinh nghiệm, đào tạo và hợp tác kinh doanh.
Tận dụng đẩy mạnh khai thác hiệu quả các ưu đãi từ Hiệp định thương mại tự do (FTA), tạo thuận lợi hoá, tăng cường chuyển đổi số trong công tác cấp giấy chứng nhận xuất xứ
Thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics, qua đó giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam. Đặc biệt các doanh nghiệp cần đẩy mạnh phát triển xuất nhập khẩu thông qua hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới.
Trong những năm qua, số lượng người dùng Internet và thiết bị di động trên toàn cầu ngày càng tăng, cùng sự phát triển mạnh của các nền tảng thương mại điện tử lớn quy mô toàn cầu như Amazon, Alibaba, eBay, Lazada… dẫn tới nhu cầu mua bán ngày càng tăng.
Điều đó chứng tỏ rằng thương mại điện tử xuyên biên giới mang lại nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam, mở rộng thị trường và gia tăng giá trị xuất khẩu.
Bên cạnh đó các doanh nghiệp cần phải nâng cao năng lực cạnh tranh và chất lượng sản phẩm bằng cách áp dụng công nghệ số vào quản lý, sản xuất và tiếp thị phù hợp cho từng khu vực, từng quốc gia.
Xây dựng truyền thông, quảng bá và bảo vệ thương hiệu hàng Việt trên các nền tảng thương mại điện tử quốc tế, tạo ra sự khác biệt và giá trị gia tăng cho sản phẩm.
Khai thác các yếu tố đặc trưng của hàng Việt như xuất xứ, chất lượng, thiết kế, bền vững…
Thương mại điện tử xuyên biên giới là một trong những kênh xuất khẩu hiệu quả và tiềm năng cho các doanh nghiệp Việt Nam trong thời đại số, và các doanh nghiệp Việt phải tận dụng cơ hội tiếp cận thị trường quốc tế cho sản phẩm thương hiệu Việt, góp phần đẩy mạnh phát triển xuất nhập khẩu chung của Việt Nam.