Sáng 20.6, cập nhật thông tin thị trường từ các công ty đầu mối xăng dầu, giá xăng nhập về không đổi, nhưng dầu diesel tiếp tục tăng lên 177,17 USD/thùng.
Trong khi đó, giá bình quân thành phẩm xăng dầu thế giới tại kỳ điều hành trước lần lượt là 149,2 USD/thùng xăng E5 RON 92; 154,7 USD/thùng xăng RON 95 và 166,5 USD/thùng dầu diesel…
Lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối ở TP.HCM cho biết tính so với kỳ điều hành giá kỳ trước (13.6), giá xăng thành phẩm trung bình tại thị trường Singapore hiện cao hơn giá bán lẻ xăng trong nước khoảng 340 – 440 đồng/lít, còn dầu diesel, dầu hỏa khoảng 820 – 900 đồng/lít.
Do đó, kỳ điều hành ngày mai 21.6, giá xăng có thể tăng mức tương ứng khoảng 350 – 450 đồng/lít; còn dầu diesel tiếp tục tăng mạnh 900 đồng/lít. Nếu cơ quan quản lý chi quỹ bình ổn, giá các mặt hàng này có thể tăng ít hơn, hoặc giá xăng có thể đứng yên.
Như vậy, nếu đúng dự đoán, xăng có lần thứ 7 tăng liên tiếp trong năm nay và vượt mốc 33.000 đồng/lít, tiếp tục lập đỉnh mới.
Trong khi đó, Bộ Tài chính vừa đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng từ 2.000 đồng về 1.000 đồng – đây là mức thấp nhất trong khung thuế bảo vệ môi trường. Như vậy, tới tay người dùng, giá xăng sẽ giảm tương ứng 1.100 đồng mỗi lít (đã bao gồm thuế giá trị gia tăng).
Tuy nhiên, nếu đề xuất này được thông qua, thuế môi trường với xăng chỉ có thể giảm vào kỳ điều hành giá sau (1.8).
Trên thế giới, giá dầu thô tăng trở lại trong phiên giao dịch sáng nay sau khi lao dốc gần 6% vào cuối tuần trước. Cụ thể, lúc 7 giờ 30 (theo giờ Việt Nam) giá dầu thô ngọt nhẹ WTI của Mỹ tăng 0,77% lên trên mốc 110 USD/thùng, dầu thô Brent giao tháng 8 cũng tăng 0,87% lên trên mốc 114 USD/thùng.
Nguồn cung dầu thế giới thắt chặt hơn đã đẩy giá dầu leo dốc trở lại. Trong tháng 5, Libya chỉ sản xuất được khoảng 600.000 thùng/ngày, giảm một nửa thay vì 1,2 triệu thùng/ngày như thường lệ.
Đáng lo ngại hơn nữa là hiện tại, nước Bắc Phi này chỉ sản xuất được 100.000 thùng dầu/ngày do hầu hết các mỏ dầu của nước này buộc phải ngừng hoạt động vì bất ổn chính trị gia tăng.
Bên cạnh đó, các thành viên khác của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đồng minh (OPEC+) đã và đang không thể đáp ứng được hạn ngạch sản xuất của mình.