Từ lâu, người sở hữu nhà mặt phố cho thuê được xem là nguồn tài chính bền vững và là mơ ước của các nhà đầu tư. Tuy nhiên, ảnh hưởng của dịch COVID-19 trong 2 năm liên tiếp đã khiến phân khúc này chịu "tổn thương". Đến nay, trên các tuyến phố của hai đô thị lớn, sầm uất nhất cả nước là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh nhan nhản biển treo cho thuê nhà cùng hàng loạt căn nhà đang kéo kín cửa, rơi vào tình trạng "nằm im" chống dịch vì không có khách thuê.
Kể từ khi dịch bệnh bùng phát năm 2020 đến nay, giá thuê nhà phố trên các tuyến đường lớn tại Thành phố Hồ Chí Minh hay Hà Nội đều liên tục giảm mạnh nhưng vẫn khó giữ chân người thuê. Nếu thời điểm tháng 4/2020, giá thuê mặt bằng nhà phố giảm từ 10-20% thì đến những tháng giữa năm 2021, giá thuê nhà phố giảm xuống 40%, thậm chí nhiều khu vực còn có giá giảm 50% so với năm 2019. Những ngày cuối năm 2021, hàng loạt nhà phố im lìm đóng cửa vì hết hợp đồng mà vẫn không có khách thuê mới dù giá đã giảm rất nhiều.
Ảnh Internet
Không chỉ chủ cho thuê chịu ảnh hưởng, các doanh nghiệp, nhà đầu tư thuê mặt bằng cũng đang chịu tổn thất nặng nề. Các kênh giao hàng không được hoạt động dẫn đến hàng loạt nhà hàng, cửa hàng phải đóng cửa, hoặc giảm bớt số lượng. Các tầng khối đế trung tâm thương mại tại các dự án chung cư ghi nhận sự gia tăng đáng kể của diện tích trống do khách thuê không có khả năng tiếp tục hợp đồng thuê. Nhiều dự án phải chuyển đổi công năng hoạt động sang văn phòng để giải quyết bài toán lấp đầy diện tích bán lẻ.
Cùng với dịch bệnh, sự ra đời của sàn thương mại điện tử cũng đang chiếm nhiều ưu thế về mặt kinh doanh. Trong thời gian vừa qua, thị trường đã chứng kiến sự sụt giảm nhu cầu thuê mặt bằng bán lẻ do ảnh hưởng từ thương mại điện tử và bán hàng trực tuyến.
Tuy nhiên, bán hàng trực tuyến tại Việt Nam vẫn còn bất cập về khâu kiểm soát chất lượng hàng hóa và thương mại điện tử sẽ không thể thay thế hoàn toàn mặt bằng bán lẻ truyền thống. Bởi vì, khó có thể thay đổi sự thích thú và trải nghiệm chân thực của khách hàng khi đến trực tiếp cửa hàng để thử và cảm nhận sản phẩm bằng các giác quan.
Theo bà Hoàng Minh Nguyệt- Giám đốc Cho thuê Thương mại, Savills Hà Nội kỳ vọng, khi sang năm 2022, Việt Nam sẽ đạt được tỷ lệ tiêm chủng vắc-xin cao, hướng đến khả năng miễn dịch cộng đồng. Điều này là một tín hiệu rất tốt giúp phân khúc cho thuê, bán lẻ nhanh chóng hồi phục và phát triển. Tuy nhiên, thị trường bán lẻ trong năm 2022 sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh của sàn thương mại điện tử nhiều hơn, so với tình trạng đóng cửa do COVID-19.
Bà Hoàng Minh Nguyệt cũng nhận định, có 3 yếu tố mà nhà đầu tư cần quan tâm đối với lĩnh vực bất động sản cho thuê, bán lẻ trong năm 2022. Thứ nhất là hoạch định lại kế hoạch kinh doanh của các nhãn hàng bán lẻ khi họ nắm bắt hành vi người tiêu dùng. Thứ hai, những nguồn cung chất lượng có thể đạt tiêu chí của các nhãn hàng quốc tế. Cuối cùng và không kém phần quan trọng là sự linh hoạt của các chủ nhà, họ sẽ phải thay đổi tư duy cho thuê cũng như thích nghi với thời điểm hiện tại khi kinh doanh cho thuê mặt bằng.