Nhà báo Nguyễn Minh Đức (Tổng Biên tập báo Kinh tế Đô thị) bay tỏ sự băn khoăn trong thời chuyển đổi số, mô hình tổ chức của các tòa soạn sẽ ra sao để phù hợp và tối ưu hóa nhân lực, đem lại hiệu quả kinh tế cho tờ báo. Ông Đức lấy dẫn chứng báo Kinh tế Đô thị ngày nay chuyển đổi theo xu hướng chung trong việc phát triển nội dung đa nền tảng: ngoài báo giấy và web báo điện tử, nội dung thông tin còn được thể hiện trên mạng xã hội facebook, youtube, zalo, tik tok,..
Theo nhà báo Minh Đức, cùng với sự chuyển đổi đó, việc phát triển kinh tế của báo không còn dừng lại ở mô hình sử dụng vài ba nhân viên quảng cáo truyền thông đến các đơn vị doanh nghiệp mời chào như trước đây. Hiện tại, việc quảng cáo và phát triển kinh tế báo chí hầu như không cần con người trực tiếp, tài chính đổ về đôi khi là nguồn tự động và thụ động.
Tuy nhiên vị lãnh đạo của tờ báo cho rằng công cuộc chuyển đổi số vẫn đang diễn ra và việc tổ chức nhân sự tại các tòa soạn vẫn là dấu hỏi lớn.
Nhà báo Nguyễn Hoàng Nhật (Phó Tổng Biên tập báo Việt Nam Plus) cho biết qua kinh nghiệm thực tế tại báo Việt Nam Plus và quan sát nhiều tờ báo, các tòa soạn đều có sự thay đổi mô hình nhân sự gọi là "chuyển đổi công năng". Công cuộc chuyển đổi số đối với thông tin báo chí diễn ra quá nhanh. Có những công việc đặc thù rất mới mẻ tại tòa soạn: thống kê dữ liệu, khảo sát độc giả, tâm lý doanh nghiệp,... Các báo đôi khi phải sử dụng nhân lực làm phần công việc mà không có trong chức danh nghề nghiệp.
Khóa đào tạo "Chuyển đổi số báo chí" với chuyên đề tổng quan về kinh tế báo chí do Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông) phối hợp với Công ty Google tổ chức
Ông Nhật lấy ví dụ tại tòa soạn Việt Nam Plus: Trong mô hình cán bộ nhân viên tòa soạn truyền thống, chỉ có các chức danh nhân viên: phóng viên, biên tập viên. Về phân công công việc, phóng viên là người viết bài còn biên tập viên là người biên tập lại các bài viết. Nhưng để giải quyết bài toán chuyển đổi số cho phù hợp, Ban Biên tập báo Việt Nam Plus phải điều chỉnh. Một số phóng viên, biên tập viên được phân công làm nhiệm vụ khảo sát, thu thập, thống kê dữ liệu độc giả. Mặc dù chế độ vẫn là phóng viên, nhưng theo ông Nhật, công việc của họ đã thay đổi rất nhiều để phát huy hiệu quả cho mô hình tòa soạn chuyển đổi số.
Nhà báo Hoàng Nhật còn nói đến một cách thức hợp tác trong báo chí truyền thông mà đã được nhiều tòa soạn áp dụng. Đó là báo hợp tác với các công ty quảng cáo. Theo ông Nhật, trong công cuộc chuyển đổi số thì công ty quảng cáo chính là những đơn vị nắm bắt và triển khai nhanh nhất vì họ luôn là người chiếm lĩnh thị trường quảng cáo.
Ông Nhật chia sẻ kinh nghiệm trước đây, một số công ty quảng cáo rất lớn nổi tiếng thế giới từng gửi thư đặt vấn đề hợp tác khai thác quảng cáo truyền thông trên các nền tảng với nhiều báo chí ở Việt Nam. Nhưng nhiều tòa soạn bị tâm lý sợ đây chỉ là thư lừa đảo nên bỏ qua. Việt Nam Plus cũng từng bỏ lỡ bức thư mời làm đối tác quảng cáo gần 2 năm của một ông lớn trong ngành truyền thông. Sau khi tìm lại được bức thư điện tử thì báo Việt Nam Plus đã mạnh dạn hợp tác và khai thác truyền thông quảng cáo rất hiệu quả.
Theo nhà báo Hoàng Nhật, hợp tác với công ty quảng cáo là một phương pháp phát triển kinh tế báo chí rất tối ưu hóa nhân lực.
Ông Trương Trí Vĩnh (chuyên gia báo chí) cho rằng mô hình tổ chức tòa soạn trong thời chuyển đổi số không có gì khác biệt so với mô hình truyền thống. Nếu khác trong thời chuyển đổi số, chỉ là quy trình kiểm duyệt của báo chí rút ngắn lại vì nhu cầu giải quyết xử lý thông tin nhanh chóng.
TS Đỗ Anh Đức (Trưởng Bộ môn Truyền thông đa phương tiện, Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông) nói về xu hướng tái cấu trúc tòa soạn báo. Rất nhiều năm trở lại đây, các tòa soạn lớn tại Việt Nam, kể cả báo lớn trên thế giới như NewYork Times, Washinton Post,... đều phải tìm cách tái cấu trúc tòa soạn để thích nghi với cuộc chuyển đổi số. Nhưng ông Đức cho rằng, dù bất cứ mô hình cấu trúc nào thì một yếu tố bất biến và báo chí vẫn phải đi theo một đường trục: lấy độc giả làm trung tâm. Tuy nhiên trong thời chuyển đổi số, báo chí không chỉ sản xuất nội dung thuần túy, mà phải tìm những dịch vụ, giá trị xoay quanh nó.
Một trong những chiến lược chuyển đổi số báo chí là thu thập dữ liệu từ độc giả
Khóa đào tạo "Chuyển đổi số báo chí" với chuyên đề tổng quan về kinh tế báo chí do Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông) phối hợp với Công ty Google tổ chức dành cho các cơ quan báo và tạp chí tại Hà Nội diễn ra 2 ngày 21-22/9. Chương trình thu hút hàng trăm cơ quan báo và tạp chí tham dự, có cả đài truyền hình tại trung ương và địa phương.
Tại khóa đào tạo, Nhà báo Nguyễn Hoàng Nhật (Phó Tổng Biên tập báo Việt Nam Plus) chia sẻ phương pháp xây dựng nền tảng để chuyển đổi mô hình kinh doanh theo hướng dữ liệu. Trong đó, ông Nhật nhấn mạnh tầm quan trọng và sức mạnh của việc báo chí thu thập dữ liệu. Từ việc thu thập dữ liệu, tòa soạn sẽ có sự đánh giá độc giả, tăng cường sự trải nghiệm để phục vụ độc giả tốt hơn. Từ đó, tòa soạn có thể lập chiến lược phát triển nội dung, cá nhân hóa thói quen của độc giả. Từ việc tối ưu hóa dữ liệu đó mới xây dựng được chiến lược phát triển quảng cáo.
Trong phần trình bày của mình, bà Nguyễn Thị Thùy Dương (Quản lý Hợp tác chiến lược ngành tin tức và xuất bản, Đông Nam Á) đưa ra xây dựng chiến lược để chuyển đổi số thành công. Theo đó, việc phát triển tòa soạn báo cũng phải được thực hiện chiến lược với mô hình kinh doanh tinh gọn. Trong đó, các quy trình phân tích đánh giá được chú trọng: phân khúc độc giả này có những ai? Họ xem tin tức gì, như thế nào và khi nào? Hò cần thông tin gì? Họ không cần thông tin gì?
Bà Dương cũng đưa ra tất cả hình thái nền tảng mà báo chí phải tiếp cận trong thời chuyển đổi số: web, truyền hình, bản tin, podcast, thông báo mobile,...
TS Đỗ Anh Đức (Trưởng Bộ môn Truyền thông đa phương tiện, Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông) cũng trình bày mô hình doanh thu từ độc giả. Ông Đức xây dựng một số phương án cung cấp thông tin theo hướng thu phí. Theo quy trình đó, bạn đọc đăng ký tài khoản, đăng ký trả phí theo gói,... Tuy nhiên để làm được điều này, ông Đức nhấn mạnh đến giá trị thông tin: các lợi ích, giá trị độc nhất, phương thức tiếp thị, định giá, tường phí,...