Cô bé Trương Di Văn, sinh 2007 tại Trung Quốc từng được mọi người mệnh danh là "thần đồng", khi 4 tuổi đã nhận diện được hơn 2.000 mặt chữ Hán, thi đại học năm 9 tuổi, vào đại học năm 10 tuổi. Những tưởng đây là một tấm gương đáng ngưỡng mộ, nhưng đằng sau những thành tích đó là chuỗi bi kịch và đáng tiếc cho cô bé.
Bố mẹ Di Văn vốn làm việc trong ngành giáo dục, rất coi trọng việc học hành của con gái. Khi cô bé lên 4 tuổi đã có thể nhận diện hơn 2.000 mặt chữ, vượt xa lượng chữ Hán của các bạn cùng trang lứa. Ông Trương Dân Thao, bố của đứa bé cảm thấy môi trường mẫu giáo không phù hợp với năng lực vượt tuổi của con gái mình. Vì thế, ông đưa con về nhà và để mẹ bé tự chăm nom, dạy dỗ.
Di Văn đỗ đại học năm 10 tuổi
Để con được tiếp nhận 1 nền giáo dục tốt hơn, 2 vợ chồng ông đã kết hợp nhiều năm kinh nghiệm trong ngành để thiết kế riêng 1 mô hình "giáo dục thần đồng" cho con gái mình. Đó là phương pháp giáo dục "tăng tốc", trong khi những đứa trẻ bằng tuổi khác vẫn đang vô tư chơi đùa, Trương Di Văn phải dành toàn thời gian để giải các loại hình bài tập khác nhau.
Bố mẹ của cô bé tin rằng mô hình giáo dục truyền thống không đáng tin cậy. Vì vậy, ông Trương Dân Thao đặt ra 1 kế hoạch tương lai cho con gái. Theo kế hoạch của bố, Trương Di Văn cần phải hoàn thành tất cả các khóa học của trường tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông trước 9 tuổi, hoàn thành chương trình tiến sĩ ở tuổi 20, và sau đó tham gia vào nghiên cứu khoa học.
Chỉ trong vòng 4 năm, cô bé đã hoàn thành chương trình học phổ thông cần thiết mà đáng lẽ 1 học sinh bình thường phải dành ít nhất 12 năm để học xong. Năm lên 9, bé gái chỉ ôn tập các kiến thức Hán học và chưa tập trung ôn luyện kỹ các môn Khoa học nên thi đầu vào đại học chỉ đạt được 172 điểm. 1 năm sau, Di Văn quay trở lại và đạt thành tích 352 điểm, đủ để đậu vào Học viện Công nghệ Thương Châu, ngành Công nghệ kỹ thuật thông tin điện tử.
Cô bé lạc lõng trong môi trường đại học
Thực tế, quỹ đạo đi học bình thường của 1 người, từ tiểu học đến khi vào đại học phải mất hàng chục năm, nếu trẻ tiếp nhận nền giáo dục tiên tiến quá sớm, tiềm năng phát triển trong tương lai của trẻ sẽ có thể bị chệch quỹ đạo.
Vì tuổi còn quá nhỏ, khả năng tự chăm sóc bản thân kém nên cô bé khó thích nghi với nhịp sống ở trường đại học, thêm vào đó là không có bạn bè đồng trang lứa, việc giao tiếp xã hội bị cản trở và không có 1 người bạn đúng nghĩa, khiến em luôn cảm thấy tự ti và sợ hãi mỗi khi đến lớp. Theo giáo viên, suốt 3 năm học, thành tích học tập của em không có gì nổi bật vì vốn với đầu óc của 1 đứa bé 10 tuổi, để có những nền tảng nhất định trong các môn chuyên ngành là rất khó. Tuy nhiên, sau 3 năm tự "chiến đấu", cô bé cũng đã tốt nghiệp hệ đại học với điểm số trung bình.
Sau khi tốt nghiệp, Di Văn cũng không thể đi xin việc vì chưa đủ tuổi. Thậm chí, cô bé không thể đăng ký dự thi học cao học vì các chuyên ngành liên quan đến máy tính đòi hỏi em phải thi Toán và Tiếng Anh, trong khi năng lực của em tương đối yếu ở 2 môn này. Cô bé đành trở về quê nhà, trợ giảng tại trường tư thục mà bố mình thành lập và nhận lương tháng khoảng 2.000 tệ (tương đương 7,2 triệu đồng).
Theo một số nguồn tin, giờ đây cô bé Trương Di Văn đã 15 tuổi và bắt đầu bước vào giai đoạn dậy thì. Do đó, hiện tại tính cách em cũng có ít nhiều sự thay đổi. Trương Di Văn có phần nổi loạn hơn, có những ý kiến độc lập và đôi khi là trái chiều với bố mẹ.
Trừng hợp của Di Văn chỉ là một trong những câu chuyện đáng tiếc của những thần đồng nhí khác. Như Ninh Bo, sinh năm 1968, người gốc tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Ông có trí nhớ siêu phàm từ nhỏ, có thể tự học mà không cần nhờ vào bất kỳ giáo viên nào. Khi 2 tuổi, ông đã có thể đọc được hàng chục bài thơ, 4 tuổi đã có thể nhớ được hàng trăm chữ Hán tự. Khi lên 5, ông được cha gửi đến trường học và chỉ sau 5 năm đã được nhận vào Đại học Khoa học và Công Nghệ Quốc gia Trung Quốc.
Năm thứ 2 đại học, ông được một giáo viên là người bạn của cha mình, Ni Lin, giới thiệu với Phó Thủ tướng Fang Yi, cũng là chủ tịch của Viện Hàn Lâm Khoa học Trung Quốc. Lúc đó, giáo viên này đang chuẩn bị thành lập một lớp học dành cho những người trẻ tài năng trên toàn quốc. Ning Bo 10 tuổi đã tham gia bài kiểm tra và đạt được điểm số rất cao.
Ninh Bo quy y cửa phật ở tuổi 34
Tuy nhiên, sau khi Ning Bo tham gia vào lớp học này, điểm số của một số môn không được cao. Áp lực vì sự tung hô của truyền thông, Ninh Bo chán nản và xuống dốc tinh thần lẫn thể xác. Ông chọn Đại học Nam Kinh để học thiên văn học, nhưng đã bị từ chối, buộc phải học tại Đại học Khoa học và Công nghệ Trung Quốc, chuyên ngành vật lý.
Điều đáng nói là môn vật lý là một điểm yếu của Ning Bo, do đó thành tích của ông ngày càng kém đi. Sự miễn cưỡng học ngành mình không thích, cộng với áp lực điểm số và sự kỳ vọng của mọi người rất lớn khiến ông luôn cảm thấy mệt mỏi. Sau khi tốt nghiệp đại học, ông được mời về giảng dạy tại Đại học Khoa học và Công nghệ Trung Quốc và trở thành giảng viên đại học trẻ nhất ở tuổi 19.
Có lẽ đó là quá nhiều đấu tranh nội tâm và tìm đến cửa Phật để làm dịu tâm hồn nên Ning Bo ngày càng hứng thú với Phật giáo hơn. Khi 34 tuổi, ông đến núi Ngũ Đài Sơn ở tỉnh Sơn Tây với mong muốn trở thành nhà sư nhưng không được. 1 năm sau đó, ông đã đấu tranh rất nhiều và cuối cùng đã trở thành một nhà sư trong một ngôi chùa ở tỉnh Giang Tây.