Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn. (Ảnh: Nguồn VOV)
Trong thời gian gần đây, việc giá sách giáo khoa tăng cao gấp 2-3 lần so với trước đây đã khiến dư luận xôn xao, bàn tán. Tại phiên họp tổ trong kỳ họp Quốc hội diễn ra hôm nay (25/5), Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, các bộ sách cũ thuộc chương trình 2016 là sách được nhà nước đã bỏ tiền cho rất nhiều các khâu từ biên soạn, thẩm định.
Tức là những phần đã được nhà nước tổ chức trước đây theo hệ thống cũ, khổ nhỏ hơn, giấy xấu, giá thành dao động từ 50.000 đến hơn 100.000 đồng, còn giá bộ SGK mới giá thành dao động từ 200.000 - 300.000 đồng tùy từng loại sách.
Sách giáo khoa theo chương trình mới được biên soạn với “khổ lớn hơn, giấy tốt hơn”
Bộ sách “Chân trời sáng tạo” của NXB Giáo dục Việt Nam. (Ảnh: Nguồn TTXVN)
Theo đó, ông cho rằng khi chúng ta so sánh giá sách thì cần so sánh giá sách tương đồng, tức là so sánh giá các bộ sách được biên soạn mới theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 với nhau.
Lý giải giá sách tăng cao, Bộ trưởng cho biết: quy trình từ biên soạn cho đến giới thiệu, thử nghiệm, phát hành là các doanh nghiệp hoàn toàn đảm nhiệm việc đó và kê khai giá với Bộ Tài chính. Như giá thành sách các bộ sách lớp 3, lớp 7, lớp 10 của NXB Giáo dục năm nay là giảm được từ 10-15% so với các sách tương ứng mới của năm ngoái, trong khi giá thành vật liệu, nhiên liệu tăng lên.
Trong khi đó, sách mới cho lớp 1, lớp 2, lớp 3, lớp 7, lớp 10, tức là một hệ thống biên soạn mới, xã hội hóa theo chủ trương của Quốc hội là xã hội hóa nhiều bộ sách và các loại sách này biên soạn với khổ lớn hơn, giấy tốt hơn. Hơn nữa, quy trình từ biên soạn cho đến giới thiệu, thử nghiệm, phát hành là các doanh nghiệp hoàn toàn đảm nhiệm việc đó và kê khai giá với Bộ Tài chính.
“Nếu như so với sách của hệ thống cũ thì chúng ta thấy nó khác nhau, nhưng nếu so với sách của chương trình mới thì nó đồng đẳng, nên hợp lý hơn. Nếu như so với các bộ sách mà Nhà nước tổ chức trước đây mà chúng ta nói nó tăng thì sự so sánh đấy nó không tương đồng”, ông nói.
Theo công bố công khai của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, một bộ SGK lớp 3 có giá từ 177.000 đồng đến 183.000 đồng. Bộ SGK lớp 7 từ 208.000 đồng đến 209.000 đồng. Bộ SGK lớp 10 từ 246.000 đồng đến 301.000 đồng. Và tất cả giá này đều chưa bao gồm sách cho bộ môn tiếng Anh.
Giá sách này được đánh giá đắt gần gấp đôi so với chương trình cũ. Khi với cùng khối lớp, giá sách trước kia chỉ dao động từ 58.000 đồng đến 172.000 đồng.
Giá SGK theo chương trình mới.
Tuy nhiên, khổ sách, số cuốn, số màu in các cuốn sách trong bộ sách mới đều cao hơn bộ sách cũ. Số lượng cuốn sách giáo khoa trong bộ sách giáo khoa mới (từ 10-13 cuốn) cao hơn số lượng cuốn sách trong bộ sách giáo khoa cũ (6 -11 cuốn), số lượng màu in nhiều hơn (sách cũ 2-4 màu, sách mới tất cả 4 màu), khổ sách rộng hơn (sách cũ 14cm*24cm, sách mới 19cm*26.5cm)...
Người đứng đầu ngành Giáo dục cũng cho biết, đã có chỉ đạo Nhà xuất bản Giáo dục với mỗi bản sách giáo khoa mới sẽ dành 25.000 bản để phát cho học sinh ở các vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, con số này vẫn là ít. Do vậy, cần có các biện pháp khác.
Bên cạnh đó, ngay khi sách chưa phát hành thì đã có yêu cầu nhà xuất bản cung cấp file PDF lên các trang của nhà xuất bản để học sinh có thể lấy các file xuống một cách thuận tiện.
Nói về giải pháp, ông Sơn cho biết Bộ đang tiến hành triển khai làm sao để giá thành sách hợp lý nhất, thuận tiện cho người học.
“Sách giáo khoa mới hoàn toàn có thể dùng lại được chứ không phải sách dùng một lần”
Trước những thông tin bàn tán trên mạng vẫn nói sách giáo khoa không dùng lại được ông Sơn khẳng định: “Các sách theo bộ mới biên soạn là hoàn toàn dùng lại được chứ không phải là sách dùng một lần”.
Sách giáo khoa với “khổ lớn hơn, giấy tốt hơn”.
Bộ trưởng cũng giải thích thêm: “Còn người ta cứ nói năm nào cũng phải thay sách, bởi vì phải thay 12 năm mới hết được. Hiện nay, đang thay cuốn chiếu lớp 1, lớp 2, lớp 3, lớp 7, lớp 10, còn năm tới là lớp 4, lớp 8 và lớp 11 và một năm nữa mới thay xong. Như vậy, năm nào cũng có nhiệm vụ thay sách thì đương nhiên sách cũ sẽ không dùng được cho năm mới”.
Liên quan đến câu chuyện giá SGK tăng giá, ĐBQH Hoàng Thị Thanh Thúy, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách ĐBQH tỉnh Tây Ninh cho rằng: “Đối với việc tăng giá sách giáo khoa, đặc biệt một số phụ huynh nói không cần màu sắc quá sặc sỡ mà quan trọng là chất lượng nội dung của chương trình giáo dục, tôi cho rằng điều này là hợp lý”.
Trong phiên thảo luận về dự kiến chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023, đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) nêu một loạt vấn đề liên quan đến sách giáo khoa như in sai, ngôn từ còn nhiều không phù hợp, hình ảnh chưa chuẩn mực, quá nhiều bộ sách giáo khoa được đề nghị sử dụng gây nên sự lúng túng trong lựa chọn với không chỉ với phụ huynh mà còn với các trường, sở giáo dục.
“Đặc biệt sách giáo khoa không được sử dụng lại nên mỗi năm tốn hàng ngàn tỷ đồng để mua sách giáo khoa mới, gây khó khăn cho các gia đình có con đi học, đặc biệt với gia đình khó khăn”, đại biểu đoàn Hà Nội cho hay.
Trước vấn đề tăng giá sách giáo khoa, chị Nguyễn Thị Hà (Phụ huynh học sinh ở Đông Anh, Hà Nội chia sẻ: “Gia đình có có hoàn cảnh khó khăn nên chỉ mong các cháu được học hành đầy đủ, sách vở của các con cũng là một áp lực khi chúng tôi có tới 3 đứa con nhỏ, đứa lớn học cấp 2, còn hai đứa bé học cấp 1. Bây giờ, giá sách tăng cao, tôi cũng mong nhà nước xem xét lại chi phí để con em nghèo có thể mua được sách”
Có thể nói, việc giá sách tăng cao vẫn còn là bài toán mà nhiều người băn khoăn. Tuy vậy, nhiều người vẫn ủng hộ việc tăng giá này bởi cho thấy đó là sự hợp lý và thức thời trong nền kinh tế thị trường nhiều biến động.