Theo báo Thanh niên, được biết hành trình khởi nghiệp của chị Lương Thị Kiều Thúy không hề dễ dàng. “Tôi bị khiếm thính từ năm 10 tuổi, mỗi ngày nặng thêm, cho đến giờ thì không nghe được gì nữa”, chị Thúy mở đầu câu chuyện về số phận của mình. Vượt qua nhiều khó khăn để đi học, Thúy mơ ước trở thành nhà báo và đã tốt nghiệp một trường đào tạo về báo chí. Thế nhưng sau khi hoàn thành chương trình học, chị Thúy nhận ra rằng nghề báo không dành cho người khiếm thính nên phải chuyển nghề để mưu sinh.
Chị Thúy dạy ngôn ngữ và kỹ năng cho các bạn trẻ điếc đến làm việc tại tiệm. Ảnh: báo Thanh niên
Suốt 5 năm rẽ ngang với bao công việc khác nhau, dù có thu nhập ổn định nhưng chị Thúy vẫn không cảm thấy thoải mái bởi luôn phải sống một cuộc sống rất cô đơn, lặng lẽ vì khó khăn trong giao tiếp. Khi thực hiện “Nghiên cứu về tình trạng việc làm của người điếc tại Hà Nội năm 2019” cùng Viện iSEE, chị Thúy càng hiểu rõ hơn về thực trạng, khó khăn trong việc làm của người đồng cảnh, cũng như những tâm tư, nguyện vọng của họ. Câu hỏi liệu có ngành nghề phù hợp để người điếc có thể làm việc cứ xoay trong tâm trí Thúy và chị luôn tìm cho mình cơ hội được học tập, được tham gia vào các hoạt động vì người khuyết tật.
Chị Lương Kiều Thúy (thứ hai từ trái qua) và những nhân viên tại Tiệm giặt là của người Điếc.
Ảnh: báo Thanh niên
“Nhờ một mối quan hệ xã hội, tôi được biết đến công việc giặt là. Khi qua lớp tập huấn, tôi nhận thấy công việc này phù hợp với người điếc/khiếm thính, nên tôi đã quyết định nghỉ công việc chính của mình để trải nghiệm công việc giặt là”, chị Thúy kể. Sau một thời gian đi làm và học các kỹ năng khởi nghiệp, chị đã ấp ủ xây dựng mô hình giặt là, tạo cơ hội việc làm cho người điếc.
“Thành quả những ngày thu hoạch kiến thức không chỉ là giấy chứng nhận, tôi đã cố gắng xây dựng dự án khởi nghiệp của cá nhân. Có lẽ phải cố gắng thật nhiều, thật nhiều nữa…”, cô gái quyết tâm.
Từ những thành công bước đầu, chị Thúy quyết định mở Tiệm giặt là của người Điếc vào tháng 12.2020 và đã dệt lên nhiều câu chuyện huyền thoại ở đây.
Chị Lương Thị Kiều Thúy (ngoài cùng bên trái) và các nhân viên tại “Tiệm giặt là người Điếc”.
Ảnh: chuyên trang Pháp luật xã hội
Cùng chia sẻ về hành trình kỳ diệu này chuyên trang Pháp luật xã hội đưa tin, dưới thương hiệu “Giặt Ký +” là chuỗi cơ sở kinh doanh giặt là tại Hà Nội, tiệm sử dụng hoàn toàn nhân sự là những người điếc, khiếm thính. Quy trình giao tiếp với khách hàng được thiết kế riêng, lợi nhận sẽ được sử dụng hoàn toàn cho các lớp học kỹ năng sống cho người điếc, hỗ trợ người điếc hòa nhập xã hội.
Thế nhưng khởi nghiệp trong giai đoạn khó khăn vì dịch bệnh Covid-19 bùng phát trở lại nên khi hoạt động được 2 tháng, “Giặt là Sáng” đối mặt với khó khăn kép bởi các đợt giãn cách xã hội, thời điểm mùa hè không phải là “mùa giặt”. Hình ảnh cơ sở phải đóng băng dịch vụ, tiếp nhận lượng khách hàng ít ỏi, thậm chí có ngày cơ sở không có doanh thu. Trước thực trạng đó, Thúy và nhân viên đã đồng thuận “giảm lương” để duy trì tiệm giặt, chắt chiu từng chi phí để “sống sót”.
Vượt qua những ngày sóng gió, trong hành trình tìm lại thương hiệu “Giặt là Sáng - Tiệm giặt là của người Điếc”, Thúy may mắn nhận được tài trợ từ Giải chạy Pháp ngữ, thông qua tổ chức NICE Program. Cùng với sự nỗ lực, kiên trì của bản thân khi mỗi ngày dành 12 tiếng để làm việc, vừa tổ chức đào tạo nghề, vừa tổ chức dạy kỹ năng cho nhân viên, vừa phải tìm hướng đi phát triển cho tiệm, tìm kiếm và chăm sóc khách hàng,... Những “đơn hàng” bắt đầu “nổ đơn” và tia nắng đầu tiên đã xuất hiện cho “Giặt là Sáng – Tiệm giặt là của người Điếc”.
Thúy chia sẻ: “Tôi nhớ như in hình ảnh chạy xe máy, vận chuyển 2 bao đồ khoảng hơn 50kg, trong khi cân nặng của tôi chỉ 43kg. Tôi trải nghiệm mọi công việc mà mình có thể làm trong quá trình này, dù thời tiết, tình hình dịch bệnh thay đổi như thế nào đi nữa thì tôi và mọi người vẫn chăm chỉ thay nhau làm việc. Tôi nhớ có lần, chúng tôi lần lượt bị nhiễm Covid-19 và phải làm thay nhau trong một thời gian dài. Tiệm giặt là không thể đóng cửa ngày nào vì chúng tôi rất có trách nhiệm với đồ của khách hàng. Vậy mà cuối cùng thời gian đó cũng qua đi, chúng tôi lại vượt qua một cánh cửa thì cũng trở nên mạnh mẽ hơn”.
Trong khoảng gần 2 năm vừa qua, từ ý tưởng kinh doanh “Giặt là Sáng”, Thúy đã xây dựng thành công mô hình “Giặt là Sáng - Tiệm giặt là của người Điếc” tại quận Hoàng Mai và quận Thanh Xuân, Hà Nội. Từ 3 bạn người điếc, khiếm thính ban đầu đến nay đã có 10 người điếc, khiếm thính và phục vụ cho gần 4.000 khách hàng. Để đạt được những con số biết nói trên từ chính sự tin tưởng khách hàng và nỗ lực của các “nhân viên đặc biệt” trong việc xây dựng môi trường làm việc tiếp cận.
Chị Thúy cho biết thêm, để “Tiệm giặt là của người Điếc” có thể trụ vững, cạnh tranh một cách sòng phẳng với mô hình kinh doanh khác, ngoài chú trọng yếu tố chất lượng phục vụ, cửa hàng đã đẩy mạnh sự khác biệt và chuyên sâu hơn. Các nhân viên được dạy bằng ngôn ngữ ký hiệu, các quy trình làm việc riêng biệt phù hợp với dạng tật, được thể hiện bằng sơ đồ, hình ảnh trực quan sinh động. Quy trình giao tiếp với khách hàng được thiết kế riêng biệt để giao tiếp trơn tru, không gây trở ngại cho khách hàng. Các trường hợp khó hơn sẽ có các bạn nhiều kinh nghiệm hỗ trợ và có bộ phận chăm sóc khách hàng riêng, đảm bảo khách hàng được phục vụ một cách thoải mái nhất.
Về chất lượng sản phẩm, ngoài việc giặt là các sản phẩm thông thường, tiệm còn nhận vệ sinh cho các mặt hàng cao cấp (áo lông vũ, quần áo đắt tiền…) theo đúng yêu cầu, mong muốn của khách hàng; có công nghệ giúp giày dép sáng bóng như mới.
https://hoanhap.vn/chi-tiet/cau-chuyen-ky-dieu-tai-tiem-giat-la-cua-nguoi-diec1665652710.html