Theo báo Lao Động đăng tin, Nguyễn Phúc Đức (SN 1997) sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông ở xã Kha Sơn, huyện Phú Bình.
Nói về lí do cánh tay không còn nguyên vẹn, Phúc Đức nhớ lại, đó là một tai nạn vào năm lớp 6, khi ngang qua một công trình xây dựng dang dở, anh bị tường sập đè vào người. Khi tỉnh dậy trong bệnh viện, Đức thấy bông băng quấn kín người. Lúc nhìn xuống thì tay phải không còn nữa.
Không chỉ đau đớn về thể xác, thời điểm đó sự mặc cảm khi thành một người khuyết tật cứ dày vò Đức mãi. Nhớ về khoảng thời gian khó khăn ấy, Đức chia sẻ: "Thời gian đầu bản thân tôi đau đớn vô cùng. Đi đâu cũng thường mặc áo dài để che đi khuyết điểm của mình và chẳng dám giao tiếp với ai".
Dù bị cụt tay, nhưng Nguyễn Phúc Đức vẫn tích cực tham gia hiến máu.
Thời gian cứ thấm thoát trôi, rồi Phúc Đức cũng bước vào cánh cổng trường đại học. Sinh ra trong một gia đình thuần nông nên việc định hướng của gia đình còn nhiều hạn chế, nên Phúc Đức tiếp tục chật vật với con đường đi tìm con chữ.
Trong 4 năm, Đức đã 2 lần thay đổi trường Đại học do không phù hợp. Bến đỗ cuối mà chàng trai này lựa chọn là Khoa Du lịch, trường Đại học Khoa học, Đại học Thái Nguyên. Nơi mà được xem là đã thay đổi cuộc đời Đức.
Với khát khao được hiến dâng những điều tốt đẹp cho đời, Đức đã thường xuyên tham gia hiến máu nhân đạo. Dù mới 25 tuổi, nhưng đến nay chàng trai với nụ cười hiền hậu ấy đã có 24 lần tham gia hiến máu.
Nguyễn Phúc Đức (ở giữa) trong lần nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên về những đóng góp trong hoạt động hiến máu.
Cùng đưa tin về chàng trai giàu nghị lực này, báo Thái Nguyên cho hay Đức còn tham gia Câu lạc bộ (CLB) Thanh niên tình nguyện Hội Chữ thập đỏ tỉnh Thái Nguyên và đang là Phó Chủ nhiệm CLB. Theo Đức, tham gia CLB cũng như tham dự các chương trình thiện nguyện “Hành trình đỏ”, em có cơ hội được làm quen, gặp gỡ với những người bạn mới và được học hỏi nhiều kinh nghiệm trong cuộc sống, đặc biệt là trong tuyên truyền, vận động, hiến máu tình nguyện.
Theo chia sẻ của Đức, trong quá trình tham gia tuyên truyền hiến máu tại các bệnh viện, em gặp nhiều trường hợp không may mắn, đặc biệt là những bệnh nhân bị bệnh tan máu bẩm sinh, trong 1 tháng phải truyền máu từ 1 đến 2 lần để duy trì sự sống. Đức rất thương cảm và tự nhủ nếu sức khỏe tốt sẽ duy trì việc hiến máu thường xuyên. Vì “Một giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại”.
Đức kể: Em đã từng quen một anh bạn là bệnh nhân tại Bệnh viện Huyết học truyền máu Trung ương. Căn bệnh tan máu bẩm sinh đã tàn phá cơ thể khiến anh ấy nhỏ thó, xanh xao. Em vẫn nhắn tin qua lại nhưng một thời gian sau không thấy anh ấy tương tác cùng, hỏi ra mới biết anh ấy đã rời xa cuộc đời này. Hay có lần chúng em vào Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên tặng quà cho 1 cháu nhỏ bị bệnh tan máu bẩm sinh, cháu bé ấy cảm ơn bọn em, còn hứa sẽ là “chiến binh” chống đỡ với bệnh tật, nhưng vài tháng sau em nghe tin cháu bé đã qua đời.
Gần 8 năm tham gia hiến máu và vận động hiến máu tình nguyện, Đức đã vinh dự được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh; Giấy khen của Hội Chữ thập đỏ tỉnh, Bệnh viện Huyết học truyền máu Trung ương, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên…
Đối với Đức, tham gia các hoạt động hiến máu tình nguyện không chỉ là trách nhiệm mà còn là cơ hội để em được trải nghiệm cuộc sống nhiều hơn nữa. Nói về dự định trong tương lai, chàng thanh niên 25 tuổi này bày tỏ quyết tâm: “Em mong muốn luôn có sức khỏe tốt để học tập sau này có một công việc ổn định và được cống hiến nhiều hơn nữa cho cộng đồng. Đặc biệt, em sẽ theo đuổi công việc hiến máu cứu người cho tới khi nào không còn đủ sức khỏe và điều kiện”.
https://hoanhap.vn/chi-tiet/chang-sinh-vien-khuyet-tat-24-lan-hien-mau-cuu-nguoi1676293069.html