Anh Nguyễn Chánh Tín 35 tuổi, quê ở Bình Định là một tấm gương vượt khó, truyền cảm hứng cho người khuyết tật. Sinh ra lành lặn, khỏe mạnh như bao người khác, anh Tín vào TP.HCM rời để học tập và làm việc năm 18 tuổi.
Từ những ngày còn ngồi trên ghế nhà trường, anh Tín đã biết cách tự trang trải chi phí cho học tập và sinh hoạt.
Năm 23 tuổi, với số vốn ít ỏi tích lũy được, anh quyết định khởi nghiệp. Khi công ty đang trên đà phát triển, anh bất ngờ bị tai nạn giao thông nghiêm trọng, sự sống “ngàn cân treo sợi tóc”.
Tỉnh dậy trong bệnh viện, Tín đau đớn suy sụp khi biết đôi chân mình không còn cử động được nữa. Thương bố mẹ, anh quyết định vực dậy và tìm cho mình con đường mới.
Chàng trai Chánh Tín và người bạn đời của mình (Ảnh: Báo Lao động)
Sau khi sức khỏe ổn định, anh Tín quyết tâm tìm cho mình một công việc để có thể tự nuôi bản thân. Hết mở tiệm tạp hóa, bán hàng online cho tới bán đặc sản Bình Định cho người dân TPHCM, anh Tín đã dần thích nghi với cuộc sống hiện tại và luôn nỗ lực vươn lên. Nhờ vào lòng kiên trì vượt khó và tinh thần tích cực của mình anh Tín đã khiến trái tim của chị Nguyễn Thủy Trúc (sinh năm 1990) rung động.
Anh từng kể: "Lúc ấy Trúc ở Sài Gòn và đặt mua hàng của tôi, hai người lại bắt đầu câu chuyện bằng việc hỏi thăm chất lượng sản phẩm giá 360 nghìn đồng gồm dây sạc và pin dự phòng, rồi không hiểu sao lại dễ đồng điệu và chia sẻ với nhau nhiều chuyện. Trúc là người đã trải qua nhiều mất mát tình cảm, tôi cũng vậy. Chính vì thế hai người dễ có những thấu hiểu nhau. Không biết từ lúc nào thương nhau".
Đầu năm 2020, anh quyết định vào lại Sài Gòn cùng Trúc chung sống một mái nhà. Đến tháng 7/2020, anh bắt đầu chấp bút viết tự truyện. Cuốn sách "Tôi chọn sống" có 29 chương, dài 220 trang ghi lại hành trình anh vượt qua biến cố, giành giật sự sống và gặp tình yêu đời mình.
Bên cạnh viết sách, hai vợ chồng anh Tín còn mở những khóa học ngắn hạn giúp người khuyết tật làm quen với việc kinh doanh online như hướng dẫn cách đăng bài, viết nội dung trên bài đăng, cách tìm nguồn hàng và nhận biết xu hướng.
Anh Tín chia sẻ: “Mong ước lớn nhất của tôi là lập ra một diễn đàn dưới hình thức ‘siêu thị online’. Đó sẽ là cầu nối giữa nhà cung cấp và khách hàng. Trên đó, người khuyết tật có thể tự đăng bài để bán sản phẩm handmade của mình. Họ cũng có thể học các khóa học kinh doanh, khóa học nghề online hay liên kết mạnh thường quân và các hoàn cảnh khó khăn cần giúp đỡ”.