Tại buổi toạ đàm trực tuyến với chủ đề "Hỗ trợ tâm lý học sinh trở lại trường học sau giãn cách" ngày 18/12, TS. Khúc Năng Toàn (Khoa Tâm lý - Giáo dục học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) cho biết:
Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, nhiều trẻ rơi vào hoàn cảnh bố mẹ mất việc làm, gặp khó khăn về kinh tế, dẫn tới những mâu thuẫn không đáng có. Thậm chí, một số em còn là nạn nhân của bạo lực gia đình. Không ít em phải đi cách ly với người thân. Hay có những em mất mát đi người thân yêu. Điều này gây ảnh hưởng lớn dến tâm lý các trẻ khi quay lại trường, thậm chí còn ám ảnh các em cả quãng đời về sau.
PGS.TS Vũ Thị Khánh Linh- Khoa Tâm lý - Giáo dục học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cũng cho biết thêm, đại dịch COVID-19 còn khiến trẻ mắc phải một số vấn đề tâm lý như: hoang mang, bất an hay lo lắng. Biểu hiện mà cha mẹ, thầy cô có thể nhận thấy đó chính là sự thay đổi về tâm trạng; trẻ vui buồn thất thường, đi kèm với đó là khí sắc kém, khuôn mặt luôn ủ ê, thiểu não.
Ngoài ra, giờ giấc sinh hoạt của trẻ cũng thay đổi như: Ngủ trễ vào ban đêm, buổi sáng lại dậy muộn, đến lớp dễ ngủ gật, thu mình trong các giờ ra chơi, mặc dù trước kia rất hoạt bát và năng nổ. Không những vậy, trẻ em cũng có xu hướng tự làm đau mình.
Theo Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Nguyễn Tất Thành, học trực tuyến lâu ngày, những học sinh này cũng sẽ chịu ảnh hưởng về tâm lý. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng phụ thuộc rất nhiều vào sự tác động của gia đình, thầy cô và khả năng vượt khó của các em.
Trước vấn đề này, các chuyên gia cho rằng, thầy cô cần kết nối với phụ huynh để dành sự quan tâm tới học sinh, kịp thời phát hiện những vướng mắc và giải toả tâm lý của các em. Đồng thời, các chuyên gia khuyên rằng, thầy cô, cha mẹ không nên đặt nặng áp lực lên con, bởi các con khỏe mạnh để đi học trở lại đã là một điều may mắn. Lượng kiến thức hổng cần có thời gian để bù đắp, không được nhồi nhét vội vàng mà cần có thời gian và lộ trình phù hợp, nếu không sẽ ảnh hưởng lớn tới tâm lý trẻ em.
Để trẻ thích nghi, bắt kịp với việc học tập tại trường sau thời gian dài nghỉ dịch, thầy cô cần đồng hành cùng các con. Đầu tiên, thầy cô đồng hành cùng con trong việc xây dựng lộ trình phù hợp. Tiếp đó, thầy cô cần cùng các con thực hiện. Điều này có thể được thể hiện qua sự tăng cường tương tác với các con trên lớp cũng như là ở nhà. Trên lớp, giáo viên có thể động viên, khuyến khích các con, nhưng cần có sự tinh tế để các con không nghĩ mình là đối tượng phải quan tâm đặc biệt.
Ngoài ra, thầy cô cần nhìn vào sự nỗ lực của các con thay vì thành tích mà con đạt được. Ở nhà, bên cạnh kết nối với phụ huynh, thầy cô có thể trao đổi với học sinh bằng những tin nhắn với nội dung nhắc nhở gần gũi, nhẹ nhàng.
Trước đó, trong thời gian nghỉ dịch và học trực tuyến, các em cũng gặp phải những vấn đề khó khăn. Theo báo cáo từ Bộ LĐTBXH, đến ngày 10/9 có hơn 40.000 trẻ là F0, F1; hàng nghìn trẻ rơi vào cảnh mồ côi cha, mẹ sau đại dịch. Tỉ lệ tổn thương sức khỏe tâm thần của trẻ trong đại dịch là phổ biến, gây ra những hậu quả cụ thể về mặt cảm xúc, trong đó độ tuổi từ 15-18 có triệu chứng lo âu, trầm cảm cao hơn hẳn so với các nhóm tuổi khác.
Ở nhà quá nhiều vì dịch, trẻ từ 3-6 tuổi tiếp cận thiết bị điện tử nhiều dễ dẫn đến các hành vi thái quá; trẻ 6-12 tuổi sử dụng thiết bị điện tử nhiều cũng dễ có cảm xúc tiêu cực…