Đến ngõ 6, phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm, TP. HN hỏi thăm gia đình “ông Chuôm” thì hầu như ai cũng biết. Thành tích học tập của các thành viên trong gia đình ông được rất nhiều người ngưỡng mộ. Họ đã nuôi lớn 5 cô con gái, trong đó có 2 tiến sỹ và 3 thạc sỹ.
Ông Hoàng Văn Chuôm luôn tự hào về thành tích của các con
Ông bà vẫn kể cho chúng tôi về chuyện ngày xưa khi sinh đến cô thứ 4 rồi đến người con thứ 5 đều là con gái, nhiều người nói ra nói vào, bàn tán về gia đình ông. Có người nói với ông bà: “ toàn con gái thì cho học hành làm gì”. Ấy vậy mà chẳng để bụng, ông bà đã bỏ qua tất cả những lời rèm pha để nuôi các con lớn lên. Ông bà luôn tâm niệm, dù có đói khổ thế nào cũng phải cho các con ăn học nên người.
Vay nợ suốt mấy chục năm để cho các con được ăn học
Người cha tuổi ngoài 80 nhưng vẫn minh mẫn kể cho chúng tôi nghe về hành trình lớn lên của 5 cô con gái. Vào đầu những năm 70, ông Hoàng Văn Chuôm mến đức tính chịu thương, chịu khó của bà Nguyễn Thị Hà và hai người nên duyên vợ chồng. Ông bà công tác và lập nghiệp ở huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La trong suốt mấy chục năm.
Thế rồi, lần lượt 5 người con gái ra đời được ông bà đặt những cái tên rất đẹp: Hiền, Hằng, Nga, Ngân, Châu với ước mong các con có được cuộc sống sung túc, hạnh phúc. Những năm tháng bao cấp, một miệng ăn đã khó đây cả gia đình 7 người với các con đang tuổi ăn, tuổi lớn khiến ông bà như dốc toàn bộ sức lực.
4/5 người con gái nay đã thành thạc sỹ, và tiến sỹ của ông bà.
Ngày đó, ông Chuôm làm cán bộ nông nghiệp nhưng lương chỉ vỏn vẹn 56 đồng, bà Hà được 35 đồng. Với đồng lương ít ỏi, do vậy, cứ rảnh tay lúc nào là ông bà tăng gia sản xuất, nuôi thêm con lợn, con gà, trồng thêm luống rau rồi cóp nhặt tiền để cho các con.
“Sợ nhất là hè với tết, nhà mình đông con, chúng nó về thì mừng lắm mà chúng nó đi thì lo. Thế tôi mới có câu “Tất tay của Thuận Châu (Sơn La)” vì chúng nó đi là cứ có đồng nào là đưa các con hết”- Ông Hoàng Văn Chuôm cười tươi nói với chúng tôi.
Vì các con, ông bà chấp nhận cảnh túng thiếu quanh năm để các con được đến trường, được đi học như các bạn đồng chăng lứa. “Tôi chẳng nhớ là vợ chồng tôi vay nợ đến bao nhiêu năm. Cứ vay rồi trả, vay rồi trả để đủ tiền cho con đi học. Nhớ nhất là người hàng xóm khi đó làm lái xe, chúng tôi cứ mượn của anh chị ấy suốt. Các con của tôi lớn lên có lẽ cũng có phần của anh chị ấy”- Ông nhớ lại.
Gánh hàng dong nuôi con thành thạc sỹ, tiến sỹ
Ông Hoàng Văn Chuôm cẩn thận lấy chiếc đòn gánh được ông cất giữ cẩn thận mấy chục năm nay. Vừa cầm chiếc đòn gánh, ông vừa bùi ngùi xúc động: "Nhờ chiếc đòn gánh này mà các con mới lớn lên thành tài".
Ông Hoàng Văn Chuôm gìn giữ chiếc đòn gánh mấy chục năm như một kỉ vật về một thời gian khó.
Bà Hà (vợ ông) nghe những lời ông nói mà nước mắt như trực trào ra vì nhớ lại những ngày tháng đầy gian khổ của chính mình. Bà kể lại: "Ngày đấy khổ lắm, dù làm ở bệnh viện nhưng cứ trưa đến là gánh đôi quang gánh nào bỏng ngô, nào tí lạc, tí bánh, tí cá khô,… bao nhiêu là đồ vào trong mấy bản bán cho bà con. Không có ngày nào là bỏ xót kể cả nắng hay mưa. Cứ hở ra thời gian nào là làm bạn với đôi quang gánh giờ ấy”- Bà Hà xúc động kể lại.
Người phụ nữ tảo tần nuôi các con khôn lớn bằng đôi đòn gánh rong ruổi khắp các bản làng Tây Bắc
Ông bà cóp nhặt từng đồng, từng hào một cho con đóng học vì sợ các con thua thiệt với các bạn khi phải đóng học muộn. Bà Hà vẫn nhớ mãi: “Có lần nó về xin tiền đóng quỹ lớp mà nhà sắp hết gạo. Tôi đành đưa tiền mua gạo chi con đóng học, còn nhà thiếu ăn một bữa không sao"
Vì ông làm cán bộ nông nghiệp nên hay đi công tác xa nên tuổi thơ của 5 cô con gái có nhiều thời gian gần gũi với mẹ. “Nuôi 5 đứa thì cái Ngân (Người con gái thứ 4 của ông bà) là khó nhất. Ngày đó có dịch sẩy, vì đông con lại mải đi làm nên mấy đứa phải tự trông nom nhau. Thế là mấy đứa nó nghịch nước, Ngân nó bị viêm phế quản, con bé cứ bị ngạt suốt, phải nằm viện. Lúc đó mới sinh cô con út mà lòng như lửa đốt, cứ phải thả đứa út xuống rồi bế dựng con bé lên cho nó thở. Thương vô cùng, nhìn con mà sót lắm, sợ nó chết mất.”- Bà xúc động kể lại thời thơ bé của các con.
Tôi chỉ dạy con "dù các con có làm gì cũng phải lấy uy tín làm đầu"
“Ngày còn bé, chúng tôi dạy con khác lắm. Lúc chúng sắp đi ngủ là đố bài toán đi chợ. Mẹ đi chợ có 5 quả trứng, bán hết 2 quả thì còn mấy quả? Sau này khi lớn lên thì mấy chị em bảo nhau. Mấy đứa ngoan lắm, chúng cứ dạy nhau và lớn thành người”- Ông Chuôm chia sẻ
Những ngày hè đến, để các con được mở mang kiến thức, ông bà cố gắng cho con được xuống Hà Nội để các con được nhìn thấy giảng đường, được nhìn thấy ánh đèn đô thị. Năm nào cũng vậy, cứ hè đến, bà đi vay mỗi người một ít để chị lớn dẫn em nhỏ xuống dưới phố phường. Đó không chỉ là một sự yêu thương mà còn là sự gửi gắm niềm mong ước nhỏ nhoi của người mẹ về một tương lai tươi sáng của các con.
Hạnh phúc viên mãn của ông bà bên các con, các cháu
Ông Chuôm vẫn nhắc đi nhắc lại lời dạy các con cho đến bây giờ: “Dù các con làm gì cũng phải lấy uy tín làm đầu”. Không quên lời dạy của ông bà, 5 cô con gái của ông bà đều đã thành đạt, là niềm tự hào của gia đình, dòng họ.
Con gái lớn của ông bà là Thạc sỹ Hoàng Thị Hiền (SN: 1973), hiện đang công tác tại Viện vắc xin và Sinh phẩm Y tế. Con gái thứ hai là Tiến sỹ Hoàng Thị Hằng – Giảng viên trường Cao đẳng Y tế Thái Nguyên. Người con gái thứ ba là Tiến sỹ Hoàng Thị Nga, công tác tại Viện dinh dưỡng quốc gia. Người con gái thứ tư là Thạc sỹ Hoàng Thị Ngân- Giám đốc Công ty TNHH nha khoa Bảo Châu. Người con gái út của ông bà cũng không thua kém các chị của mình khi cô là Thạc sỹ Hoàng Minh Châu đang làm việc tại tập đoàn Nissan Techno Vietnam.
Ông Chuôm, bà Hà cùng các con cháu trong những chuyến đi chơi.
Thành tích học tập, công tác của các con đã làm rạng danh gia đình và dòng họ, nhưng điều khiến ông bà vui mừng, tự hào nhất là dù có điều kiện ra nước ngoài học tập và công tác, các con vẫn chọn quay về quê hương.
Hiện nay, ở tuổi xế chiều, hai ông bà sống trong căn nhà đơn sơ với mảnh vườn nhỏ, cạnh nhà cô con gái út. Dù các con ở xa, ở gần nhưng vẫn thường xuyên quan tâm, lo lắng cho ông bà, cha mẹ. Mỗi một tin báo về thành tích học tập, công tác của các con cháu là niềm vui tuổi già mà ông bà luôn trân quý.
Gia đình ông Chuôm nhiều năm liền đạt danh hiệu gia đình xuất sắc và được vinh danh ở cả phong trào của tỉnh Sơn La và phong trào của phường Đông Ngạc, thành phố Hà Nội. Gia đình ông Chuôm, bà Hà chính là gia đình tiêu biểu điển hình cho những tiến bộ của tri thức và xã hội.