“Đi cũng gãy, ngồi cũng gãy, thậm chí chỉ cần ho hay hắt xì thì xương mình cũng có thể gãy bất cứ lúc nào”. Thùy Trang (23 tuổi, Lấp Vò, Đồng Tháp) trầm ngâm khi nói về bản thân mình.
Không may mắn như những đứa trẻ khác, ngay từ lúc sinh ra Trang đã mang trong mình căn bệnh “xương thủy tinh” và không thể phát triển một cách bình thường.
Thùy Trang, cô gái bị bệnh xương thủy tinh chỉ cao vỏn vẹn 70cm, lấy “sự tự ti” làm người bạn thân nhất.
Sinh ra trong một gia đình có hai chị gái, những tưởng sẽ trở thành đứa con út được cả gia đình yêu thương, bao bọc và lớn lên với cuộc sống mang “giấc mơ màu hồng”. Nhưng với Thùy Trang, tuổi thơ ngoài nụ cười hồn nhiên thì thiếu vắng đi gần như mọi thứ: Đến trường, đi học và có những người bạn.
“Hồi lúc còn nhỏ mình không có ý thức được là căn bệnh mình nghiêm trọng đến cỡ nào. Nhưng khi lớn lên mình hiểu được từ những việc như hạn chế trong việc đi lại, đến trường. Mọi sinh hoạt của mình phải phụ thuộc vào người thân… cho nên nó làm cho mình khá là tự ti và mình không có bạn bè, không thể hòa nhập với cuộc sống cũng như rất khó khăn trong việc tìm kiếm công việc phù hợp với mình”.
Năm 2017 – 2018, Trang nhen nhóm suy nghĩ tìm một công việc nào đó phù hợp với sức khỏe của mình. Thu nhập có thể không lớn, nhưng sẽ khiến bản thân Trang có thể thực hiện một công việc như người bình thường. Và sau đó, Thùy Trang tìm đến cách làm hoa giấy qua một lần vô tình đem được clip hướng dẫn trên YouTube.
Từ những tấm giấy đơn điệu, Trang mày mò làm ra những bông hoa xinh xắn, đa dạng màu sắc. Nếu chưa từng thấy Trang làm, hẳn ít ai ngờ rằng đó là sản phẩm được tạo nên từ một cô gái bị bệnh xương thủy tinh bẩm sinh. Trong lúc trò chuyện cùng chúng tôi, Thùy Trang vẫn miệt mài, tỉ mẩn để cắt dán những cánh hoa nhỏ để hoàn thành sản phẩm.
Những sản phẩm do chính tay Thùy Trang thực hiện.
Để hoàn thiện một bình hoa đẹp mắt mất rất nhiều thời gian. Công việc này đòi hỏi Thùy Trang phải tỉ mỉ trong từng công đoạn. Trung bình, một bông hoa dù đơn giản nhất cũng mất một giờ đồng hồ. Có ngày, Trang phải ngồi liền hơn 10 giờ đồng hồ để kịp đơn hàng trong thời gian cao điểm.
Hiện tại, trung bình mỗi tháng Trang có thể tạo hình trên dưới 10 chậu hoa giấy với nhiều kích cỡ. Các mẫu hoa do Trang tự nghĩ ra với đa dạng như hoa hồng, cúc, hướng dương, tulip đặc biệt là hoa sen.
Năm 2020, Trang xây dựng được cho mình một căn nhà nhỏ từ nguồn vốn cá nhân và hỗ trợ của gia đình. Tuy nhiên, cửa hàng của chị chủ yếu bán online thông qua mạng xã hội do việc đi lại khó khăn. Ngoài hoa giấy, chị còn làm nhiều sản phẩm khác như thiệp mời, phong bao lì xì, chặn giấy. Giá bán cũng phong phú, có thể dao động từ 80.000 đồng đến 1 triệu đồng/sản phẩm.
Trao tình thương từ những bông hoa nhỏ
Dù mang trên mình những khiếm khuyết bẩm sinh, nhưng Thùy Trang luôn nung nấu cho mình giấc mơ làm thiện nguyện.
Chị Trang chia sẻ: “Ngay từ nhỏ, mình đã rất thích giúp người khác, từ những món quà nhỏ gửi đến các bạn trong xóm, đến khi lớn lên thì nhờ sự giúp đỡ, chung tay của mọi người mà công việc làm thiện nguyện của mình lớn dần lên”.
Cứ như vậy, mỗi khi biết được thông tin về một hoàn cảnh khó khăn nào đó, bất kể gần hay xa, mưa hay nắng, Thùy Trang và dì Hai – người chăm sóc chị từ nhỏ đều lên đường để tìm đến mà giúp đỡ.
Dì Hai kể: “Có một lần, dì và Trang đi xuống Trà Vinh để phát quà từ thiện, trên đường về gặp tai nạn, Trang bị gãy tay mà không tìm đến bệnh viện được. Vậy là, suốt quãng đường hơn 200km, Trang ngồi sau xe và cầm khúc tay bị gãy về đến nhà mới được băng bó”.
Sinh ra và lớn lên tại một huyện vùng sâu, nên hầu như các hoàn cảnh khó khăn mà Thùy Trang tìm đến đều nằm trong những con đường nhỏ, khó đi. Vì vậy, phương tiện di chuyển chỉ là chiếc xe gắn máy. Hình ảnh người phụ nữ hơn 60 tuổi đèo theo một cô gái bé xíu trên những chuyến xe thiện nguyện đã trở nên quen thuộc với người dân ấp An Thạnh, xã Mỹ An Hưng A, Lấp Vò, Đồng Tháp.
Những bông hoa tiếp thêm động lực cho những người gặp khó khăn giống Thùy Trang
Giờ đây, những bông hoa do Thùy Trang làm ra không chỉ để tiếp thêm thu nhập cho cô gái mang trong mình căn bệnh “xương thủy tinh” ấy mà còn góp phần chung tay cho những hoàn cảnh khó khăn.
Thùy Trang hi vọng câu chuyện và kinh nghiệm của bản thân sẽ tiếp thêm động lực cho những người còn đang chông chênh trong cuộc sống, đặc biệt những người khuyết tật không may mắn.
“Hãy vượt qua được những mặc cảm, sợ hãi và lo lắng. Hãy tự tìm niềm vui cho mình mỗi ngày. đừng chờ ai mang đến. Vì tất cả chúng ta luôn muốn yêu thương và được yêu thương chứ không phải thương hại” – Trang chia sẻ.