Vào thời điểm trước và trong dịp Tết, tình trạng chế tạo, tàng trữ, buôn bán và sử dụng pháo nổ, pháo hoa trái phép lại gia tăng và diễn biến phức tạp. Rất nhiều em thanh thiếu niên tự tìm hiểu, chế tạo pháo trái phép. Đây không chỉ là những hành vi vi phạm pháp luật mà còn tiềm ẩn những mối nguy hiểm khôn lường...
Tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ, vừa qua đơn vị đã tiếp nhận thiếu niên bị tai nạn pháo nổ. Bệnh nhân bị pháo nổ làm nát tay trái là em Nguyễn Tuấn T (14 tuổi, ở Phú Thọ). Người nhà cho biết, em T tự tìm mua bột về chế tạo pháo và bị nổ. Bệnh nhân được người nhà đưa đến bệnh viện trong tình trạng tỉnh, khó thở nhẹ, có vết thương phức tạp bàn tay trái, dập nát, xẻ đôi bàn tay từ vùng sát cổ tay đến bàn ngón tay, loét loang lổ, lộ gân xương, chảy nhiều máu.
Theo bác sĩ nhận định, tổn thương bàn tay ở T. quá nặng gây khó khăn trong quá trình phẫu thuật. Nếu cắt bàn tay sẽ khiến T tàn tật cả đời, ảnh hưởng đến tương lai của trẻ nên các bác sĩ đã cố gắng hết sức để phẫu thuật bảo tồn. Tuy nhiên, 1 ngón tay vẫn phải cắt bỏ vĩnh viễn, chỉ bảo tồn được 4 ngón bàn tay trái. Hiện tại sau phẫu thuật, người bệnh ổn định.
Trước đó vài ngày, Bệnh viện Việt Đức cũng đã tiếp nhận một thanh niên trong tình trạng đa chấn thương do tai nạn pháo nổ khi đang tự chế pháo. Do vết thương quá nặng nên bệnh nhân đã mất 1 mắt và 2 bàn tay mất nhiều ngón.
Tai nạn pháo nổ, bệnh nhân H đã mất đi 1 mắt, hai tay cũng bị cụt nhiều ngón. Ảnh BVCC
PGS.TS Nguyễn Hồng Hà – Trưởng khoa Phẫu thuật Hàm mặt – Tạo hình – Thẩm mỹ (Bệnh viện Việt Đức) cho biết, bệnh nhân T.T.H nhập viện trong tình trạng đa chấn thương: Chấn thương sọ não, chấn thương hàm mặt, vết thương nhãn cầu trái, vết thương dập nát bàn tay 2 bên, bên phải cụt chấn thương ngón I, II, bên trái: Vết thương dập nát gãy hở xương đốt bàn ngón I, cụt chấn thương đốt 3 ngón II.
Vì vết thương quá nặng, không có khả năng bảo tồn, các bác sĩ chấn thương chỉnh hình đã tiến hành sửa mỏm cụt đến khối tụ cốt ngón I, II, sửa mỏm cụt đến đốt ngón III, IV, găm kim xương đốt bàn ngón I, III tay phải; găm kim xương đốt bàn, cắt cụt ngón I, sửa mỏm cụt đốt 3 ngón II tay trái.
Tại Hà Tĩnh, tháng 1/2019 em Đ.B.L. (SN 2004) ở Đức Thọ đã cùng bạn liên hệ qua facebook để tìm mua các vật liệu chế tạo thuốc nổ, rồi lên Youtube tham khảo cách hướng dẫn chế tạo và làm theo. Kết quả, sau tiếng nổ lớn, nhiều vật dụng trong nhà bị hư hỏng, 5 nạn nhân nằm bất động. Riêng em Đ.B.L ) đã tử vong do vết thương quá nặng.
Ngày 16/12, Công an xã Kỳ Giang (huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) phát hiện Nguyễn Đức Kh. (SN 2004) điều khiển xe máy chở theo Trần Văn H. (SN 2005, cùng trú xã Kỳ Đồng) đang mang theo một bao tải. Kiểm tra bên trong, lực lượng chức năng phát hiện có 14 quả pháo nổ tự chế có tổng khối lượng 3,06 kg. Liên tiếp trong ngày 23 và 24/12, Công an huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) phát hiện 3 vụ học sinh trên địa bàn tự chế pháo nổ để sử dụng.
Tại cơ quan chức năng, các em khai, sau khi lên mạng tìm các video tự chế thuốc nổ, các em đã mua các hóa chất chế tạo pháo như: Lưu huỳnh, Kali Clorat (KClO3)… trên một số trang thương mại điện tử và đưa về nhà riêng để thực hiện các bước tự chế thành pháo nổ. Lực lượng công an cũng đưa ra cảnh báo, tai nạn do pháo nổ gây ra thường là những chấn thương rất nặng. Trên thực tế, đã có không ít trường hợp tử vong hoặc phải chịu thương tật suốt đời từ trò "nghịch dại" này.
Bên cạnh sự vào cuộc tích cực của lực lượng chức năng thì chính các bậc phụ huynh cần phải có biện pháp quản lý, giáo dục con em để phòng ngừa hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra do tự chế tạo, nổ pháo, nhất là trong thời điểm Tết nguyên đán đang gần kề như hiện nay.