Người dân sẽ được giảm giá nước sinh hoạt do ảnh hưởng dịch Covid - 19 (Ảnh: TTXVN)
Điều chỉnh giảm giá nước sạch cho người dân bị ảnh hưởng bởi COVID-19
Ngày 1/8, Văn phòng Chính phủ ban hành Văn bản số 5257/VPCP-KTTH truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái về việc điều chỉnh giảm giá nước sạch sinh hoạt.
Theo đó, để hỗ trợ, giảm bớt khó khăn cho người dân và các đối tượng bị ảnh hưởng trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biễn phức tạp, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương xem xét, điều chỉnh giảm giá nước sạch sinh hoạt, tiền sử dụng nước sạch sinh hoạt hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo thẩm quyền và quy định pháp luật, khẩn trương xem xét, thực hiện điều chỉnh giảm giá nước sạch sinh hoạt, tiền sử dụng nước sạch sinh hoạt hỗ trợ cho người dân và các đối tượng sử dụng nước sạch sinh hoạt bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, nhất là tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các quận, huyện, thành phố trực thuộc tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ.
Trước đó, ngày 31/7, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã ký ban hành Nghị quyết số 83/NQ-CP của Chính phủ, thống nhất phương án hỗ trợ giảm tiền điện, giảm giá điện (đợt 4) cho các khách hàng sử dụng điện bị ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Đối tượng được hỗ trợ giảm tiền tiện, giá điện là các khách hàng sử dụng điện cho mục đích sinh hoạt tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các quận, huyện, thành phố trực thuộc tỉnh, thành phố tại thời điểm ngày 30/7 đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg; các cơ sở cách ly y tế tập trung phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 có thu một phần chi phí của người cách ly.
Hà Nội: 21 ca dương tính covid - 19 liên quan công ty thực phẩm cấp hàng cho siêu thị
Ngõ 651, phố Minh Khai - nơi phát hiện các trường hợp mới mắc COVID-19 liên quan tới công ty thực phẩm Thanh Nga (ảnh: TTXVN)
Theo thông báo nhanh của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội tối 1/8, đã phát hiện 21 trường hợp dương tính covid - 19 liên quan đến Công ty Thực phẩm Thanh Nga, quận Hai Bà Trưng.
Cụ thể, 17h30 ngày 1/8, sau khi nhận được thông báo về chùm ca bệnh gồm 20 trường hợp mới mắc COVID-19 liên quan tới công ty thực phẩm Thanh Nga tại địa chỉ 82/651 Hai Bà Trưng, Đội đáp ứng nhanh số 2 đã ngay lập tức xuống địa bàn phối hợp cùng Trung tâm Y tế quận Hai Bà Trưng điều tra truy vết và xử lý ổ dịch.
Ca chỉ điểm là BN V.N.A., nữ, sinh năm 2000. Địa chỉ tại 170 Văn Chương, Văn Chương, Đống Đa. Nghề nghiệp là sinh viên thực tập tại Công ty TP Thanh Nga đến hết ngày 30/7/2021, địa chỉ 82/651 Minh Khai, Thanh Lương, Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Ngày 28/7, BN xuất hiện ho, sốt, đau họng, đến khám tại BV đa khoa Xanh Pôn cho kết quả sàng lọc dương tính SARS-CoV-2, ngày 31/7 kết quả khẳng định tại CDC Hà Nội.
Ngày 31/7, TTYT quận Hai Bà Trưng đã tiến hành điều tra xác minh và lấy mẫu tổng số 30 trường hợp F1 BN V.N.A., trong đó 3 trường hợp được chuyển cách ly tại BV đa khoa Hà Đông; 27 trường hợp còn lại cách ly trên địa bàn quận Hai Bà Trưng, cụ thể: 24 người tại địa chỉ Công ty (16 người sống tại công ty và 8 người từ địa phương khác đến cách ly), 3 trường hợp cách ly tại nhà.
Ngày 1/8, CDC Hà Nội xét nghiệm khẳng định thêm 20 trường hợp nhân viên công ty dương tính mới là F1 của BN V.N.A. Cộng dồn 21 trường hợp dương tính liên quan Công ty TP Thanh Nga. Các ca này đều là nhân viên văn phòng, giao hàng ở tại công ty hoặc cư trú trên địa bàn Q.Hoàng Mai, H.Thanh Trì...
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội đã phối hợp với Trung tâm Y tế quận Hai Bà Trưng và các đơn vị liên quan tiến hành điều tra lịch trình di chuyển và người tiếp xúc với các bệnh nhân dương tính. Kết quả điều tra và xử lý (tính đến ngày 20h ngày 1-8):
Tiến hành phong tỏa tạm thời khoảng 300 hộ với 1.000 nhân khẩu, các trường hợp xác định đã được liên hệ chuyển điều trị Bệnh viện Bắc Thăng Long.
Tổng số người liên quan, người trong khu vực ổ dịch khoanh vùng đã được lấy mẫu: 750 người (trong đó 500 mẫu gộp sàng lọc cộng đồng và 230 người sống trong ngõ có trụ sở chính công ty) gửi Bệnh viện Xanh Pôn hiện chưa có kết quả.
Công ty thực phẩm Thanh Nga có 2 cơ sở: cơ sở chính và kho đông lạnh nơi có nhiều nhân viên sinh sống, hoạt động lĩnh vực cung cấp thịt. Tổng số nhân viên 43 người. Gần cơ sở chính của công ty có 5 công ty khác. Qua thông báo của cơ quan chức năng, công ty cung cấp thịt cho hàng chục cửa hàng tiện lợi và siêu thị lớn ở Hà Nội.
Các trường bị dừng nhận trợ cấp xã hội
Theo thông tư 02/2021 3 trường hợp sẽ bị dừng nhận trợ cấp xã hội.
Bộ LĐ-TB&XH đã ban hành Thông tư 02/2021 hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 20/2021 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội.
Sẽ siết chặt hơn hoạt động nhận trợ cấp xã hội của các đối tượng bảo trợ xã hội. 3 trường hợp bị dừng nhận trợ cấp xã hội, gồm:
Không nhận chế độ, chính sách liên tục từ 3 tháng trở lên.
Không chấp hành yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc xác định lại mức độ khuyết tật, xác định lại điều kiện hưởng trợ giúp xã hội hoặc thông tin khác phục vụ công tác quản lý.
Người đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng bị tạm giam từ 1 tháng trở lên.
Trước đây, Thông tư liên tịch 29/2014 của Bộ LĐ-TB&XH và Bộ Tài chính chỉ quy định tạm dừng chi trả trợ cấp với trường hợp đối tượng không nhận tiền trợ cấp do chết, mất tích hoặc chuyển khỏi địa bàn.
Thông tư có hiệu lực từ ngày 8/8, nhưng các chế độ, chính sách quy định tại Thông tư này được áp dụng từ ngày 1/7.
Doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm không phải nộp thuế giá trị gia tăng và thu nhập cá nhân
Cá nhân thu nhập dưới 100 triệu đồng/năm sẽ không phải nộp thuế thu nhập cá nhân
Từ ngày 1/8, Thông tư 40/2021/TT-BTC hướng dẫn thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh, có hiệu lực từ ngày 1/8.
Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có doanh thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh trong năm dương lịch từ 100 triệu đồng trở xuống thì thuộc trường hợp không phải nộp thuế GTGT và không phải nộp thuế TNCN theo quy định pháp luật về thuế GTGT và thuế TNCN.
Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có trách nhiệm khai thuế chính xác, trung thực, đầy đủ và nộp hồ sơ thuế đúng hạn; chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực, đầy đủ của hồ sơ thuế theo quy định.
Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh theo hình thức nhóm cá nhân, hộ gia đình thì mức doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở xuống để xác định cá nhân không phải nộp thuế GTGT, không phải nộp thuế TNCN được xác định cho 1 người đại diện duy nhất của nhóm cá nhân, hộ gia đình trong năm tính thuế.
Xuất khẩu 22 tấn quả sấu đông lạnh sang Australia
Quả Sấu, thứ quả bình dân tại Việt Nam du nhập các thị trường lớn
Theo Bộ Công Thương, lần đầu tiên, một lô hàng lớn lên đến 22 tấn quả sấu đông lạnh của Việt Nam được xuất khẩu, phân phối và tiếp thị tại Australia.
Dẫn nguồn tin từ Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Australia, Bộ Công Thương cho biết: Với giá bán thấp nhất là 18 dolla Úc/1kg, tổng giá trị của lô hàng 22 tấn tiêu thụ tại thị trường Australia có thể mang về giá trị kim ngạch lớn lên đến trên 390.000 dolla Úc (trên 6,5 tỉ đồng Việt Nam). Như vậy, với mùa thu hoạch kéo dài từ tháng 6 đến tháng 9, tiềm năng về kim ngạch của quả sấu không thua kém một số loại quả khác đang xuất khẩu sang quốc gia này.
Dựa trên nhận định về kim ngạch, thị trường, vùng sản xuất, và để đa dạng đặc sản vùng miền xuất khẩu trong bối cảnh COVID-19 đang có nhiều tác động bất cập, Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Australia đã đồng hành cùng doanh nghiệp (Công ty Ưu Đam) triển khai xúc tiến loại quả này.
Theo đó, Thương vụ đã bố trí chi phí để quảng cáo trên mạng xã hội tại các khu vực tiêu thụ chính, cũng như đã đề xuất, phối hợp doanh nghiệp thực hiện khuyến mại mua sấu trúng thưởng 10 phần quà là yến sào Việt Nam và xúc tiến từng bước giới thiệu vào hệ thống phân phối lớn.
Ngoài ra, Thương vụ cũng chuẩn bị giới thiệu sách ẩm thực quả sấu bằng tiếng Anh để tiếp thị tới đa dạng các nhóm khách hàng tại Australia bên cạnh người Việt. Chủ trương nhất quán của Thương vụ là ủng hộ, quảng bá nông sản xuất khẩu có thương hiệu, cạnh tranh về chất lượng, mẫu mã.
Theo Bộ Công Thương, mặc dù nhiều thành phố bị giãn cách xã hội và vận tải xuất khẩu gặp khó khăn, nhưng 6 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu nông sản rau quả sang Australia tăng trưởng kỷ lục lên đến hơn 52% so với cùng kỳ năm 2019, đạt hơn 40 triệu USD. Nếu tính luôn các mặt hàng nông sản chủ lực khác như hạt điều, hạt tiêu, càphê, gạo, xuất khẩu nông sản sang Australia đạt gần 110 triệu USD.