Trao đổi với Báo Chính phủ về việc vì sao lại là "cơ bản không nhiễm", PGS.TS. Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam giải thích, với trường hợp mới mắc COVID-19 trong 1 đến 2 ngày đầu, thì việc xét nghiệm chưa thể phát hiện ra. Bên cạnh đó, không phải xét nghiệm nào cũng đạt độ chính xác 100%. Ngoài ra, trường hợp giấy xét nghiệm giả thì hoàn toàn không có giá trị.
PGS.TS. Trần Đắc Phu nhấn mạnh, giấy xét nghiệm này chỉ có giá trị về mặt thời điểm. Nếu sau khi xét nghiệm, người dân không thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch thì vẫn sẽ nhiễm SARS-CoV-2 và trở thành nguồn lây bệnh. Do đó, điều quan trọng sau khi thực hiện xét nghiệm, người dân vẫn phải thực hiện nghiêm mọi biện pháp phòng bệnh.
Với hoạt động đi lại, lưu thông đường dài, dù có giấy xét nghiệm âm tính, người dân vẫn phải thực hiện nghiêm thông điệp 5K của Bộ Y tế. Trong đó, 2 biện pháp quan trọng nhất là không tụ tập đông người và khai báo y tế. “Khi dịch đã lây lan trong cộng đồng thì bất kỳ ai cũng có thể là F0. Vì vậy, càng hạn chế tiếp xúc đông người sẽ càng bảo vệ tốt bản thân trước nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh. Mặt khác, trong trường hợp có tiếp xúc với F0, nếu khai báo y tế thì ngay lập tức cơ quan chức năng sẽ truy vết, khoanh vùng, dập dịch tốt nhất”, ông Trần Đắc Phu nhấn mạnh.
Thực tế hiện nay, khi tổ chức khai báo y tế, người lái xe lại xếp hàng, tập trung đông người. Đây cũng là nguy cơ lây nhiễm bệnh nếu như có F0. Vấn đề này cần sự vào cuộc, kiểm tra và giám sát của chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng, để tổ chức đúng kỹ thuật, đúng quy định phòng, chống dịch.
Đặc biệt, trong 72 giờ sau khi có giấy xét nghiệm âm tính, trong hành trình di chuyển, khi đi trên các phương tiện giao thông, người dân vẫn phải thực hiện tốt thông điệp 5K. "Nếu giấy xét nghiệm COVID-19 không có thời hạn, người dân không thực hiện biện pháp phòng dịch tốt, thì nguy cơ trở thành F0 luôn thường trực. Lực lượng chức năng cũng cần chú ý, không vì có giấy xét nghiệm âm tính mà lơ là việc thực hiện các biện pháp giám sát y tế", Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam nhấn mạnh.
Ông Trần Đắc Phu: Giấy xét nghiệm COVID-19 có giá trị xác định tại thời điểm thực hiện xét nghiệm, người được xét nghiệm cơ bản không nhiễm SARS-CoV-2 và không là nguồn bệnh lây sang người khác.
Hai nguyên nhân khiến TPHCM tăng số ca COVID-19 hàng ngày
PGS.TS. Trần Đắc Phu cũng cho biết, tại TPHCM dịch đã diễn biến ở nhiều nơi, với đa ổ dịch, đa chuỗi lây nhiễm. Số ca mắc tại TPHCM đang tăng lên hàng ngày do 2 nguyên nhân chính.
Thứ nhất, số ca mắc tăng do các biện pháp giãn cách chưa thực hiện nghiêm. Thứ hai là năng lực xét nghiệm tăng cao, nên càng xét nghiệm nhiều càng thu về nhiều kết quả và xác định được thêm nhiều ca mắc; hoặc trường hợp chậm trả kết quả, nên khi công bố sẽ ghi nhận cùng lúc số ca mắc tăng.
Đây là những yếu tố phải xem xét và phân tích kỹ lưỡng để thực hiện các biện pháp ứng phó với dịch và giãn cách phù hợp, PGS.TS. Trần Đắc Phu nhấn mạnh.
Vị chuyên gia này cũng phân tích, do dịch hiện nay đã lây lan rộng, với số ca mắc lớn được ghi nhận, vì vậy, cần thiết phải nhanh chóng phát hiện các F0, các ổ dịch, đồng thời yếu tố quan trọng là đánh giá được nguy cơ để giãn cách và phong tỏa. Giãn cách cũng phải dựa trên thực tế diễn biến dịch, vì thực tế khi số ca mắc quá lớn thì sẽ không thể chỉ truy vết và cách ly. Giãn cách sẽ giúp cắt đứt nguồn, chuỗi lây nhiễm và ngăn chặn tiếp xúc giữa người lành và người mắc bệnh, từ đó, sẽ dần dần giảm số ca mắc.
Tại cuộc họp trực tuyến với TPHCM để triển khai các giải pháp phòng chống dịch COVID-19 ngày 5/7, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 cho biết, cùng với việc tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 10/CT-UBND, TPHCM phải khẩn trương thống nhất với Bộ Y tế, các địa phương lân cận để có hướng dẫn kiểm soát chặt chẽ người ra, vào TPHCM, bảo đảm lưu thông hàng hoá không bị ách tắc. Những người thật cần thiết đến TPHCM phải thực hiện xét nghiệm.
TPHCM, Bộ Y tế, các bộ, ngành, địa phương khẩn trương thống nhất, sớm hoàn thành hướng dẫn về các biện pháp kiểm soát liên quan đến hoạt động đi, lại, có thời gian thông báo ít nhất trước 24 giờ đồng hồ cho người dân.
Phó Thủ tướng cũng lưu ý về thực hiện hướng dẫn người dân khi đi lại phải có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2. Còn nhiều phản ánh ở một số địa phương, nhất là TPHCM, cho thấy việc tổ chức xét nghiệm còn chưa thuận lợi, cần chấn chỉnh tình trạng này.
Trước đề nghị của TPHCM về việc bổ sung, làm rõ thời gian có giá trị đối với kết quả xét nghiệm, Bộ Y tế cam kết, sẽ sớm có hướng dẫn cụ thể.
https://hoanhap.vn/chi-tiet/giay-xet-nghiem-covid-19-co-gia-tri-nhu-the-nao1625586506.html