Rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) là một rối loạn bao gồm suy giảm sự tập trung chú ý, hoạt động thái quá và hấp tấp, bốc đồng.
Hơn 50% bệnh nhân trẻ em được chẩn đoán ADHD tiếp tục có những biểu hiện triệu chứng trong suốt thời kỳ thanh thiếu niên và hơn một nửa có những suy giảm chức năng xã hội ở tuổi trưởng thành.
Tại Việt Nam, tỷ lệ trẻ mắc tăng động giảm chú ý dao động từ 3,2-9,3% và trẻ tăng động giảm chú ý có kèm những rối loạn đồng diễn là 67%. Tăng động giảm chú ý thường gặp ở trẻ em trai hơn trẻ em gái, và trẻ mắc chứng rối loạn tăng động giảm chú ý bắt đầu phát triển triệu chứng trước khi lên 7 tuổi.
Theo BSCKII Nguyễn Thị Kiều Tiên, Trưởng khoa Khám Tâm lý-Tâm thần trẻ em, Bệnh viện Tâm thần TP.HCM, rối loạn tăng động giảm chú ý là một trong những rối loạn thần kinh phổ biến, có biểu hiện đôi khi khác nhau giữa các giai đoạn phát triển của cá thể, nhưng lại có khi khá tương đồng với một số rối loạn phát triển thần kinh, hay rối loạn tâm thần khác.
Trong đa số các trường hợp thì tăng động giảm chú ý không xuất hiện đơn lẻ, cho nên việc tìm kiếm các rối loạn đi kèm cần thực hiện thường xuyên và cần chú ý rằng hầu hết các cá nhân bị rối loạn tăng động giảm chú ý có rối loạn đi kèm thường có biểu hiện lâm sàng khá phức tạp.
Vì vậy, khi chẩn đoán nếu chỉ quan tâm đến rối loạn tăng động giảm chú ý mà bỏ quên các rối loạn đồng mắc thì sẽ khó để xác định được đúng bệnh.
Bác sĩ Tiên nhấn mạnh, trong quá trình thăm khám và chẩn đoán, các bác sĩ cần lưu ý rối loạn tăng động giảm chú ý và rối loạn lo âu; rối loạn tăng động giảm chú ý và rối loạn lưỡng cực; rối loạn tăng động giảm chú ý và trầm cảm. Ngoài ra, biểu hiện rối loạn tăng động giảm chú ý tại từng độ tuổi khác nhau cũng có những đặc điểm khác nhau.
Điều trị bằng thuốc là giảm các triệu chứng cốt lõi của rối loạn tăng động giảm chú ý hướng đến cải thiện tình trạng suy giảm chức năng. Các bước tiếp cận khi kê đơn thuốc điều trị rối loạn tăng động giảm chú ý ở trẻ cần thực hiện theo 4 bước: Xác định mục tiêu điều trị, Lựa chọn thuốc, Điều chỉnh và theo dõi, Duy trì và giám sát.
"Việc điều trị thuốc vẫn cần phối hợp với can thiệp hành vi, tâm lý để tăng hiệu quả, đặc biệt là đối với trẻ rối loạn tăng động giảm chú ý kém đáp ứng với điều trị thuốc đơn lẻ, có rối loạn đi kèm, hoặc có những yếu tố gây sang chấn trong gia đình", bác sĩ Tiên cho hay.
Các dấu hiệu trẻ bị tăng động giảm chú ý
Bác sĩ Thành Ngọc Minh- Trưởng khoa Tâm thần, Bệnh viện Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, các biểu hiện của giảm chú ý bao gồm:
- Khó duy trì chú ý được lâu so với trẻ cùng tuổi
- Dễ mất tập trung do tác động bên ngoài.
- Không cẩn thận, không tập trung tỉ mỉ, hay gây sai sót.
- Ít tuân theo hướng dẫn, ít hoàn thành trọn vẹn nhiệm vụ, bài vở.
- Hay làm mất, bỏ quên đồ dùng, đồ chơi.
- Hay bỏ dở việc này để sang làm việc khác.
- Né tránh, không thích các hoạt động đòi hỏi nỗ lực tư duy.
- Nói quá nhiều.
- Trả lời bột phát khi chưa nghe hết câu hỏi.
- Khó khăn khi phải chờ đợi.
- Ngắt quãng, chen ngang vào hội thoại hoặc công việc của người khác.
- Khó khăn tổ chức hoạt động.
Các biểu hiện tăng hoạt động:
- Hay bồn chồn, luôn cử động chân tay, ngồi không yên.
- Thường xuyên chạy nhảy, leo trèo, hoặc rời khỏi chỗ ở nơi cần phải ngồi yên.
- Khó khăn khi chơi hoặc tham gia hoạt động tĩnh.