Hưởng ứng Năm du lịch tỉnh Tuyên Quang và kỷ niệm 75 năm thành lập chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của huyện (4/1947-4/2022), ngày 29/4, UBND huyện Na Hang đã tổ chức khai mạc Tuần văn hóa du lịch vùng cao Na Hang năm 2022.
Với chương trình nghệ thuật đặc sắc, mang đậm nét văn hóa của đồng bào các dân tộc Tày, Dao, H’Mông, Đêm khai mạc đã đưa du khách lạc vào vẻ đẹp huyền diệu của núi rừng đại ngàn Tây Bắc. Qua điệu múa và lời ca của nhưng cô gái Dao, H’Mông xinh đẹp, cả cánh rừng Phiêng Bung, dòng sông Gâm và sông Năng, núi Pác Tạ huyền thoại... như hiển hiện trước mắt lữ khách.
Lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang và lãnh đạo huyện Na Hang trồng cây lưu niệm tại công trình Bia lưu niệm Chi bộ Đảng Na Hang (1947 -2022).
Anh Hiệp, Chủ nhà hàng Homestay Thạch Hoa Viên, tại Tổ 3 , Thị trấn Na Hang cho biết, nhiều năm qua, để gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, mỗi khi có khách đến lưu trú, chúng tôi đều mời các thành viên trong câu lạc bộ văn hóa nghệ thuật đến biểu diễn hát Then, Cọi. Với khoảng sân vườn rộng, chúng tôi lập chương trình cho khách nhảy sạp, đốt lửa trại và giao lưu văn hóa các dân tộc đang sinh sống trên địa bàn. Tiếp đó, là lập chương trình cho khách thăm quan Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang-Lâm Bình, với hơn 8.000 ha diện tích là mặt nước và được ví như “Vịnh Hạ Long trên núi”; thác Khuổi Nhi, đền Pác Tạ, đền Pác Vãng, hang Phia Vài, Cọc Vài Phạ, vách Nàng tiên - Chú Khách,… Chúng tôi đã tạo những tour, tuyến du lịch dã ngoại, ngắm cảnh thiên nhiên bằng du thuyền đầy thú vị của du khách khi đến với Na Hang.
Anh Nông Văn Hiệp, chủ nhà hàng Homestay Thảo Hoa Viênchụp ảnh lưu niệm cùng khách thăm quan.
Sự giao thoa giữa các nền văn hóa, các dân tộc tạo nên sức lôi cuốn du khách bởi nét văn hóa bản địa truyền thống vô cùng độc đáo, đặc sắc của nhiều dân tộc được thể hiện qua các lễ hội cổ truyền như: Lễ hội Lồng Tông (người Tày), lễ Cấp sắc, lễ Tơ Hồng, lễ rước Dâu (người Dao) trong trang phục thổ cẩm độc đáo. Bên cạnh đó với các di cốt hóa thạch có niên đại trên 10.000 năm tuổi được khai quật tại các di chỉ khảo cổ hang Phia Vài (Lâm Bình), Phia Muồn (Na Hang) còn được biết đến như một cái nôi của người Việt cổ, hàng Nà Thẳm – cơ quan ấn loát đặc biệt của Trung ương trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Đến với Na Hang, du khách có thể ghé thăm và vãn cảnh đền Pác Tạ, đền Pác Vãng, chùa Phúc Lâm (nay thuộc xã Thượng Lâm – huyện Lâm Bình) nơi hội tụ các giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học và nghệ thuật, là nơi thờ Phật nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh, tín ngưỡng của người dân nơi sở tại.
Du lịch sinh thái, thăm quan thắng cảnh núi rừng Na Hang, du lịch lễ hội, tâm linh là những yếu tố cấu thành giá trị văn hóa độc đáo, đa dạng của địa phương, tất cả tạo nên không gian muôn màu, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Để từ đó, đem lại nét văn hóa ẩm thực thu hút nhiều thực khách khi đến với Na Hang: đặc sản rượu Ngô men lá, rượu Đao, lẩu cá Lăng, cá Bỗng, thịt trâu khô, thịt bò khô, xôi ngũ sắc…
Với những tiềm năng, thế mạnh về cảnh sắc thiên nhiên, con người, truyền thống văn hóa đa dạng và phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc của nhân dân các dân tộc huyện Na Hang hôm nay, sẽ là điểm tựa để phát triển kinh tế, văn hóa du lịch, đặc biệt là kinh tế du lịch, mô hình du lịch và dịch vụ du lịch; các tour, tuyến du lịch nối liền với các tỉnh bạn như huyện Bắc Mê – Hà Giang, huyện Chợ Đồn – Ba Bể, Pắc Nặm – Bắc Kan…sẽ được hình thành trong tương lai không xa và như câu hát mà nhạc sỹ Lê Việt Hòa đã viết: “Anh từ miền xuôi tới đây cùng em xây dựng tương lai. Anh từ miền xuôi tới đây cùng em xây dựng Na Hang ….đẹp tươi”.
Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Na Hang đang viết lên một kỳ tích mới trong phát triển kinh tế, với chìa khóa mở cửa kho báu là câu thần chú: “Đưa du lịch bay cao như Chim phượng hoàng tung cánh”.
https://hoanhap.vn/chi-tiet/huyen-thoai-na-hang-diem-du-lich-doc-dao1651279427.html